Giá trị nhân đạo công ước Geneva trong thế giới nhiều xung đột
Chủ tịch VUFO Nguyễn Phương Nga làm việc với Vĩnh Long, Cần Thơ về chính sách cho nhân sự tham gia công tác đối ngoại nhân dân Ngày 14/8, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) Nguyễn Phương Nga dẫn đầu Đoàn công ... |
Công ước về chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp của ILO (Công ước số 111, 1958) Tạp chí Thời Đại xin giới thiệu nội dung Công ước về chống phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp của ILO ... |
Hiện nay, trước sự biến đổi của các chiến lược tác chiến trong xung đột vũ trang và sự hiện đại hóa của công nghệ vũ khí, các Công ước Geneva và Nghị định thư bổ sung vẫn là các văn bản pháp lý quan trọng trong việc xây dựng và phát triển khung pháp lý và điều chỉnh các vấn đề đương thời trong xung đột vũ trang. Do đó, dù là văn kiện lâu đời, các Công ước Geneva và các Nghị định thư bổ sung vẫn có sức sống mãnh liệt, góp phần quan trọng vào giảm thiểu các tổn thất của xung đột vũ trang, góp phần gìn giữ hòa bình và ổn định thế giới.
Bảo vệ giá trị nhân đạo trong xung đột vũ trang
Năm 1977, cộng đồng quốc tế đã thông qua 02 điều ước quốc tế bổ sung cho các Công ước Geneva về bảo hộ nạn nhân chiến tranh là: Nghị định thư I về bảo hộ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang mang tính chất quốc tế và Nghị định thư II về bảo hộ nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang không mang tính chất quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 174 quốc gia phê chuẩn Nghị định thư bổ sung I và 77 quốc gia phê chuẩn Nghị định thư bổ sung II. Việt Nam đã phê chuẩn 04 Công ước Geneva năm 1949 vào ngày 28/7/1957 và Nghị định thư bổ sung I vào ngày 19/10/1981. Phù hợp với các nghĩa vụ theo các điều ước này, Việt Nam đã tiến hành việc trao đổi thông tin, viện trợ thuốc men, vệ sinh nước sạch cho người bị thương, trao trả tù binh trong thời kì chiến tranh và luôn đề cao ý nghĩa nhân đạo của các Công ước.
Cho đến nay, xung đột vũ trang ngày càng xảy ra nhiều hơn ở các khu đô thị tập trung đông dân thường. Việc sử dụng vũ khí nổ có sức công phá trên diện rộng ở các khu vực đông dân cư tiếp tục là nguyên nhân chính gây thương tích và tử vong cho dân thường và gây thiệt hại cho các mục tiêu dân sự. Điều này đã xảy ra trong các cuộc xung đột vũ trang gần đây và đang tiếp diễn tại Afghanistan, Gaza, Iraq, Libya, Somalia, Syria, Ukraine, Yemen. Ở Syria, vào khoảng thời gian giữa năm 2011 và 2018, Tổ chức Hành động đối với vũ lực có vũ trang (AOAV) đã ghi nhận con số thương vong tại các khu vực đông dân cư lên tới trên 79 nghìn người, 85% trong số đó là dân thường và số liệu thực tế có thể cao hơn rất nhiều.
Người dân chờ nhận hàng cứu trợ tại trại tị nạn al-Hol ở Đông Bắc Syria ngày 22/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hơn nữa, chiến lược bao vây được tái sử dụng gần đây tại các khu vực đông dân cư đã gây ra các tổn thất không nhỏ cho dân thường. Mặc dù không bị cấm bởi Luật Nhân đạo quốc tế hay gây ra các thiệt hại cho người và tài sản trực tiếp như việc sử dụng vũ khí nổ, chiến lược bao vây sử dụng tại các khu vực tập trung đông dân thường gây ra các khó khăn vô cùng lớn cho người dân như không được cung cấp các dịch vụ thiết yếu để duy trì cuộc sống; trẻ nhỏ bị suy dinh dưỡng trầm trọng. Một trong những lí do khiến các cuộc tấn công xảy ra nhiều hơn vì các khu vực đông dân này bị các bên tham chiến lạm dụng nhằm tạo nơi trú ẩn an toàn cho mình.
Có thể nói, xu hướng đô thị hóa của xung đột vũ trang càng nâng tầm quan trọng của việc thực thi ba nguyên tắc cơ bản của Luật Nhân đạo quốc tế. Một cuộc tấn công chỉ được coi là tuân thủ Luật Nhân đạo quốc tế nếu chúng tuân thủ cả ba nguyên tắc sau: (1) Nguyên tắc về sự phân biệt giữa dân thường và chiến binh, giữa những vật thể dân sự và những mục tiêu quân sự; (2) Nguyên tắc tương xứng khi tấn công; (3) Nguyên tắc cảnh báo trước khi tấn công.
