Đưa tháp pháo xe tăng lên tàu tuần tra - Giải pháp đơn giản, phù hợp với các nước nghèo
Ý tưởng đưa tháp pháo xe tăng lên tàu tuần tra
Giai đoạn 1934 - 1945, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tuần tra và chiến đấu trong vùng sông nước hẹp hay gần bờ, Quân đội Liên Xô đã có ý tưởng chế tạo một lớp giang thuyền được trang bị tháp pháo 76,2 mm của xe tăng T-34/76, đó chính là Dự án 1124 và S40.
Tàu tuần tra Dự án 1124 được vũ trang bằng tháp pháo 76,2 mm của xe tăng T-34/76, dàn hỏa tiễn Katyusha, cùng pháo phòng không 2 nòng
Trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai, lớp tàu này hoạt động rất hiệu quả cả trên sông lẫn trên biển, nó đã thực chiến nhiều lần ở Biển Đen và Biển Baltic với Quân đội Phần Lan, Đức, lập được một số chiến công.
Tháp pháo của T-34/76 làm việc hiệu quả không kém gì khi đặt trên khung gầm một chiếc xe tăng thông thường, mặc dù điều kiện sông nước bất ổn hơn rất nhiều. Từ năm 1934 đến 1945, Liên Xô đã chế tạo tổng cộng 310 chiếc để triển khai cho nhiệm vụ tuần tra đường sông, hồ, biển kín.
Một điểm đặc biệt nữa là tàu tuần tra Dự án 1124 hoạt động được như một bộ phận của đơn vị pháo binh khi tích hợp cả dàn rocket Katyusha phía sau, lúc cần có thể chi viện hỏa lực từ trên sông rất thuận lợi.
Chính vì nhận ra tính ưu việt của ý tưởng trên, hiện tại Quân đội Nga vẫn còn biên chế nhiều tàu tuần tra sông nước có gắn tháp pháo của xe tăng, xe thiết giáp. Tất nhiên để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, hệ thống điều khiển hỏa lực sẽ phải được chỉnh sửa.
Tàu tuần tra đường sông của Nga lắp tháp pháo 76,2 mm của xe tăng lội nước PT-76
Nhiều quân đội đã và đang áp dụng
Việc gắn tháp pháo xe tăng cho tàu tuần tra không chỉ được thực hiện ở Liên Xô hay Nga mà còn được nhiều quốc gia khác áp dụng như một giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, tận dụng xe tăng cũ và nguồn đạn có sẵn.
Tàu Hải quân Rumania mang tháp pháo gắn pháo D-10T2S của xe tăng T-54/55
Cách làm này tỏ ra đặc biệt phù hợp với những quốc gia còn nhiều xe tăng chiến đấu chủ lực lẫn xe tăng hạng nhẹ đang trong tình trạng niêm cất dài hạn do thiếu phụ tùng cần thiết để duy trì hoạt động, hoặc đơn giản là do chúng đã quá lạc hậu, không phù hợp với chiến tranh hiện đại.
Việc nghiên cứu tích hợp tháp pháo xe tăng đã loại biên lên tàu tuần tra cỡ nhỏ rõ ràng là một hướng đi hay nhằm nâng cao khả năng chiến đấu cho chúng, đặc biệt là các lớp tàu kiểu cũ chỉ có hỏa lực pháo 25 - 40 mm điều khiển bằng tay.
Tàu tuần tra của Hải quân Triều Tiên cũng sử dụng cấu hình tương tự
Tuy nhiên nếu dự định áp dụng ý tưởng trên chắc chắn phải có sự đầu tư nghiên cứu. Được biết vào năm 2003, Quân đội Đức từng đưa tháp pháo 155 mm của "Hoàng đế pháo binh" PzH 2000 lên tàu chiến. Kết quả thu được rất đáng khích lệ, nhưng do môi trường biển khác với trên đất liền nên tháp pháo có hiện tượng bị ăn mòn nhanh.
Tháp pháo 155 mm của pháo tự hành PzH 2000 được gắn trên tàu chiến
Mặc dù vậy cần khẳng định thêm một lần nữa, việc tận dụng tháp pháo xe tăng để tích hợp lên tàu tuần tra có tác dụng làm giảm chi phí đóng mới, đồng thời tận dụng được nguồn đạn và phương tiện cũ trong biên chế, chủ động quá trình sửa chữa thay thế.
Đây là giải pháp đơn giản và thực sự phù hợp với những quốc gia nghèo có tiềm lực khoa học công nghệ cũng như ngân sách quốc phòng còn hạn chế.
Đưa SPYDER-SR/MR lên Gepard 3.9 theo cách Nga làm với Tor-M2KM có khả thi?
Trọng Lâm