“Giải cứu” nghề đánh bắt cá ngừ đại dương
Danh tính của 9 ngư dân bị chìm tàu cá ở Nghệ An Hành trình "săn" ảnh mùa cá cơm ở Phú Yên Trai Hà thành bỏ nghề giáo viên, bén duyên với cá... tên lửa |
Bài 1: Tường trình giữa Biển Đông
Không cần giải thích, chỉ cần nghe cái tên “tàu câu cá ngừ đại dương” là biết nghề này chuyên khai thác ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1... của Việt Nam. Trên mỗi con tàu ra khơi, họ mang theo bao hy vọng và niềm tin. Vì mưu sinh, ngư dân phải “treo đầu ngọn sóng”. Phải chung sống với họ ở giữa biển trời bao la, mới thấu hiểu những gian nan, cơ cực của “binh đoàn” bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc.
“Đánh bạc giữa biển”
Tàu ra khỏi cửa biển, ông Năm soạn đồ cúng ra phía mũi tàu làm lễ khấn vái theo phong tục của ngư dân đi biển. Tàu chạy suốt 2 ngày 2 đêm mới đến chỗ khai thác. Thuyền trưởng Năm chỉ vào máy định vị xác định tàu đang cách đảo Đá Lát (quần đảo Trường Sa) khoảng 30 hải lý. Tắt máy chính, nổ máy phát điện để câu mực, những con mực đại dương có màu nâu sẫm to bằng nửa cổ tay, được thả vào thùng nước biển nuôi sống làm mồi câu cá ngừ suốt đêm.
Mỗi lao động phụ trách một cây tre dài làm cần câu, ở trước mũi 2 cần và sau lái 2 cần. Trên boong tàu “bày binh bố trận” đủ kiểu dụng cụ, thiết bị đánh bắt và bảo quản cá ngừ. Chờ mãi vẫn không có cá cắn câu, các lao động vẫn cần mẫn kéo dây kiểm tra mồi và thay mồi mực sống vào lưỡi câu. Khoảng 2 giờ sáng, có một tiếng la lên: “Dính đòn rồi, mang máy gây tê ra bụp nó”. Anh Quang kéo sợi dây câu về phía giữa tàu để thuận tiện tác nghiệp. Thuyền trưởng Năm đến kéo sợi dây kiểm tra và nói: “Con này cũng trọng đó”.
Thuyền trưởng Năm yêu cầu nối dây thêm dài ra. Tôi thắc mắc sao không kéo đầu nó vào tàu nhanh lên, nếu không nó chạy thoát mất. Ông Năm vừa theo dõi con cá, vừa giải thích: “Khi cá lớn mắc câu, nó chạy phá dữ lắm. Mình phải móc nối dây cho con cá chạy ra ngoài xa, sau đó tập trung kéo từ từ vào tàu. Nó “làm căng” cố tăng tốc chạy thoát, mình phải lập tức “giảm nhu” thả dây lỏng ra. Đến lượt nó “giảm nhu”, mình kéo dây căng kéo nó vào. Cứ giằng co như vậy, đưa nó sát gần mạn tàu, mới thả máy gây tê xuống, bấm bụp, bụp mấy phát, nó đơ ra, mình mới đưa móc lên tàu. Gặp những con quá to, phải buộc dây ở đuôi, dùng tời kéo lên”. Chưa đầy 20 phút, con cá ngừ khoảng 70kg đã được đưa lên boong tàu, nhanh chóng mổ bụng, trục toàn bộ bộ lòng ra ngoài, bơm nước biển rửa sạch máu, đưa xuống hầm lạnh bảo quản.
Tôi nói chuyện với ông Năm, từ nay đến sáng, trời thương cho tàu mình trúng thêm 6 con nữa là thắng lợi. Vị thuyền trưởng cười, nói như giải thích: “Nghề câu cá ngừ bây giờ giống như đi “đánh bạc giữa biển”. Bỏ ra 100 triệu đồng để tàu ra khơi là “nặng” lắm. Anh em làm sao kiếm đủ tổn là mừng bước đầu, sau đó mới tính đến lời lãi. Từ hôm Tết đến giờ, tháng nào tui cũng đi biển, cập cảng bán cá, chuyến đủ - lỗ - đủ - lỗ... Gộp lại bị lỗ ròng. Đợt trăng trước nghỉ biển, đẩy tàu lên bờ làm nước (sửa chữa), phải đi vay mượn 50 triệu đồng trả tiền vật tư và công thợ. Năm nay cũng mất luôn một quý tiền hỗ trợ dầu của Chính phủ”.
Đêm đầu tiên, tàu ông Năm chỉ câu được 1 con duy nhất. Ban ngày, tàu cố định bằng neo dù, tất cả các lao động hoàn tất công việc dọn vệ sinh tàu, ăn cơm đi ngủ. Trời nắng như đổ lửa, cái ca bin tàu nhỏ khoảng 10m2, thấp phải bò khom, vừa để lương thực, thực phẩm, làm bếp nấu, chỗ ăn uống và chỗ ngủ. 6 con người cũng ráng chui vào đó ngủ.
