Giáo dục sớm: Hành trang vững bước tới trường cho trẻ em dân tộc thiểu số
Số liệu trên được công bố tại Hội thảo quốc gia Tổng kết dự án về Bộ công cụ Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Đọc Viết và Toán vào ngày 15/6, do tổ chức SCI phối hợp với Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý Giáo dục (CB QLGD), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thực hiện.
Hội thảo đã điểm lại quá trình ba năm thực hiện dự án (2015-2018), với nhiều bài học kinh nghiệm, kết quả và đề ra hướng phát triển của mô hình này trong thời gian tới.
Hành trang vào lớp 1: Không chỉ là sách, bút
Theo khảo sát đầu kỳ của tổ chức SCI năm 2010, so với các trẻ đồng trang lứa người Kinh, trẻ DTTS đang theo học tại các trường tiểu học có điểm số Tiếng Việt và Toán thấp hơn hẳn. Theo Chuẩn Quốc gia dành cho trẻ 3 – 5 tuổi, các em cần biết 40% trong tổng số 29 chữ cái trong bảng chữ cái. Tuy nhiên, trẻ DTTS chỉ có thể nhận biết cao nhất là 20% số lượng chữ cái. Do vậy, chỉ có 6 – 10% số trẻ học hết lớp 3 có thể trả lời câu hỏi bằng một câu tiếng Việt đầy đủ.
Trẻ mầm non ở huyện Tây Giang trong một tiết học. Ảnh Báo Công an Đà Nẵng.
Thiếu thốn về cơ sở vật chất, điều kiện địa lý cách trở, hạn chế về tiếp cận thông tin cũng như rào cản về mặt ngôn ngữ, văn hóa được coi là những nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này.
Nhằm khắc phục những khó khăn mà trẻ em DTTS gặp phải trong quá trình học tập ở bậc tiểu học, giúp các em có một khởi đầu thuận lợi hơn, năm 2015, SCI đã quyết định triển khai dự án thí điểm Hỗ trợ làm quen với Đọc Viết và Toán cho trẻ mầm non thuộc hai huyện Văn Chấn (Yên Bái) và Tây Giang (Quảng Nam).
Với tổng kinh phí 725.300 USD (tương đương 16.258.000 VNĐ), dự án được tiếp nhận và thực hiện bởi Ủy ban nhân dân hai huyện địa phương dưới sự tài trợ của SCI trong ba năm (2015-2018).
Giáo dục sớm: bước đầu nâng cao chất lượng học tập cho trẻ em DTTS
Một trong những hoạt động trọng tâm của dự án là việc thí điểm Bộ công cụ Hỗ trợ giáo dục sớm (Early Learning Matters - ELM).
ELM là một giải pháp dựa trên các bằng chứng thực tiễn, các hoạt động học mà chơi hỗ trợ nhà trường, cha mẹ, cộng đồng và chính phủ trong việc mang tới các cơ hội học tập sớm cho trẻ từ 3-6 tuổi, giúp các em hình thành các kỹ năng học sớm về đọc viết và toán học, không chỉ trong trường học mà còn trong cộng đồng nơi các em đang sinh sống.
Tài liệu hỗ trợ giáo dục ELM được thể hiện một cách gần gũi với đời sống đồng bào thiểu số. Ảnh Phi Yến.
Tính đến năm 2017, bộ công cụ ELM đã được SCI triển khai tại 18 quốc gia. Tại mỗi nước, Bộ công cụ này được điều chỉnh để áp dụng cho phù hợp với điều kiện thực tế của quốc gia đó.
Tại Việt Nam, mục tiêu của dự án là góp phần nâng cao sự sẵn sàng đi học và sự phát triển toàn diện của trẻ em DTTS tại địa bàn dự án, thông qua ba hợp phần chính là cải thiện môi trường học tập tại trường, cải thiện môi trường học tập tại nhà và thúc đẩy sự công nhận của Bộ GD&ĐT đối với phương pháp ELM như là một bộ công cụ toàn diện nâng cao tính hiệu quả của chương trình giáo dục mầm non quốc gia hiện hành.
Cụ thể, đối tượng hưởng lợi chính của dự án là các trẻ em các dân tộc H’Mong, Dao, Thái và Cơ Tu huyện Văn Chấn, Tây Giang và sau này mở rộng ra các địa bàn khác như Điện Biên, Đồng Nai.
Trong ba năm triển khai (2015-2018), dự án đã tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho giáo viên mầm non và cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ, học sinh/người chăm sóc trẻ tại địa phương về thực hành ELM tại trường và tại nhà. Bên cạnh đó, tổ chức SCI phối hợp với Cục Nhà giáo và CBQL GD triển khai tập huấn báo cáo viên quốc gia về ELM cho các cán bộ quản lý giáo dục mầm non của 25 tỉnh thành trọng điểm trên cả nước.
