Dùng rượu thử xe tăng: "Quỳ xuống, ngóc lên" không vãi một giọt nào
Không chỉ vậy, trong quá trình cơ động vượt qua những địa hình ấy các thành viên trong xe vẫn phải thực hiện các thao tác chiến đấu để hoàn thành nhiệm vụ của mình - đặc biệt là phải ngắm bắn chính xác vào mục tiêu cố định hoặc di động.
Đồng thời, họ còn phải đảm bảo sức khỏe của kíp xe trong chiến đấu lâu dài, tránh các di chứng bệnh nghề nghiệp như gù, vẹo xương sống, gai đôi cột sống v.v...
Để đạt được các yêu cầu kể trên, ngoài dải xích để truyền lực kéo của động cơ và các bánh tỳ (chịu nặng), bánh đỡ thì xe tăng cần phải có một cơ cấu nhằm giảm nhẹ các lực va đập, xô đẩy, xóc lắc... tác động vào thân xe; dập tắt mọi dao động khi chạy trên địa hình mấp mô cũng như khi vượt qua các vật chướng ngại... Đó chính là "hệ thống cơ cấu treo xe"!
Xe tăng T-90 "bay".
Treo cho đỡ xóc
Thông thường, cơ cấu treo xe gồm các bộ phận: trục cân bằng (hay còn gọi là trục chữ Z vì nó có hình dáng giống chữ Z), bộ phận đàn hồi và bộ phận giảm chấn. Trục cân bằng thường có hình chữ Z, một đầu lắp vào ổ lăn ở thân xe, một đầu để lắp bánh tỳ. Nhờ vậy bánh tỳ có thể dao động theo chiều thẳng đứng với biên độ khá rộng.
Để hạn chế biên độ dao động luôn nhỏ hơn giới hạn có các bệ hạn chế hàn vào thân xe. Còn để hạn chế dịch chuyển dọc trục của bánh tì có mấu định vị cũng được bắt bu-lông vào thân xe.
Bộ phận đàn hồi có tác dụng giảm chấn động do tác động của mặt đường với thân xe. Trước đây người ta thường dùng lò xo. Tuy nhiên, với các xe tăng hiện đại thì bộ phận dàn hồi thường là trục xoắn. Đó là một thanh thép hợp kim đặc biệt có tính đàn hồi cao, thường có hình trụ, một đầu cố định với thân xe, một đầu lắp với trục cân bằng.
Khi gặp vật cản, bánh tì bị nâng lên sẽ làm trục xoắn bị vặn đi. Lực vặn trục xoắn sẽ làm gảm nhẹ tốc độ dao động của bánh chịu nặng. Khi đã qua vật cản, trục xoắn lại đưa bánh tì về vị trí cũ.
Sự kết hợp giữa 2 bộ phận trên thành một cơ cấu treo. Các cơ cấu treo trên 1 xe tăng hợp thành hệ thống cơ cấu treo xe, chúng có thể được thiết kế độc lập với nhau hoặc phụ thuộc lẫn nhau. Đối với các xe tăng hiện đại thường sử dụng cơ cấu treo độc lập.
Tuy nhiên, chính sự đàn hồi trở lại của trục xoắn đến lượt nó cũng lại là một tác nhân gây xóc lắc. Vì vậy, để giảm bớt cường độ của sự tác động này người ta phải lắp thêm các bộ giảm chấn ở các cơ cấu treo, nhất là 4 cơ cấu treo ở đầu và cuối xe là nơi bánh tì có biên độ dao động lớn nhất. Các giảm chấn này thường hoạt động theo nguyên lý thủy lực hoặc khí- thủy lực.
Nhìn chung, yêu cầu đặt ra với các cơ cấu treo là phải nhanh chóng dập tắt được các dao động, va đập, xô đẩy của mặt đường mấp mô, của vật chướng ngại tác động đến thân xe, đảm bảo độ bền và sự làm việc của thân xe cũng như các thiết bị của xe - đặc biệt là khi bắn các loại vũ khí trong hành tiến. Vì vậy, cơ cấu treo không được quá "cứng" hoặc quá "mềm".
Xe tăng T-90S.
Cứng quá thì xóc lắc mạnh, mà mềm quá lại cứ "nhún nhảy" cả khi đi trên đường bằng đều gây bất lợi cho xe và kíp xe.
Cho đến nay, các xe tăng hiện đại đều có hệ thống cơ cấu treo cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra đối với các nhà thiết kế cũng như người sử dụng. Nhiều hệ thống treo được vận hành rất êm và mang lại tiện nghi cao nhất cho kíp xe.
Chúng ta có thể thấy rõ điều đó khi chứng kiến xe tăng chạy với tốc độ rất cao qua các đoạn đường mấp mô, các vật cản... và vừa chạy còn vừa bắn trúng mục tiêu nữa.
Và hơn thế nữa!
Không chỉ đáp ứng yêu cầu giảm bớt xóc lắc cho xe tăng, các hệ thống treo xe hiện đại còn làm được nhiều hơn thế nữa.
Ứng dụng các tiến bộ công nghệ cao về tự động hóa, điều khiển, kh í- thủy lực... người ta đã chế tạo được những hệ thống cơ cấu treo "thông minh" cho phép có thể thay đổi độ cao gầm xe hoặc góc độ sàn xe theo ý muốn nhằm đáp ứng các yêu cầu về chiến thuật hoặc xạ kích.
Điển hình như xe tăng Type-10 của Nhật Bản, nó có thể giảm độ cao của xe đến 20 cm khi cần thiết, có thể "quỳ" xuống nhờ hạ thấp các cơ cấu treo phía trước và nâng cao cơ cấu treo phía sau để bắn các mục tiêu ở sát gần, nó cũng có thể "ngóc lên" khi làm ngược lại.
Xe tăng Type-10 của Nhật Bản
Khi cần vượt qua dốc nghiêng hoặc phải bắn trên dốc nghiêng, xe tăng Type-10 có thể thay đổi độ cao của các cơ cấu treo của một bên xe để đảm bảo thân xe thăng bằng.
Còn hệ thống treo của xe tăng "S" do Thụy Điển chế tạo cũng là một hệ thống treo rất hiện đại và lý thú. Xe tăng "S" là loại xe tăng không tháp pháo. Nòng pháo được gắn chặt vào thân xe (tất nhiên là thông qua cơ cấu giảm giật) và mọi thao tác ngắm bắn được thực hiện thông qua điều khiển thân xe.
Cụ thể: khi ngắm pháo về "hướng" thì điều khiển xe cho quay về hướng đó, còn ngắm pháo về "tầm" thì thực chất là điều khiển các cơ cấu treo sao cho xe ngóc lên hay gục xuống để đạt được góc bắn cần thiết.
Đặc biệt, các chuyển động này được thực hiện rất trơn chu và êm dịu. Để biểu diễn khả năng đó, người ta đã làm thí nghiệm đặt 2 ly rượu lên đầu nòng pháo xe tăng Type-10 rồi cho xe "quỳ xuống", "ngóc lên", quay tròn tại chỗ và thay đổi độ nghiêng thân xe ... mà 2 ly rượu vẫn nguyên vẹn, không vãi một giọt nào ra ngoài.
Vì vậy, nói "đi xe tăng mà êm như đi xe du lịch" trong một số trường hợp cũng không phải là quá ngoa ngoắt! Điều đó hoàn toàn có thể xảy ra nhờ một hệ thống treo xe hiện đại.
Xe tăng, thiết giáp Nga chạy cực nhanh
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt