Festival "Tôi tin Tôi có thể": Tôn vinh giá trị thực tiễn của tri thức bản địa
Sự kiện tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, sự hiểu biết lẫn nhau và tình đoàn kết tương trợ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
“Tôi tin tôi có thể“ là chuỗi sự kiện được khởi xướng từ năm 2015, với thông điệp xuyên suốt “Không có văn hóa cao hơn hay thấp hơn, mà tất thảy là sự đa sắc hòa hợp”, gây tiếng vang lớn do sự độc đáo và đa dạng thể hiện bởi chính những người dân thuộc cộng đồng các dân tộc thiểu số. Tiếp nối thành công trên, Festival "Tôi tin Tôi có thể" lần thứ tư với chủ đề “Tri thức bản địa – Mạch sinh nguồn sống” hướng tới việc tôn vinh các giá trị tri thức bản địa và khả năng tự học hỏi, tạo ra tri thức của các cộng đồng dân tộc ít người, thông qua trưng bày, tọa đàm về các kết quả đồng nghiên cứu của nhiều nhóm cộng đồng và biểu diễn các tiết mục nghệ thuật, nghi lễ truyền thống.
Đây cũng là sự kiện để tôn vinh vẻ đẹp văn hóa, sự hiểu biết lẫn nhau và tình đoàn kết tương trợ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Sự kiện do chính các đại diện của các cộng đồng người dân tộc thiểu số đến từ hơn 20 tỉnh trên cả nước thực hiện, trong đó nổi bật là các nhóm, mạng lưới dân tộc thiểu số như mạng lưới Tiên Phong, mạng lưới về tri thức bản địa (VTIK), và Nhóm hành động vì sự phát triển của người Hmong (AHD) tổ chức và thể hiện. Được thực hiện dưới sự tài trợ và hỗ trợ bởi tổ chức Plan International Việt Nam, tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam, Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), tổ chức ChildFund, Trung tâm vì sự phát triển bền vững miền núi (CSDM), Liên minh Châu Âu (EU), Sứ quán Ireland và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE).
Khác với những sự kiện được sân khấu hóa, văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số hiện lên trong "Tôi tin tôi có thể" như chính những gì người dân đang thực hành trong đời sống hàng ngày của họ. Tham gia là đại diện của các cộng đồng dân tộc thiểu số Khmer, Gia-rai, Pa Cô, Pà Thẻn, Tày, Thái, Mường,…
Phòng trưng bày ở góc đường Đinh Tiên Hoàng - Tràng Tiền đang trở thành một bảo tàng sống động về tri thức bản địa của hơn 20 cộng đồng dân tộc thiểu số.
Theo bà Hoàng Thị Thu Hường, Giám đốc truyền thông của iSEE, việc thay đổi cách thức và phương pháp tiếp cận, bằng việc trao vào tay những người dân tộc thiểu số phương tiện để họ tự tìm hiểu, ghi nhận về phong tục, tập quán của địa phương mình, đã giúp bà con dân tộc thiểu số tự hào với văn hóa của mình, để từ đó tự tin, chủ động gìn giữ, trao truyền cho các thế hệ.
“Mỗi nền văn hóa đều có những vẻ đẹp và những đặc sắc riêng, việc trình diễn các vẻ đẹp đó trước công chúng thông qua các tiết mục, các trò chơi tạo điều kiện để họ khám phá khả năng của bản thân và xây dựng sự tự tin, khơi gợi ở họ niềm tự hào về cộng đồng mình. Từ sự thay đổi đó, họ chủ động khởi xướng và thực hiện các sáng kiến vì lợi ích của cộng đồng mình,” bà chia sẻ.
Sau nhiều năm cùng làm việc với đồng bào dân tộc, thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Tâm, rút kinh nghiệm: "Mình là người từ nơi khác đến đừng áp đặt cho họ phải làm cái này cái kia. Chớ vội vàng cho rằng đồng bào vùng sâu, vùng xa lạc hậu. Hơn ai hết, họ hiểu rõ từng miếng đất, ngọn cỏ của họ. Phải biết trân trọng, lắng nghe họ.”
