Facebook đang khiến con người... hẹp hòi hơn
Nhà sáng lập mạng xã hội Facebook Mark Zuckerberg. (Ảnh: AP)
Facebook củng cố niềm tin của người dùng, vì họ có xu hướng tìm kiếm tin tức và quan điểm thuận theo ý kiến của mình, theo một nghiên cứu mới đây: “Một tin tức – dù chưa được xác minh là đúng hay sai – đều có thể được chấp nhận là đúng, nếu nó giống như những gì mà người dùng tin tưởng”.
Mỗi trang mạng xã hội lại tự tạo ra một “phòng thông tin tự bắt chước” – mạng lưới những người có tư tưởng giống nhau, cùng chia sẻ các quan điểm gây tranh cãi, những góc nhìn thành kiến và các tin tức chọn lọc. Điều này có nghĩa là: mọi sự thiên vị đều được lặp đi lặp lại, cho đến khi được chấp nhận là đúng.
Đây là kết quả nghiên cứu mà Viện Hàn lâm Khoa học Anh quốc vừa công bố, dựa trên quá trình phân tích dữ liệu về chủ đề mà người dùng Facebook thảo luận trên mạng xã hội này trong giai đoạn 2010–2014.
Kết luận của các nhà nghiên cứu nêu rõ: “Người dùng có xu hướng tập trung vào những vấn đề mà cộng đồng quan tâm, trong khi những vấn đề này thường củng cố và nuôi dưỡng sự thiên vị, tình trạng phân biệt chủng tộc cũng như sự phân hóa”.
Biểu tượng nút "Like" đặt tại trụ sở của Facebook ở Menlo Park, California, Mỹ. (Ảnh: AFP)
“Điều này xuất phát từ chất lượng thông tin, dẫn đến sự bùng nổ của các câu chuyện mang tính thiên vị – vốn bị các tin đồn vô căn cứ, đáng nghi và hoang tưởng xúi giục” – kết luận nghiên cứu nhấn mạnh.
Các chuyên gia nghiên cứu phát hiện ra rằng: nếu một phần thông tin được coi là đúng, nó nhanh chóng lan rộng ra “cộng đồng những người quan tâm” qua truyền thông trực tuyến. “Phát hiện của chúng tôi cho thấy, người sử dụng chủ yếu có xu hướng lựa chọn và chia sẻ nội dung liên quan đến một câu chuyện cụ thể, và bỏ qua phần còn lại”.
Từ kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học cảnh báo rằng: tình trạng thông tin không đáng tin cậy lan rộng như một thứ “virus trực tuyến” đang trở nên cực kỳ nghiêm trọng, và được coi là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với xã hội, nhất là khi có hơn 1 tỷ người truy cập vào Facebook mỗi ngày.
Sự nổi lên của mạng xã hội Facebook 2004: Sinh viên Mark Zuckerberg tạo ra Facebooks tại phòng trọ thuộc ký túc xá trường Đại học Harvard, Mỹ. 2006: Facebook cho phép bất cứ người nào trên 13 tuổi tham gia, đồng thời giới thiệu tính năng “News Feed” (Bảng tin). 2007: Mạng xã hội này bán 1,6% cổ phần cho Microsoft để thu về 240 triệu USD. 2009: Nút “Like” (thích) được giới thiệu. 2011: Facebook phải giải trình về các cáo buộc lừa đảo người dùng thông qua chính sách cài đặt. 2012: Thâu tóm mạng xã hội Instagram với trị giá 1 tỷ USD, trả bằng tiền mặt và cổ phiếu. 2013: Từ chối kiểm duyệt các video quay cảnh chặt đầu mà người dùng đăng tải. 2014: Facebook bị cáo buộc thao túng người dùng trong các thử nghiệm bí mật. 2015: Bị chỉ trích khi từ chối gỡ bỏ một đoạn video miêu tả cảnh trẻ em bị lạm dụng. |
Trọng Sang