Gian nan và thử thách của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực chống “bão” tài chính-tiền tệ
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực triển khai hàng loạt giải pháp để đưa thị trường tài chính - tiền tệ vượt qua “cơn cuồng phong” này. Tuy nhiên, mâu thuẫn lợi ích và bất đồng chính sách giữa hai đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khiến nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ vấp phải nhiều khó khăn, thử thách.
“Phần chìm của tảng băng”
Căng thẳng ngoại giao Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ việc Ankara bắt giữ và xét xử linh mục Andrew Brunson. Các công tố viên Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc vị linh mục người Mỹ này đã giúp đỡ tổ chức của giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen mà Ankara nghi ngờ đứng sau vụ đảo chính năm 2016. Để trả đũa, Bộ Tài chính Mỹ đã liệt Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gul và Bộ trưởng Nội vụ Suleyman Soylu của Thổ Nhĩ Kỳ vào danh sách trừng phạt, với lý do hai quan chức này có vai trò quan trọng trong quyết định bắt giam ông Brunson.
Nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai bên lâm vào bế tắc do nhiều khác biệt không thể hàn gắn và những khoảng cách không thể thu hẹp. Căng thẳng còn lan sang cả “mặt trận” thương mại khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng gấp đôi mức thuế đánh vào thép và nhôm nhập khẩu từ Thổ Nhĩ Kỳ. Như vậy, sản phẩm thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải chịu mức thuế mới lần lượt là 20% và 50% khi xuất sang thị trường Mỹ.
Tổng thống Erdogan phát biểu trước người ủng hộ. Ảnh: NY Times.
Động thái của Mỹ đã gây tâm lý hoang mang cho giới đầu tư, khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD. Chỉ tính riêng trong phiên giao dịch ngày 10/8, đồng lira đã “bốc hơi” 18% - mức giảm lớn nhất kể từ năm 2001. Tại phiên giao dịch đầu tuần mới vào ngày 13/8, đồng tiền này còn giảm tiếp 11%, tạo lập “đáy” mới 7,24 lira đổi 1 USD. Từ đầu năm 2018 đến nay, đồng lira đã giảm 40% giá trị so với đồng USD.
Chuyên gia kinh tế Andrew Kenningham thuộc hãng Capital Economics cảnh báo nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng ngân hàng do đồng nội tệ “xuống dốc không phanh”. “Đây thực sự là một cú sốc đối với các thị trường mới nổi nói chung”, ông Kenningham nói. Tỷ lệ lạm phát phi mã ở mức hai con số (16% trong tháng 7/2018) cộng với “gánh” nợ ngắn hạn 180 tỷ USD khiến nhiều nhà phân tích không khỏi quan ngại về nguy cơ đe dọa nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Mối lo mang tên “lira” đã thôi thúc giới đầu tư bán tháo tài sản của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là trái phiếu, để chuyển sang đồng USD hay đồng yên Nhật có mức độ đảm bảo an toàn cao hơn. Đồng tiền chung châu Âu (euro) cũng đối mặt với sức ép giảm giá mạnh do những ràng buộc và đan xen lợi ích, đặc biệt là trên lĩnh vực ngân hàng. Các ngân hàng trên khắp châu Âu nắm giữ nợ bằng đồng lira sẽ phải tính phương án ứng phó với những tình huống đột biến. Rõ ràng, đà “rơi tự do” hiện nay của đồng lira sẽ gây nhiều hệ lụy phức tạp, khó lường không chỉ đối với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ mà cả thị trường khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Mỹ, hai đồng minh NATO, không chỉ đơn thuần bắt nguồn từ “phần nổi của tảng băng chìm”. Điều đáng nói là hai nước hiện vẫn bất đồng quan điểm về hoạt động quân sự ở Syria. Trong khi Mỹ hỗ trợ cho tổ chức “Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd” (YPG), thì Thổ Nhĩ Kỳ lại coi lực lượng này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Ankara cũng nhiều lần yêu cầu Washington dẫn độ giáo sỹ Gulen hiện đang cư trú ở tiểu bang Pennsylvania (Mỹ).
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đe dọa sẽ trả đũa Mỹ liên quan đến việc tăng thuế nhập khẩu đánh vào sản phẩm thép và nhôm, đồng thời sử dụng đồng lira thay thế đồng USD trong giao dịch thương mại với các đối tác như Trung Quốc, Nga… Ông còn tuyên bố “những hành động đơn phương chống lại Thổ Nhĩ Kỳ chỉ làm suy yếu lợi ích và an ninh của Mỹ. Ankara sẽ không nhượng bộ trước những đe dọa của Washington”.
Xét ở góc độ địa chiến lược, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga và Iran khiến Mỹ không thể không lo lắng khi tìm cách gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông. Ngày 8/8. Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục nhập khẩu dầu thô của Iran bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ, trong khi đó Tehran cũng lên tiếng chỉ trích việc Washington tăng thuế đối với sản phẩm thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ vẫn kêu gọi Nhà Trắng tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán nhằm tìm ra lối thoát cho bế tắc hiện nay. Bộ trưởng Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ Ruhsar Pekcan đề nghị ông Trump trở lại bàn đàm phán về thuế, cho rằng bất đồng thương mại giữa hai đồng minh NATO có thể và cần được giải quyết thông qua đối thoại.