Đối với nguyên tắc đầu tiên, trong trường hợp một bên tham chiến lợi dụng quyền được bảo vệ của dân thường và vật thể dân sự để lẩn trốn và tạo thành nơi trú ẩn cho mình, bên tham chiến còn lại được phép tấn công vào khu vực đó. Tuy nhiên, việc sử dụng vũ khí nổ hay chiến lược bao vây chỉ được coi là hợp pháp khi bên tham chiến phải bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ cảnh báo người dân một cách hiệu quả để họ kịp thời di chuyển sang các khu vực an toàn khác. Đối với trường hợp sử dụng chiến lược bao vây, Luật Nhân đạo quốc tế cho phép các bên tham chiến được phép hỗ trợ dân thường sơ tán sang khu vực khác trong cả xung đột vũ trang quốc tế và phi quốc tế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến nhóm người được bảo vệ. Cuối cùng, các bên tham chiến phải có nghĩa vụ tuân thủ nguyên tắc tương xứng bằng cách tính toán kĩ mức độ tàn phá và ảnh hưởng của việc sử dựng vũ khí nổ và chiến lược bao vây không được vượt quá lợi ích quân sự mà các bên tham chiến muốn đạt được. Ví dụ, Điều 54 của Nghị định thư bổ sung I và Điều 14 Nghị định thư bổ sung II cấm sử dụng biện pháp bỏ đói như một phương thức trong chiến tranh. Do đó, khi sử trong trường hợp sử dụng chiến lược bao vây, các bên tham chiến vẫn phải bảo đảm các tiện ích sống cơ bản cho người dân thường trong khu vực bị bao vây, không được phép khiến họ bị bỏ đói.
Chủ tịch Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế Peter Maurer khẳng định: "Các Công ước Geneva năm 1949 thuộc số ít các điều ước quốc tế ghi nhận sự tham gia của đông đảo các quốc gia. Cụ thể, đến nay, các Công ước Geneva năm 1949 đã được tất cả các quốc gia trên thế giới phê chuẩn". Đây là một trong những công cụ pháp luật được chấp thuận một cách rộng rãi nhất trên toàn thế giới và phản ánh thành tựu của chủ nghĩa đa phương. |
Kiểm soát việc sản xuất và sử dụng vũ khí mới
Khi công nghệ phát triển nhanh chóng, những thành tựu về trí tuệ nhân tạo hứa hẹn sẽ cách mạng hóa năng lực của con người trong các lĩnh vực bao gồm chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và sản xuất vũ khí sát thương tự động (Lethal autonomous weapons - LAWs) đang gây tranh cãi sâu sắc. Vũ khí sát thương tự động là một hệ thống vũ khí sau khi được con người kích hoạt, có thể chọn và tấn công các mục tiêu mà không cần sự can thiệp và kiểm soát thêm của người điều khiển. Hay nói cách khác, vũ khí sát thương tự động là hệ thống vũ khí có khả năng tự quyết định việc tước đoạt mạng sống của con người. Có quan điểm cho rằng, việc phát triển vũ khí sát thương tự động có nguy cơ trở thành cuộc cách mạng thứ ba trong chiến tranh. Vấn đề pháp lý đặt ra theo Ủy ban Chữ Thập đỏ Quốc tế, là liệu vũ khí sát thương tự động có khả năng đưa ra các phán đoán chính xác trong từng trường hợp cụ thể để tuân thủ với các quy tắc của Luật Nhân đạo quốc tế khi được sử dụng trong bối cảnh xung đột vũ trang hay không? Bên cạnh đó, tính tự động hoàn toàn của vũ khí sát thương tự động trong việc tước đoạt mạng sống của con người làm dấy lên câu hỏi liên quan đến trách nhiệm đạo đức và phẩm giá con người, dẫn tới những phong trào ngăn chặn sự phát triển của vũ khí sát thương tự động và các thảo luận về việc phát triển vũ khí tự động nhằm phân tích và đánh giá tính hợp pháp của việc nghiên cứu, sản xuất và sử dụng loại vũ khí tân tiến này. Quy định của Công ước Geneva và Nghị định thư bổ sung I đã góp phần lớn trong việc xây dựng khung pháp lý kiểm soát việc sản xuất và sử dụng vũ khí sát thương tự động. Theo Điều 36 Nghị định thư bổ sung I, các quốc gia ký kết có nghĩa vụ sau đối với việc phát triển các vũ khí mới: “Trong quá trình nghiên cứu, phát triển, mua bán hoặc sử dụng một vũ khí, phương tiện hoặc phương pháp chiến tranh mới, quốc gia ký kết có nghĩa vụ xác định xem việc làm của mình, trong một số hoặc tất cả các trường hợp, có bị cấm theo Nghị định thư này hoặc bởi bất kỳ nguyên tắc luật pháp quốc tế nào áp dụng cho quốc gia ký kết đó hay không.”
