Gần 25.000 tỷ đồng cho dự án giao thông - thủy điện sông Hồng
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức đầu tư, kinh doanh, sở hữu (BOO).
Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng sẽ tạo động lực phát triển KTXH các tỉnh miền núi phía Bắc. (Ảnh minh họa)
Theo đo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH & ĐT hướng dẫn Cty TNHH Xuân Thiện, tỉnh Ninh Bình thực hiện hồ sơ, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO.
Bộ KH & ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các Bộ, ngành, địa phương liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ dự án, lập báo cáo thẩm định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trên theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của nhà đầu tư, dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng đoạn Việt Trì – Lào Cai kết hợp với thủy điện khi hoàn thành sẽ tạo ra các lợi ích kinh tế xã hội rất lớn, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc, góp phần giảm áp lực đường bộ, đường sắt trên tuyến Hà Nội – Lào Cai.
Dự án này sẽ tạo ra tuyến vận tải đường thủy thông suốt quanh năm từ Lào Cai – Hải Phòng cho tàu có trọng tải từ 400–600 tấn, kết hợp sản xuất điện với tổng công suất khoảng 228MW, tương đương 912 triệu kWh/năm.
Bên cạnh đó, dự án cũng sẽ xây dựng 7 cảng dọc tuyến thuộc hệ thống cảng theo quy hoạch của ngành đường thủy nội địa bao gồm cảng Phố Mới, cảng Apatit, cảng Quý Xa (Lào Cai), cảng Văn Phú (Yên Bái), cảng Ngọc Tháp, cảng Cổ Tiết (Phú Thọ), cảng phía Bắc (Hà Nội), góp phần đẩy mạnh công nghiệp khoáng sản, hóa chất, luyện kim, vật liệu xây dựng, thế mạnh của các địa phương dọc tuyến.
Tính toán sơ bộ của Cty TNHH Xuân Thiện cho thấy, dự án cần tới 24.510 tỉ đồng, trong đó 30% tổng mức đầu tư do nhà đầu tư góp bằng vốn chủ sở hữu, phần còn lại sẽ được huy động vốn vay thương mại.
Cùng với nguồn thu chính là phí luồng tuyến (đoạn Việt Trì – Yên Bái thu từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/tấn; đoạn Yên Bái thu 40.000 đồng – 45.000 đồng/tấn); bán điện (giá bán điện khởi đầu là 1.900 đồng/Kwh và có lộ trình tăng giá lên tới 3.560 đồng/Kwh)…, khả năng hoàn vốn của dự án này sẽ hoành thành trong vòng 25 năm.
Dự án đưa ra phương án xây dựng 3 hoặc 6 công trình đầu mối âu đập giao thông kết hợp với thủy điện, nạo vét luồng lạch đoạn từ Việt Trì lên Lào Cai dài 288km.
Nhà đầu tư định dự án sẽ đảm bảo mực nước dâng tại các vị trí đập thiết kế luôn thấp hơn mực nước lũ hàng năm, do đó ít ảnh hưởng ngập lụt, cũng như không ảnh hưởng đến môi trường và hầu như không làm thay đổi so với hiện trạng.