Dù tàn bạo, đội quân Mông Cổ cũng không làm việc này ngay cả khi thống nhất Trung Nguyên
Thế kỷ thứ 13 sau công nguyên là thời đại huy hoàng nhất của người Mông Cổ. Trải qua nhiều năm chinh phạt, dân tộc này đã thành lập một đế quốc với diện tích lãnh thổ trải dài trên hai lục địa Á Âu.
Năm 1260, Hốt Tất Liệt kế thừa vương vị Đại Hãn, nhưng lại dẫn tới tình trạng đế quốc bị chia cắt. Tứ đại hãn quốc lần lượt thoát khỏi phạm vi cai trị của vị Đại hãn mới này.
Sau đó, Hốt Tất Liệt tiếp tục nam chinh bắc chiến. Năm 1271, ông đổi quốc hiệu thành Đại Nguyên.
Đến năm 1279, vị Hoàng đế của chính quyền Nam Tống nhảy xuống biển tự vẫn, Nguyên triều chính thức nhất thống Trung Nguyên và trở thành vương triều đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa không do người Hán thành lập.
Sự hiếu chiến và khả năng chiến đấu của đội quân này được thể hiện qua câu nói: "Vó ngựa Mông Cổ đi đến đâu, cỏ không mọc được đến đấy". (Tranh minh họa).
Dù đã thất bại 3 lần trên lãnh thổ Đại Việt, nhưng đội quân Mông Cổ năm xưa vẫn khiến nhiều quốc gia thời bấy giờ khiếp sợ trước sức chiến đấu kinh hoàng cùng sự tàn bạo của mình.
Tuy vậy, có một hành động mà đội quân khét tiếng hung bạo ấy chưa bao giờ làm, nhưng lại trở thành thói quen của không ít người thời hiện đại. Đó là việc ăn thịt chó.
Tập tục bắt nguồn từ cuộc sống trên thảo nguyên
Sau khi thành lập Nguyên triều, Hốt Tất Liệt đã tiến hành rất nhiều cải cách, nhưng vẫn duy trì một quy định hay nói chính xác hơn là thói quen tồn tại từ khi còn sống trên thảo nguyên của dân tộc Mông Cổ - không ăn thịt chó.
Theo đó, từ dân thường cho đến binh lính, vua quan, tất cả đều nói không với loại thực phẩm này.
Người Mông Cổ là dân tộc sinh sống trên các đồng cỏ, có rất nhiều thói quen bất đồng với người Hán. Tập tục không ăn thịt chó cũng là một trong số đó.
Sử cũ có ghi, dưới thời nhà Tống, chó được chia thành 3 loại, trong đó có 1 loại chuyên để giết thịt. Điều này chỉ rõ người Hán đã có thói quen sử dụng loài động vật này làm thức ăn.
Trong khi đó, người Mông Cổ trước khi tiến vào Trung Nguyên vẫn chủ yếu sống trên thảo nguyên nhờ vào lối sống du mục và đi săn. Cả hai hình thức sinh tồn này đều không thể tách rời sự trợ giúp từ loài chó.
Xuất phát điểm là bộ tộc sống trên thảo nguyên đã khiến người Mông Cổ hình thành thói quen không ăn thịt chó. (Tranh minh họa).
Với bộ tộc không dựa vào nông canh như người Mông Cổ mà nói, chó là công cụ sản xuất quan trọng hơn nhiều so với trâu. Loài vật ấy vừa là vệ sĩ giúp họ trông chừng bầy dê, lại vừa là người lính tuần tra chuyên tiên phong tìm kiếm con mồi.
Hơn nữa, loài chó vốn hết sức thông minh. Chúng có thể tìm được một con dê đã mất hay người thợ săn lạc đường dưới trời mưa tuyết.
Đây cũng là lý do mà loài vật này từ sớm đã trở thành bạn đồng hành không thể thiếu của những người dân du mục.
Vì vậy, địa vị của chó trên thảo nguyên ở vị trí rất cao. Đối với người Mông Cổ, chưa nói tới việc ăn thịt chó, ngay cả đánh chó, mắng chó cũng là những hành vi bị nghiêm cấm tuyệt đối.
Mâu thuẫn trong quan niệm văn hóa với người Hán
Sau khi tiến vào Trung Nguyên, tộc người Mông Cổ vốn sùng bái văn hóa cưỡi ngựa bắn cung nên đã nảy sinh nhiều bài xích và kỳ thị với văn hóa Hán tộc.
Đó cũng là lý do mà vào thời kỳ đầu, cơ cấu chính trị của Nguyên triều được phát triển từ thể chế cũ của Liêu, Kim. Trang phục ăn vận của hoàng tộc cũng không thay đổi nhiều so với thời kỳ Thiết Mộc Chân.
Việc duy trì tập tục không ăn thịt chó cũng bắt nguồn từ sự bất đồng trong quan điểm văn hóa của tộc người này đối với người Hán.
Khác với người Hán, chó là một loại sinh vật có địa vị cao trong quan niệm văn hóa của người Mông Cổ. (Tranh minh họa).
Có lẽ, bởi thời gian thống trị của vương triều này quá ngắn, chỉ vẻn vẹn có 87 năm, người Mông Cổ vốn bận rộn với những cuộc chiến tranh đã chưa kịp hấp thu những tân tiến trong văn hóa Hán tộc.
Cho tới khi bị Chu Nguyên Chương đem quân đánh bại, dân tộc này vẫn chưa kịp thay đổi thói quen ăn uống của mình.
Ngày nay, tại Trung Quốc nói riêng, ăn thịt chó vẫn là một thói quen phổ biến. Dù vấp phải không ít sự phản đối của dư luận, nhưng những quán thịt chó vẫn liên tục mọc lên ở đất nước đông dân này, thậm chí còn có địa phương xuất hiện "lễ hội giết chó".
So với vương triều nổi tiếng hung bạo như nhà Nguyên trước kia, thói quen ăn thịt, giết chó, trộm chó xảy ra nhan nhản ở Trung Quốc ngày nay quả thực có phần thiếu nhân văn hơn nhiều.
Trần Quỳnh