Euromonitor: Các nền kinh tế mới nổi tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn cầu
Trung Quốc
Theo dự báo của Euromonitor, nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu phục hồi trong nửa đầu năm 2017 nhưng sẽ tăng trưởng chậm lại xuống 6,6% trong nửa cuối năm. Tăng trưởng GDP của nước này được dự đoán chỉ đạt 6,2% vào năm 2018.
Những tuyên bố trong cuộc họp tháng 7 của các nhà lãnh đạo Trung Quốc cấp cao cho thấy nước này đang cố gắng giải quyết tình trạng dư thừa năng suất cũng như đối phó với tỷ lệ rủi ro ngày một cao trong ngành tài chính.
Tăng trưởng GDP của các nước BRIC
Các động thái thắt chặt quy định tài chính cũng như tín dụng cho thấy mức tăng trưởng cung tiền đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua. Trong khi đó, tỷ lệ nợ trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn tăng trưởng GDP.
Chính quyền Bắc Kinh cũng đang tăng cường các vụ mua bán và sáp nhập (M&A) giữa những công ty quốc doanh nhằm tăng tính hiệu quả trong khu vực kinh tế nhà nước. Theo các ước tính gần đây nhất, tăng trưởng sản lượng của Trung Quốc đã giảm từ 2,6%/năm trong giai đoạn 1998-2007 xuống hơn 0% trong khoảng 2008-2016.
Hiện chính phủ Trung Quốc đang hy vọng những biện pháp cải cách sẽ cải thiện được thành tích kinh tế đang trên dà giảm tốc của nước này.
Lãi suất của các nước BRIC
Ấn Độ
Theo Euromonitor, chính sách thu hồi và giới hạn lưu thông tiền mặt cùng hàng loạt cải cách trong mảng thuế và luật pháp đã ảnh hưởng đến tăng trưởng của Ấn Độ trong ngắn hạn nhiều hơn so với dự đoán trước đó. Bởi vậy, tăng trưởng GDP thực tế của nước này được dự đoán chỉ vào khoảng 6,9% năm 2017 và 7,5% năm 2018.
Trong nửa đầu năm 2017, sản lượng công nghiệp và thị trường tiêu dùng đều tăng trưởng yếu hơn sự đoán bất chấp những cải thiện trong điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính. Động thái thu hồi tiền mặt cuối năm 2016 đã ảnh hưởng lớn đến các hoạt động kinh tế đầu năm 2017.
Tăng trưởng GDP quý I/2017 của Ấn Độ chỉ đạt 6,1%, thấp hơn mức 7% của quý IV/2016. Kinh tế Ấn Độ đã suy giảm 4 quý liên tiếp và hiện tăng trưởng đang ở mức thấp nhất trong 4 năm qua.
So sánh với quý trước đó, ngoài sự suy giảm của thị trường tiêu dùng và đầu tư, thâm hụt thương mại cũng đóng góp cho đà giảm tốc tăng trưởng của Ấn Độ.
Hơn nữa, việc cải cách khung thuế mới, thống nhất các loại phí giữa những bang khác nhau thành thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) được cho là đã ảnh hưởng đến tăng trưởng ngắn hạn của Ấn Độ do các doanh nghiệp phải tốn thời gian thích nghi với quy định mới.
Chỉ cố công nghiệp Ấn Độ trong tháng 5/2017 đã giảm xuống mức 1,7% so với cùng kỳ năm trước do sự suy giảm của ngành khai khoáng cũng như sản xuất. Cụ thể, ngành sản xuất do thiếu nước vì hạn hán và những quy định mới của thuế GST đã bị gián đoạn sản xuất.
Tăng trưởng GDP của Ấn Độ phân loại theo các mảng chứng khoán, đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng
Chỉ số công nghiệp của Ấn Độ so sánh với cùng kỳ năm trước
Nga
Nền kinh tế Nga tiếp tục phục hồi mạnh mẽ bất chấp thu nhập của người dân còn yếu trong khi chính phủ phải chi tiêu nhiều. Euromonitor dự đoán Nga sẽ tăng trưởng 1,3% trong năm nay và 1,5% vào năm 2018-2019.
Số liệu của Rosstat cho thấy tăng trưởng GDP của Nga trong quý I/2017 đạt 0,5%, cao hơn mức 0,3% của quý trước đó. Những thông tin về mảng xây dựng, bán lẻ, sản xuất của Nga đều tích cực, qua đó tạo nên mức tăng trưởng 2,5% trong quý II/2017. Đây là mức tăng trưởng GDP theo quý cao nhất kể từ quý III/2012.
Vào tháng 5/2017, sản lượng công nghiệp của Nga bất ngờ tăng mạnh 5,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng bình quân 0,7% trong khoảng tháng 1-4/2017. Đây cũng là mức tăng theo tháng mạnh nhất kể từ năm 2012.
Chỉ số kinh tế các ngành của Nga so với cùng kỳ năm trước
Đến tháng 6 năm nay, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Nga đã giảm tốc xuống 3,5% nhưng vẫn cao hơn mức bình quân của cả năm 2016 và được dự đoán tiếp tục giữ mức tăng trưởng tốt đến cuối năm.
Theo các chuyên gia, việc tăng trưởng đột ngột trong tháng 5 là do thời tiết lạnh bất thường của mùa thu khiến mảng điện năng và sản xuất nhiệt năng tại Nga nhận được nhu cầu lớn. Thêm vào đó, việc bị cấm vận khiến các ngành sản xuất trong nước như dược phẩm, quần áo… tăng trưởng. Hơn nữa, dù có cam kết đóng băng sản lượng với Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) nhưng ngành dầu khí của Nga vẫn đem lại ngoại tệ về cho đất nước.
Brazil
Tăng trưởng của Brazil tiếp tục ổn định theo như những dự báo trước đó với 0,5% năm 2017 và 2,1% năm 2018.
Doanh số ngành bán lẻ tại Brazil đã tăng trưởng trở lại trong vài tháng qua nhờ sự phục hồi của thị trường tiêu dùng. Sản lượng công nghiệp cũng tăng trưởng trở lại nhờ mảng sản xuất ô tô, thiết bị điện tử và máy móc.
Nhu cầu của các thị trường quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu từ Brazil, qua đó tạo ra thặng dư thương mại lớn nhất trong vài tháng qua.
Tăng trưởng công nghiệp và thương mại của Brazil
Mặc dù vậy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm xuống 3% vào tháng 6/2017, mức thấp nhất trong 10 năm qua, do giá cả thực phẩm, điện năng và giao thông đi xuống. Hãng Euromonitor dự đoán tỷ lệ lạm phát của Brazil sẽ chỉ đạt 3,8% trong năm nay và 4,2% vào năm 2018.
Bất chấp việc lạm phát giảm sâu, ngân hàng trung ương Brazil đã liên tục cắt giảm lãi suất, hiện xuống mức 9,25% nhằm thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế. Với tình hình hiện tại, Euromonitor dự đoán chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ của Brazil vẫn chưa thể kết thúc và lãi suất ước tính sẽ giảm xuống còn 8,3% vào cuối năm 2018.
Tỷ lệ lạm phát và lãi suất của Brazil
AB