Ghé thăm trấn Đông thành Thăng Long - Đền Bạch Mã
Đền Bạch Mã là một trong “Tứ trấn" của kinh thành Thăng Long xưa (Ảnh: Kinh tế Đô thị). |
Di tích lịch sử quốc gia Đền Bạc Mã có địa chỉ tại số nhà 76 phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đền Bạch Mã được xây dựng từ thế kỷ 9 để thờ thần Long Đỗ (Rốn Rồng) - vị thần gốc của Hà Nội cổ.
Sử sách ghi lại rằng, sau khi dời đô ra Thăng Long, để tiện việc phòng bị giặc giã, Lý Công Uẩn, vị vua khai sáng triều Lý bắt tay ngay vào việc đắp luỹ xây thành. Tuy nhiên, điều kỳ lạ là thành xây đến đâu, dù gia cố thế nào cũng vẫn bị sụp đổ.
Thấy việc dựng thành gặp khó khăn, vua Lý Thái Tổ bèn tới đền thờ thần Long Đỗ - được dân gian coi là thần cai quản chốn Đại La - cầu đảo, xin được phù trợ. Đêm đó, nhà vua nằm mộng thấy thần Long Đỗ nói rằng, cứ theo dấu chân ngựa mà đắp thì thành tất sẽ vững vàng. Thần vừa dứt lời, một con ngựa trắng từ trong đền đi ra, thủng thẳng bước từ hướng Tây, rẽ qua hướng Đông một vòng rồi lại biến mất vào trong đền.
Hôm sau, Lý Thái Tổ cho đắp thành theo dấu chân bạch mã trong giấc mộng. Quả nhiên, thành Thăng Long không bị lún sụt nữa. Nhà vua cảm kích trước sự phò trợ của thần Long Đỗ, bèn ban sắc phong thần làm Quốc đô Định bang Thành hoàng Đại vương. Lại cho tạc một bức tượng ngựa trắng để thờ trong đền. Đền thờ thần Long Đỗ cũng có tên là Bạch Mã từ bấy giờ.
Trong “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên còn ghi lại nguồn gốc và thời điểm xây dựng đền thờ thần Long Đỗ. Câu chuyện này gắn liền với Cao Biền – viên quan Bắc triều được phái tới đô hộ nước ta ở giai đoạn cuối thời kỳ Bắc thuộc. Do triều Đường phương Bắc bấy giờ đã vào thời kỳ mục ruỗng, suy yếu trầm trọng, nên để duy trì sự cai trị đối với nhân dân ta, quân thần Đường Hàm Thông gắng sức xây lên hình ảnh một Cao Biền đầy tài phép.
Tuy vậy, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, “tài phép” của Cao Biền không những không thể “trấn yểm” nổi, mà còn phải run sợ trước thần khí nước Nam.
“Việt điện u linh tập” chép rằng, năm 866, Cao Biền - khi ấy đã đắp xong thành Đại La - bèn ra cửa Đông dạo chơi. Bỗng đâu gió nổi, mây mù, một người cao lớn mặc áo gấm cưỡi rồng ẩn hiện. Cao Biền thất kinh bèn nảy sinh ý lập bùa trấn yểm.
Đêm đó, Cao Biền nằm mộng thấy vị thần cao lớn ấy hiện ra khoan thai nói: “Ta là tinh anh ở Long Đỗ. Nghe tin ông đắp thành nên đến chơi. Việc gì phải trấn yểm?”. Tỉnh dậy, Cao Biền bèn lấy vàng, đồng và bùa chôn xuống đất để trấn yểm. Việc vừa làm xong, một trận cuồng phong nổi lên, vàng, đồng và bùa của Cao Biền bị đánh tan thành tro bụi. Cao Biền hoảng hồn, than thở: “Ta phải về phương Bắc mất thôi!” rồi lập tức cho người lập đền thờ thần Long Đỗ. Quả nhiên, sau đó ít lâu, Cao Biền bị triệu về cố quốc và phải chết tức tưởi.
Như vậy, đền Bạch Mã - hay đền thờ thần Long Đỗ - đã được xây dựng từ năm 866, trước khi Thăng Long trở thành kinh đô của một nước độc lập.
Ngựa trắng được thờ bên trong đền Bạch Mã (Ảnh: Kinh tế Đô thị). |
Kiến trúc đền Bạch Mã mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Về tổng thể, đền Bạch Mã bao gồm các công trình: tam quan, phương đình, đại bái, thiêu hương, cung cấm và nhà hội đồng.
Tam quan được chia thành năm gian, gian giữa mở lối vào phương đình bằng cửa gỗ lớn. Phương đình được xây theo lối hai tầng tám mái đao cong sử dụng hệ thống “củng ba phương” đỡ góc mái. Nối giữa phương đình và đại bái là mái vòm hình mai cua.
Đại bái cũng được chia thành năm gian, nền lát đá xanh. Ở công trình này, ngoài bốn bộ vì dựng theo lối “chồng rường giá chiêng hạ bảy” còn có hai bộ vì hai bên đầu hồi được dựng theo lối “kẻ chuyền”. Riêng hai bộ vì gian giữa dẫn vào chính điện được chạm các hình tứ linh trên nền hoa văn xoắn, trên các đầu dư được chạm hình đầu rồng. Đại bái nối với thiêu hương cũng bằng mái “vỏ cua”.
Thiêu hương và cung cấm có kiến trúc gần giống nhau, mái vuốt góc đao cong hai tầng. Trong cung cấm là nơi đặt tượng thần Bạch Mã.
Hiện nay, đền Bạch Mã còn lưu giữ 15 văn bia cổ cùng nhiều hiện vật có giá trị khác.