Đức sẽ bầu cử lại, Thủ tướng Merkel có nguy cơ mất ghế?
Nền kinh tế lớn nhất Châu Âu là Đức hiện đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ. Sau 2 tháng tranh cử và 5 tuần thảo luận, các đảng phái chính trị lớn của nước này vẫn không thể đi đến một liên minh thống nhất nhằm thành lập chính phủ.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã khiến cử tri bất ngờ khi Đảng Xã hội Kitô giáo không thể chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử. Tồi tệ hơn, vị nữ lãnh đạo này cũng chưa thể đi đến một liên minh thống nhất với 2 Đảng lớn còn lại là Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Xanh.
Việc Thủ tướng Merkel mắc kẹt trong một cuộc chiến đảm bảo quyền lực của mình đang khiến các chuyên gia lo lắng cho tình hình của cả Đức lẫn toàn Liên minh Châu Âu (EU). Nguyên nhân chính là hiện bà Merkel chiếm vai trò chủ chốt trong các quyết định của EU đối với vẫn đề nhập cư, Brexit hay những quyết định đối ngoại trước sự nổi lên của Tổng thống Mỹ Trump cũng như phong trào cực hữu ở Châu Âu.
Đức sẽ bầu cử lại?
Các chính trị gia cực hữu của Đức, đối thủ của bà Merkel được xem đã góp phần không nhỏ cho sự đổ vỡ đàm phán này và hối thúc một cuộc bầu cử mới. Những chính trị gia này cũng ăn mừng và kêu gọi Thủ tướng Merkel từ chức, dọn đường cho một nhà lãnh đạo khác lên thay thế.
Về phía ngược lại, Thủ tướng Merkel cho biết bà sẽ không từ chức nhưng cũng không muốn lãnh đạo một chính phủ mà Đảng của bà không chiếm đa số. Bởi vậy, Thủ tướng Merkel nhận định một cuộc bầu cử mới là điều tốt nhất hiện nay.
Đồng quan điểm trên, khảo sát của Statista cho thấy phần lớn cử tri Đức muốn một cuộc bầu cử mới hơn là có một chính phủ không chiếm đa số ghế trong nghị viện.
Hiện các quan chức cấp cao đang cố gắng để cứu vãn tình hình. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng đây là một trường hợp hi hữu không lường trước được trong lịch sử chính trị nước này và hối thúc các bên tìm phương án mới để thành lập chính phủ liên minh. Theo quy định, các đảng phái hiện nay có khoảng 3 tuần để cứu vãn cuộc đàm phán liên minh chính trị.
Trong trường hợp các bên không đồng nhất được ý kiến, Tổng thống Steinmeier buộc phải tổ chức một cuộc bầu cử sớm vào tháng 2 năm sau. Nếu điều này xảy ra, các chính trị gia cánh hữu sẽ ăn mừng lớn bởi họ muốn thay đổi tình hình chính trị hiện nay. Trong cuộc bầu cử vừa qua, liên minh đảng cánh hữu giành được 13% số ghế nghị viện, dù không nhiều nhưng lại là mức cao nhất kể từ Thế chiến thứ II.
Tình hình tại Đức đang khiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lo lắng bởi nếu Thủ tướng Merkel tốn quá nhiều thời gian cho chính trị trong nước, bà sẽ không có đủ thời gian xem xét dự thảo cải cách EU do ông Macron đề xuất.
Một nhà lãnh đạo nữa cũng sốt ruột không kém là Thủ tướng Anh Theresa May bởi nước này đang đàm phán quy trình rời khỏi EU (Brexit) và sự hiện diện của Thủ tướng Merkel lúc này là điều vô cùng trọng yếu.
AB