Dự thảo quy chế quản lý nhà chung cư: Nhiều điểm mới gỡ rối
Bộ Xây dựng đang tiến hành xây dựng dự thảo thông tư về quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư mới, thay thế quy chế hiện hành. Trong dự thảo lần này có nhiều bổ sung mới theo yêu cầu từ thực tiễn. Đơn cử như quy định nhà chung cư phải được sử dụng đúng công năng, mục đích thiết kế và nội dung dự án được phê duyệt. Các tranh chấp, khiếu nại liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư được giải quyết theo quy định của Luật Nhà ở, quy chế này và pháp luật có liên quan. Cơ quan chức năng khuyến khích chủ đầu tư, ban quản trị (BQT), đơn vị quản lý vận hành, chủ sở hữu, người sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư.
Chủ đầu tư có trách nhiệm lập và lưu trữ hồ sơ nhà chung cư theo quy định của pháp luật về xây dựng. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày BQT nhà chung cư hoặc người đại diện quản lý có văn bản yêu cầu bàn giao hồ sơ thì chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao hai bộ cho BQT. Bộ hồ sơ này gồm một số văn bản như bản vẽ hoàn công; lý lịch thiết bị lắp đặt trong công trình; thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng…
Đáng chú ý, điều kiện về số lượng người tham dự cuộc họp hội nghị nhà chung cư lần đầu được quy định: Đối với hội nghị của tòa nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự, ít hơn con số 75% của quy chế hiện hành. Nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự hội nghị về các nội dung quy định của Luật Nhà ở.
Việc lấy ý kiến phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; trường hợp lấy ý kiến bằng văn bản thì phải có chữ ký của những người được gửi lấy ý kiến. Khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin trong việc lấy ý kiến. Hội nghị nhà chung cư tổng hợp kết quả tại cuộc họp với việc lấy ý kiến của những người không dự họp và lập thành biên bản có chữ ký của người chủ trì cuộc họp.
Nhiều điểm mới trong dự thảo quy chế quản lý nhà chung cư. |
Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày tổ chức cuộc họp theo quy định tại điểm này mà không đủ 50% đại diện chủ sở hữu tham gia họp và số người lấy ý kiến thì chủ đầu tư hoặc đại diện chủ sở hữu căn hộ đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư theo quy định tại Quy chế. UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu khi nhà chung cư đã được bàn giao đưa vào sử dụng quá thời hạn 12 tháng và đã có đủ 50% số căn hộ được bàn giao theo quy định nhưng chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư và có đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị.
Kinh phí tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu do UBND cấp phường tổ chức được lấy từ kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp và được đưa vào dự toán năm tiếp theo do Hội nghị nhà chung cư quyết định.
Quy chế đưa ra trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đơn của đại diện chủ sở hữu căn hộ hoặc nhận được văn bản đề nghị của chủ đầu tư theo quy định tại Khoản 5 Điều này, UBND cấp phường có trách nhiệm tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu. Kết quả của hội nghị nhà chung cư lần đầu do UBND cấp phường tổ chức có giá trị áp dụng đối với các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư như hội nghị nhà chung cư do chủ đầu tư tổ chức.
Cũng tại dự thảo Thông tư, mức thù lao của các thành viên BQT nhà chung cư do các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư đóng góp theo quyết định của hội nghị nhà chung cư.
“Hội nghị nhà chung cư có thể tham khảo mức lương tối thiểu vùng theo quy định của nhà nước để xem xét, quyết định về mức thù lao tương xứng với trách nhiệm, nghĩa vụ của các thành viên BQT trên cơ sở điều kiện cụ thể của từng tòa nhà, cụm nhà chung cư và từng địa phương, trừ trường hợp thành viên BQT từ chối nhận thù lao”, dự thảo Thông tư nêu.