Chỉ sau hơn một năm triển khai, dự án đã cho thấy kết quả khả quan. Theo Báo cáo từ Hệ thống đánh giá quốc tế về kết quả học sớm của trẻ (IDELA), sự phát triển của các trẻ tham gia dự án đã tăng ở tất cả các lĩnh vực. Điều này đã thể hiện sự cải thiện về tính sẵn sàng đi học của trẻ sau 14 tháng thử nghiệm mô hình ELM.
Cụ thể, với kĩ năng đọc viết, điểm trung bình tăng từ 15% đến 32%. Với kĩ năng toán, cụ thể là nhận biết số, mức tăng từ 18% lên 43%.
Bà Lê Thị Thùy Dương, Quản lý chương trình Giáo dục của tổ chức SCI giới thiệu về bộ công cụ ELM. Ảnh Phi Yến.
Đặc biệt, các bậc cha mẹ/người chăm sóc trẻ cũng đã có sự chuyển biến tích cực cả về kiến thức, thái độ và hành động trong việc dạy con học tại nhà. Điển hình là việc nhận thức của cha mẹ/người chăm sóc trẻ về tạo môi trường giàu chữ viết đã hoàn toàn thay đổi. Sự hình thành thói quen mua/mượn sách về nhà cho trẻ đã tăng từ dưới 4% lên đến hơn 50% trong số cha mẹ/người chăm sóc trẻ được khảo sát.
Chị Bling Thị Dớm, 28 tuổi, dân tộc Cơ Tu, mẹ bé Arất Thị Diệu, 4 tuổi, ở huyện Tây Giang cho biết, từ khi tham gia dự án, con gái chị rất hào hứng trong việc học và chơi cùng mẹ mỗi buổi tối. Em đã bớt đi những ngại ngùng, bỡ ngỡ trong việc giao tiếp bằng tiếng phổ thông và trở nên hoạt bát, cởi mở hơn. Trong khi đó, anh trai của Diệu là Arất Chương, 7 tuổi cũng học tập tiến bộ hơn từ khi được thực hành Bộ công cụ ELM. “Ở trường, cháu đã đạt học sinh giỏi năm lớp 1 và giải ba một cuộc thi vẽ tranh cấp huyện,” chị vui mừng chia sẻ.
Bé Arất Diệu hào hứng trong một giờ học cùng mẹ. Ảnh SCI.
Nói về hiệu quả của bộ công cụ ELM đối với việc dạy học, cô giáo Hoàng Thị Diễm Hương, giáo viên trường mầm non Đồng Khê, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, chia sẻ: “Việc dạy học trở nên linh hoạt và thú vị hơn.” Cô Hương cho biết, rất tâm đắc với cuốn thẻ hoạt động dành cho giáo viên với nhiều trò chơi mới và hướng dẫn hữu ích, giúp giáo viên mở rộng trò chơi, nâng độ khó tùy theo trình độ của trẻ.
“Hơn nữa, cùng với các phương pháp, kỹ thuật mà dự án triển khai, tôi cảm thấy dễ dàng hơn trong việc xác định được trẻ đang yếu ở lĩnh vực phát triển nào và tôi cần phải làm gì để giúp trẻ phát triển lĩnh vực đó,” cô bày tỏ.
Thêm một cánh cửa tiếp cận giáo dục chất lượng cho trẻ em
Nhận xét về kết quả dự án, bà Dragana Strinic, Trưởng đại diện SCI tại Việt Nam bày tỏ sự vui mừng khi hơn 4.000 trẻ em DTTS trong độ tuổi từ 3 đến 6 ở những vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn đã có những tiến bộ rõ rệt về năng lực học tập.
Theo bà Strinic, những kết quả của dự án đã mở ra cánh cửa tiếp cận với giáo dục có chất lượng cho ngày càng nhiều trẻ em.
Trưởng đại diện SCI khẳng định tổ chức sẽ tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em Việt Nam. Ảnh Phi Yến.
Bà cũng khẳng định SCI sẽ tiếp tục nỗ lực mang lại những thay đổi tích cực trong cuộc sống và tương lai của trẻ em, nhất là trẻ em khó khăn, thông qua các dự án nâng cao chất lượng giáo dục.
Trước những kết quả tích cực dự án Bộ công cụ Hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với Đọc Viết và Toán đạt được, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã bày tỏ thiện chí của Bộ trong việc tạo cơ hội hợp tác với SCI để kiện toàn hơn nữa Bộ công cụ ELM, nhằm chuẩn hóa nội dung, kiến thức phù hợp với điều kiện Việt Nam để áp dụng đại trà trong chương trình đào tạo giáo sinh tại các cơ sở đào tạo, cũng như chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên mầm non của Bộ GD&ĐT.
Trong thời gian tới, Bộ công cụ ELM sẽ được áp dụng tại 6 tỉnh thành ở cả 3 miền. Ảnh Phi Yến.
Theo thông tin từ SCI, trong giai đoạn từ 2018-2020, bộ công cụ ELM sẽ được tiếp tục thực hiện ở 6 tỉnh,thành phố là Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Bình, Đà Nẵng, Tiền Giang và Cần Thơ.
Phi Yến