Liệu pháp bình ổn tài chính...
Phát biểu trước những người ủng hộ ở tỉnh Rize chiều 9/8, ông Erdogan bác bỏ những lo ngại về đồng lira và kêu gọi người dân không phải lo ngại về vấn đề này. Theo ông, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắng trong cuộc chiến tranh kinh tế. Ông đề nghị người dân bán vàng và ngoại tệ để mua lira, giúp ngăn chặn đà giảm giá của đồng nội tệ. Ngày 13/8, Ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẵn sàng áp dụng "mọi biện pháp cần thiết" nhằm bình ổn tài chính sau sự sụt giá của đồng nội tệ lira, đồng thời cam kết đảm bảo thanh khoản cần thiết cho các ngân hàng.
Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đứng trước nguy cơ “rơi tự do”. Ảnh: Reuters.
NHTW sẽ giám sát chặt chẽ tình hình thị trường, áp dụng mọi biện pháp cần thiết để duy trì ổn định tài chính và cung cấp "mọi khả năng thanh toán bằng tiền mặt mà các ngân hàng cần". Ngân hàng cũng điều chỉnh tỷ lệ dự trữ tiền tệ bắt buộc đối với các ngân hàng nhằm ngăn chặn những rủi ro liên quan đến thanh khoản. Với biện pháp điều chỉnh mới nhất, ngân hàng này sẽ “bơm” gần 10 tỷ lira, 6 tỷ USD và lượng vàng trị giá 3 tỷ USD vào hệ thống tài chính. Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ Berat Albayrak thông báo Chính quyền đang triển khai kế hoạch hành động nhằm xoa dịu những quan ngại của thị trường tài chính hiện nay.
Trả lời phỏng vấn tờ Hurriyet, Bộ trưởng Albayrak cho biết một kế hoạch đã được chuẩn bị dành cho các ngân hàng và các lĩnh vực sản xuất hàng hóa và dịch vụ, trong đó có khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chịu tác động nhiều nhất trước biến động bất thường của thị trường ngoại hối. Theo ông, việc đồng lira “lao dốc” là dấu hiệu của một cuộc tấn công rõ ràng nhằm vào Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là “thách thức” đối với sự ổn định của nền kinh tế nước này.
… nhưng vẫn như “chỉ mành treo chuông”
Giới quan sát nhìn nhận các biện pháp của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ là tương đối kịp thời. Đà giảm giá của đồng lira phần nào cũng đã chững lại sau khi NHTW công bố gói giải pháp bình ổn tài chính. Hơn thế nữa, Chính phủ nước này dự kiến sẽ công bố một "mô hình kinh tế mới" nhằm đưa lạm phát về mức một con số và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế. Mục tiêu trước mắt của Thổ Nhĩ Kỳ chính là bình ổn tài chính tiền tệ, vượt qua “bão” bằng cách khôi phục giá trị của đồng nội tệ trên thị trường, đồng thời giải quyết những khoản nợ đáo hạn.
Tuy nhiên, giới đầu tư lo ngại nền kinh tế đang phát triển quá nóng và có xu hướng tuột dốc sau thời kỳ phát triển ngắn hạn, năng suất lao động không được cải thiện. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cân nhắc về khả năng của NHTW trong kiểm soát tỉ lệ lạm phát hiện ở mức 2 con số. Bản thân Tổng thống Erdogan cũng muốn các ngân hàng cho vay tín dụng với lãi suất thấp để tài trợ cho các dự án đầu tư. Điều quan trọng đối với Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là giảm nợ công và tăng lãi suất.
Bên cạnh đó, căng thẳng ngoại giao và thương mại với Mỹ sẽ còn tác động tiêu cực đến nỗ lực vượt “bão” tài chính tiền tệ của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ. Không loại trừ nguy cơ căng thẳng sẽ còn tiếp tục leo thang khi đàm phán bế tắc và hai nước trả đũa lẫn nhau. Đây sẽ là kịch bản tồi tệ, tác động tiêu cực đến thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ. Một số nhà quan sát cảnh báo rằng tương lai nền tài chính Thổ Nhĩ Kỳ vẫn như “chỉ mành treo chuông”, đối mặt với vô vàn thách thức và hiểm nguy.
Theo chuyên gia kinh tế Torsten Slok thuộc ngân hàng Deutsche Bank, tỷ lệ nợ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ cao hơn nhiều so với các nền kinh tế mới nổi khác. Tỷ lệ nợ ngoại tệ so với GDP của nước này lên đến khoảng 70%, so với mức 15% của Trung Quốc và chưa đến 25% của Nga. Điều này khiến gánh nặng nợ nần gia tăng và nền kinh tế dễ bị tổn thương khi đồng nội tệ giảm giá. |
Hạnh Nguyên