Cũng theo bà Tâm, tri thức bản địa của người dân tộc là những kiến thức được tích lũy qua thời gian và là nền tảng cho các quyết định của cộng đồng. Đây là những tri thức được chắt lọc kỹ lưỡng qua nhiều đời do vậy mang tính thực tế cao và là nguồn thông tin rất quý giá đối với người dân tộc thiểu số, giúp họ chủ động sử dụng các nguồn lực có sẵn, giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ bên ngoài.
Bà cũng nhấn mạnh những chính sách phát triển không phù hợp cũng như tạo ra những đánh giá sai lệch về những thực hành văn hoá của các tộc người thiểu số, làm ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá của mỗi dân tộc.
Lấy câu chuyện ‘cái cuốc lạc hậu’ của người Xơ-đăng, một công cụ lao động đã được người dân địa phương dùng hàng trăm năm để làm nương, làm ví dụ: Trong một cuộc điền dã vào đầu năm 2013, một trưởng thôn người Kinh tại một huyện của tỉnh Gia Lai cho biết, khi mới di cư vào khu vực này sinh sống, hầu hết các hộ nông dân người Kinh đều chê cái cuốc của người dân địa phương ‘lạc hậu’, hiệu quả lao động ‘thấp’ vì “so với cái cuốc mà người Kinh đem từ miền Bắc vào, nó nhọn và rất bé, năng suất lao động có khi chỉ bằng 1/10 cái cuốc của người Kinh”.
Tuy nhiên, sau vụ rẫy đầu tiên, các hộ gia đình người Kinh đều phải công nhận rằng, cuốc của người địa phương phù hợp hơn. Họ thấy rằng, do có cấu tạo to bản nên cuốc của người Kinh đem từ miền Bắc vào có khả năng làm sạch cỏ trên mặt rẫy nhanh hơn cuốc của người địa phương. Tuy nhiên, cấu tạo bề mặt như vậy của cái cuốc này có hạn chế là không thể cuốc sâu so với cuốc của người bản địa. Trong bối cảnh tự nhiên của vùng có nhiều cây le với mắt rễ nằm sâu dưới lòng đất, việc sử dụng cuốc có mặt to chỉ làm quang được mặt rẫy.
Ngược lại, cuốc của người Xơ-đăng tuy nhỏ song “họ cuốc tới đâu thì rễ cây le được làm sạch tới đó”. Do vậy, đối với nương của người Kinh, do không moi được rễ le nằm sâu trong đất nên chỉ sau khi gieo trồng được khoảng 2-3 tháng là cỏ dại và mầm le đã mọc um tùm, ngược hoàn toàn với các mảnh rẫy của người bản địa.
Kết thúc ví dụ nhỏ của mình, bà Tâm kết luận, với kinh nghiệm tích luỹ thông qua quá trình tương tác lâu dài với điều kiện tự nhiên nơi họ sinh sống, các dân tộc thiểu số đã sáng chế ra nhiều dụng cụ sản xuất khác nhau, mỗi loại phù hợp với điều kiện tự nhiên cụ thể, để khai thác hiệu quả và bền vững môi trường xung quanh họ. Vì vậy, nhiều loại dụng cụ lao động trông có vẻ ‘thô sơ’, song lại là nhưng phương tiện sản xuất tối ưu trong những tiểu môi trường nhất định.
Sự khác biệt và đa dạng văn hoá phải được nhìn nhận dưới quan điểm đúng đắn. Mỗi truyền thống văn hoá đều có giá trị bình đẳng như nhau, không có sự cao thấp mà chỉ có sự khác biệt. Đây chính là thông điệp xuyên suốt các nhóm thực hiện muốn truyền tải.
Thu Phương