Thuyền trưởng Năm thi thoảng phải thức dậy nhìn quanh từ xa xem có chiếc tàu hàng nào đi qua đâm mũi về phía tàu của mình để biết chạy tránh. 9 giờ sáng, gió bắt đầu thổi lớn, sóng biển đưa chiếc tàu giống sảy gạo và đưa võng. 4 giờ chiều, bắt đầu ăn cơm và chuẩn bị đồ câu, tiếp tục chiến đấu. Đêm thứ 2, trời thương, câu được 3 con cá ngừ. Đêm thứ 3, không có con nào... 20 ngày đêm, 6 con người chỉ quanh quẩn trên chiếc tàu gỗ có chiều dài 18m.
Biển “bạc” lòng người
Ngồi chờ cá cắn câu, tôi hỏi chuyện ông Năm: Nếu so sánh trước đây, câu giàn (vàng) phải cho tàu chạy thả câu hàng chục hải lý, với cách dùng đèn dẫn dụ cá về quanh tàu thì như thế nào? “Trước đây, tính từ khi cá mắc câu đến lúc đưa được cá lên boong tàu, bị cá phá đứt dây và trật ra ngoài lên đến 60%. Nghĩa là 10 con cắn câu, chỉ bắt được 4 con. Từ khi áp dụng máy gây tê vào khai thác cá ngừ, đã bắt cá chính xác lên đến 95%. Chỉ một vài con nó quậy phá quá mạnh, bị quấn dây, đầu lao xuống phía dưới, đuôi chỏng lên mặt nước, nên máy gây tê không có tác dụng. Dòng điện chỉ nện vào đúng đầu của nó mới có tác dụng gây tê, làm cho con cá giảm tốc độ quậy phá” - ông Năm lý giải.
- Tôi đi dự hội nghị, nghe mấy nhà khoa học nói, tàu ra càng xa thì câu càng được nhiều cá. Cá ngừ nó di cư quốc tế, sao mấy hôm nay, tàu của mình gặp khó khăn quá? - tôi hỏi.
- Biển Đông rộng bao la, cho tàu đi theo mấy ông khoa học chỉ đường, tiền dầu đâu mà chịu cho nổi. Sau hàng chục năm đánh bắt, ngư dân đã tìm được quy luật và đường đi của con cá ngừ. Đầu vụ (tháng 11, 12 âm lịch) chạy tàu lên phía Đà Nẵng “chặn đường” đi xuống phía Nam, sau đó tụt dần dần xuống vùng biển Trường Sa và phía ngoài nhà giàn DK1.
- Làm theo kiểu “chặn đường” cá đi lẽ ra câu được nhiều cá, sao dân mình cứ hay kêu đói?
- Anh đi theo tàu, đói – no như thế nào anh đã nhìn thấy hết. Hôm nay đã là ngày thứ 12 rồi, mà tàu tôi vẫn chưa đủ tổn. Bao nhiêu miệng ăn ở đất liền cứ ngóng theo mũi con tàu.
- Có phải biển đã hết cá?
- Tui theo dõi thực tế, mấy năm trước, biển có nhiều loại mực, cá. Con cá ngừ nó chạy theo nước ăn mồi, chỗ nào có nhiều mực, cá nhỏ, nó di chuyển tới. Bây giờ, biển đang bị cạn kiệt, cá ngừ phải di cư đi tìm vùng biển khác sinh sống.
- Sao anh biết điều này?
- Tui sinh ra và lớn lên trên biển, biển no – biển đói như thế nào tui điều hiểu cả vì nó gắn liền với nồi cơm của gia đình tui. Anh nhìn kỹ mà coi, từ bờ biển trở ra vùng lộng có muôn kiểu nghề khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản: Sát trong bờ, giã nhũi, giã cào một; ngoài một chút, giã cào đôi, cào bay, lưới vây, nghề rút bằng lưới muồng... Con cá mới nhú lên đã lũm sạch.
Tàu ông Năm ở lại giữa Biển Đông 21 ngày, câu được 23 con cá ngừ, với trọng lượng gần 600kg, giá bán xô 112.000 đồng/kg, doanh thu trên 60 triệu đồng. Tính mọi khoản, tàu ông Năm bị lỗ 40 triệu đồng, đó là chưa tính tiền công của 6 lao động. Đúng là biển “bạc” lòng người.
Bài 2: “Chia tay” vì thiếu niềm tin
Đội tàu ngầm Kilo của Việt Nam: "Hố đen trong lòng đại dương" với khả năng tàng hình hoàn hảo Biên đội 6 tàu ngầm Kilo của Việt Nam được mệnh danh là "những hố đen trong lòng đại dương" nhờ khả năng tàng hình ... |
Chìm tàu cá ở Hòn Cau, 5 ngư dân mất tích Đang đánh bắt hải sản trên vùng biển Hòn Cau, tàu cá gồm 10 thuyền viên ở Ninh Thuận bị sóng lớn đánh chìm. Chỉ ... |
Đáng ngại: Săn bắt vô tội vạ, "sâm đại dương" ngày càng khan hiếm Bởi giá trị hải sâm mang lại kinh tế cao, dẫn đến sự khai thác quá mức. Đặc biệt thời gian gần đây, ghe tàu ... |
Săn lộc biển với ngư cụ tự chế, ngư dân bỏ túi tiền triệu mỗi ngày Chỉ với những dụng cụ đơn giản tự chế, bà con ngư dân ở Nghệ An có thể đánh bắt hàng tấn ruốc biển, thu ... |
Ngư dân Lý Sơn trúng đậm mẻ cá hơn nửa tỷ đồng ở Hoàng Sa Sau 15 ngày ra khơi, thuyền trưởng Nguyễn Lộc cùng nhóm ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) trở về với mẻ lưới cá bè và ... |