Giảm thiểu nguy cơ cận huyết cho dân tộc Chứt
Bản Rào Tre, xã Hương Liên có tổng diện tích đất tự nhiên gần 40 ha, trong đó có 2,5 ha diện tích đất trồng lúa, 0,5 ha đất màu, 37 ha đất sản xuất lâm nghiệp. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn bản có 37 hộ/136 nhân khẩu.
Trước đây, người Chứt sống lang thang trong rừng thẳm, ở các hốc đá, bụi cây, cách biệt hẳn với thế giới văn minh. Từ năm 2001, họ mới được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đưa về định canh, định cư tại bản Rào Tre. So với 15 năm về trước thì cuộc sống của đồng bào Chứt đã có nhiều thay đổi, song nhìn chung, trình độ văn hóa của người Chứt còn hạn chế, một số phong tục, tập quán lạc hậu và cuộc sống tự nhiên vẫn còn ăn sâu trong tư tưởng.
Cô con gái Hồ Huyền Trang (ngoài cùng bên trái) của chị Hồ Thị Sâm và anh Hồ Văn Hà khi sinh ra đã không có bàn chân. (Ảnh: Báo Biên Phòng)
Đơn cử như việc dựng vợ, gả chồng, người dân bản Rào Tre từ bao đời nay luôn cho rằng đó là một phong tục đơn giản, mang tính đặc trưng riêng của đồng bào mình. Khi người con trai biết trong gia đình nọ có người con gái đã đến tuổi lấy chồng, người con trai vào trong rừng chặt một bó củi thật to, về đặt trước nhà cô gái. Nếu trong thời gian tới, không thấy bó củi đó nữa thì có nghĩa là nhà gái đã đồng ý cho người con trai ở rể. Từ đó, họ thành vợ, thành chồng, bất kể việc đôi trai gái đó cùng chung một dòng máu.
Kết hôn cận huyết thống đang khiến đồng bào dân tộc Chứt ở Hà Tĩnh đối mặt với nguy cơ suy thoái nòi giống. Đa phần những đứa trẻ được sinh ra từ các cặp đôi cận huyết mang trong mình nhiều loại bệnh khiến chúng còi cọc, chậm lớn. Ông Trần Văn Lộc, Trạm trưởng Y tế xã Hương Liên, huyện Hương Khê cho biết, hiện trong bản có 4 cặp vợ chồng là con dì lấy con cậu, con chú lấy con bác.
Trong các gia đình này, có cháu bị teo và dị tật chân, có cháu bị thiểu năng trí tuệ, sức khỏe kém. Như trường hợp chị Hồ Thị Sâm và anh Hồ Văn Hà là con dì, con cậu lấy nhau. Cô con gái thứ hai Hồ Huyền Trang khi sinh ra đã không có bàn chân. Anh Hồ Viết Bốn và chị Hồ Thị Bình cũng là anh em họ nhưng vẫn về sống chung một nhà. Người con gái đầu của cặp vợ chồng này chỉ sống được một thời gian ngắn rồi qua đời, hai người con tiếp theo tuy còn sống nhưng sức khỏe rất yếu.
Chủ tịch UBND xã Hương Liên, ông Nguyễn Tiến Lành thừa nhận rất khó giải quyết việc hôn nhân cận huyết trong đồng bào Chứt. “Cán bộ xã đã nhiều lần tới khuyên nhủ, trao đổi rằng đó là vấn đề không nên, lấy nhau sẽ sinh ra bệnh tật. Nhưng họ chỉ im lặng, cứ gật đầu tỏ vẻ đồng ý, rồi hệ quả đáng buồn vẫn xảy ra”, vị Chủ tịch cho hay.
Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà cho người dân bản Rào Tre. (Ảnh: Ủy ban Dân tộc)
Tháng 9/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã phê duyệt Đề án phát triển đồng bào dân tộc Chứt ở bản Rào Tre đến năm 2020. Theo đó, để khuyến khích hỗ trợ người Kinh và các dân tộc khác kết hôn với người dân tộc Chứt, mỗi cặp vợ chồng ngoại dân tộc cưới nhau sẽ được UBND tỉnh cấp đất phục vụ sinh hoạt, canh tác và hỗ trợ tiền mặt 30 triệu đồng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh hỗ trợ 20 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng lập đề án trình Chính phủ mở đường nối bản Rào Tre sang các bản người Chứt ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình để thanh niên có điều kiện kết giao. Những chính sách này được kỳ vọng là cú hích để đưa người Chứt ở Rào Tre thoát khỏi cái bóng của mình, hòa nhập với xã hội văn minh.
Bà Nguyễn Thị Tư, Vụ trưởng Vụ Dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc ghi nhận những khó khăn của đồng bào các dân tộc nơi đây và sẽ báo cáo với lãnh đạo UBDT để có những giải pháp nhằm từng bước nâng cao đời sống, giải quyết vấn đề đói nghèo của đồng bào dân tộc Chứt của bản Rào Tre.
Nam Yên
Tổng hợp