Mặc dù Nghị định thư bổ sung I không đưa ra giải thích cụ thể về quy trình thực hiện của nghĩa vụ rà soát và thử nghiệm vũ khí, các quốc gia thường thực hiện nghĩa vụ này thông qua bước xác định liệu việc sử dụng vũ khí đó có bị cấm hoặc hạn chế bởi một điều ước quốc tế mà quốc gia gia đó là thành viên hay tập quán pháp quốc tế hay không; xem xét tính tuân thủ của vũ khí đó với các quy định chung của Nghị định thư bổ sung I và tập quán pháp quốc tế; nếu không có bất cứ điều ước hay tập quán pháp quốc tế nào điều chỉnh việc phát triển và sử dụng vũ khí đó, quốc gia phải cân nhắc tính hợp lí của vũ khí đó theo “Điều khoản Martens”, yêu cầu các bên tham chiến trong xung đột vũ trang phải sử dụng vũ khí tuân thủ nguyên tắc con người và chuẩn mực đạo đức xã hội.
Thực tiễn áp dụng Điều 36 cho thấy tầm quan trọng của quy định này trong việc xác định tính hợp pháp của vũ khí nói chung và vũ khí sát thương tự động nói riêng. Trong báo cáo cuộc họp của Nhóm các Chuyên gia chính phủ (Group of Governmental Experts) về vũ khí sát thương tự động, Điều 36 Nghị định thư bổ sung I được sử dụng làm cơ sở pháp lý cho việc xác định tính hợp pháp của việc phát triển và sử dụng loại vũ khí này. Bên cạnh đó, quy trình rà soát và đánh giá vũ khí của Mỹ - một quốc gia không phải thành viên của Nghị định thư bổ sung I - tuân thủ theo cách thức với các yêu cầu của Điều 36 cũng thể hiện tính phổ quát của quy định này và khả năng áp dụng của nó đối với các vấn đề pháp lý hiện tại liên quan đến phát triển vũ khí mới.
Các Công ước Geneva và Nghị định thư bổ sung luôn là nền tảng pháp lý cho việc bảo vệ tính nhân đạo trong các cuộc xung đột vũ trang. Các điều ước quốc tế, phản ánh mong muốn, sự nhất trí của các quốc gia nhằm giảm bớt khổ đau và bất hạnh của con người trong những hoàn cảnh dễ bị tổn thương nhất, từ đó cứu sống nhiều sinh mạng, đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình hòa giải sau chiến tranh và tái thiết lập hòa bình. Tuy nhiên, việc phát triển các phương thức chiến tranh và hiện đại hóa của công nghệ vũ khí sẽ ngày càng đưa ra nhiều thách thức cho việc áp dụng khuôn khổ pháp lý được xây dựng trong các Công ước Geneva và Nghị định thư bổ sung. Do đó, các nước cần tăng cường nỗ lực để bảo đảm tôn trọng Luật Nhân đạo quốc tế và duy trì tính tính nhân đạo của các Công ước Geneva thông qua việc nghiên cứu và giải thích các điều khoản trong các Công ước bảo đảm được áp dụng trong một thế giới mà các cuộc xung đột vũ trang vẫn tiếp tục diễn ra và gây nên những hậu quả vô cùng tàn khốc.
Các Công ước Geneva năm 1949 gồm 4 công ước gắn với quyền của thường dân, tù binh chiến tranh và quân nhân bị thương và bệnh tật. Cụ thể, đó là Công ước về cải thiện tình trạng của thương binh, bệnh binh thuộc lực lượng vũ trang chiến đấu trên bộ; Công ước về việc cải thiện tình trạng của những thương binh, bệnh binh và những người bị đắm tàu thuộc lực lượng hải quân; Công ước về việc bảo hộ thường dân trong chiến tranh; và Công ước về bảo vệ tù binh trong chiến tranh. Các Công ước Geneva năm 1949 được kí kết ngày 12/8/1949 tại Geneva (Thụy Sĩ), có hiệu lực từ ngày 21/10/1950, tạo thành nền tảng của Luật Nhân đạo Quốc tế, bộ quy tắc thiết lập các tiêu chuẩn nhân đạo tối thiểu của con người cần phải được tôn trọng trong mọi tình huống xung đột vũ trang. Các quy tắc này phản ánh sự cân bằng phải có giữa các nguyên tắc về mặt quân sự và nhân đạo, cấm các bên tham gia xung đột gây ra đau thương, thương tích hoặc hủy diệt không thực sự cần thiết để đạt được mục đích quân sự. |
Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử về chủng tộc, 1965 Công ước được thông qua và để ngỏ cho các quốc gia ký, phê chuẩn theo Nghị quyết số 2106 A (XX) ngày 21/12/1965 của ... |
Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người Công ước chống Tra tấn và Trừng phạt hoặc Đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo làm mất phẩm giá khác (tiếng Anh: United Nations Convention against ... |