Gần 292 nghìn tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước được gửi tại bốn ngân hàng
Bốn ngân hàng quốc doanh vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II. Trong đó, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại các nhà băng này tăng mạnh trong sáu tháng đầu năm nay.
BIDV đang là ngân hàng nhận lượng tiền gửi từ KBNN lớn nhất với 120.265 tỷ đồng vào cuối tháng 6, tăng mạnh 6,2 lần so với thời điểm cuối năm 2023. Trong đó, tiền gửi có kỳ hạn chiếm tỷ trọng lên tới hơn 98%.
Tại Vietcombank, quy mô tiền gửi của KBNN khiêm tốn hơn khi đạt 62.534 tỷ đồng đến cuối tháng 6. Dù vậy, con số này gấp tới hơn 81 lần hồi cuối năm trước, chủ yếu là tiền gửi có kỳ hạn.
Agribank có số dư đạt hơn gần 1.100 tỷ đồng, tăng nhẹ 23% so với cuối năm 2023.
Quy mô tiền gửi của KBNN tại thành viên còn lại trong nhóm Big 4 tăng mạnh tới 5,1 lần sau 6 tháng, đạt 107.717 tỷ đồng, toàn bộ là tiền gửi thanh toán.
Tính chung, KBNN đang gửi tổng số tiền 291.615 tỷ đồng tại 4 ngân hàng có vốn nhà nước, tăng tới 6,9 lần so với cuối năm trước.
Ngân quỹ nhà nước là toàn bộ tiền mặt tại các đơn vị Kho bạc; các khoản tiền của Nhà nước có trên các tài khoản của Kho bạc mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Hiện, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo các thứ tự ưu tiên, là cho ngân sách Nhà nước vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng khi nguồn thu chưa về kịp.
Trước đây, lượng lớn tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng nằm dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn với số dư thường xuyên duy trì ở mức cả trăm nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2019, tiền gửi không kỳ hạn của KBNN được kết chuyển về Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Các ngân hàng sẽ phải đấu thầu công khai để được nhận tiền gửi có kỳ hạn của KBNN.
Với việc chiếm tỷ trọng trên dưới 50% thị phần huy động và cho vay trong hệ thống, nguồn tiền lớn từ KBNN giúp nhóm ngân hàng này không chịu quá nhiều áp lực huy động từ khách hàng khi lãi suất của nhóm luôn thấp nhất thị trường.
Ngoài ra, theo Thông tư 26 có hiệu lực từ cuối năm 2022, một phần tiền gửi có kỳ hạn của KBNN có thể được tính vào cấu phần huy động khi tính tỷ lệ LDR.
Điều này có tác động tích cực lên thanh khoản ngân hàng, khi cho phép một phần tiền gửi có kỳ hạn của KBNN tại các ngân hàng được tính vào phần dư địa cho vay thêm. Theo đó phần nào sẽ giảm áp lực lên lãi suất cho vay, đồng thời, nâng cao tỷ lệ sinh lời của nhà băng.