Du lịch golf Việt Nam có nhiều tiềm năng hút khách quốc tế
Đây là thông tin được PGS.TS Trần Hiếu, Viện trưởng Viện Khoa học Thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục Thể thao, Bộ VH-TT&DL) đưa ra tại Hội thảo "Du lịch Golf Việt Nam: Tiềm năng và thách thức" do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam tổ chức ngày 1/4.
Du lịch golf là dòng sản phẩm du lịch cao cấp có khả năng thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao. Ảnh: Báo Hà Nội mới |
Theo ông Hiếu, hiện nay Việt Nam đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động và đến 2025 sẽ có 200 sân golf 18 hố đi vào hoạt động (mỗi tỉnh hiện nay đều đang lên kế hoạch xây dựng 10-15 sân golf). Các sân golf tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẳng cấp - đều do những golfer nổi tiếng thế giới thiết kế, có sự khác biệt dựa trên lợi thế về đặc điểm địa hình và các giá trị tài nguyên thiên nhiên, văn hóa để hấp dẫn khách du lịch yêu thích chinh phục nhiều sân golf độc đáo, nhiều thách thức và trải nghiệm khác biệt.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để có thể thu hút thị trường, phát triển du lịch golf. Phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới.
Từ đây, PGS.TS Trần Hiếu đề xuất, cần xây dựng, hoàn thiện các chế độ, chính sách đầu tư, kinh doanh dịch vụ môn golf ở Việt Nam;
Hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất; tăng cường chất lượng phục vụ của các sân golf và các hoạt động của môn golf, đặc biệt là tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, nghiệp dư. Bên cạnh đó, ngành du lịch cần tăng cường xúc tiến quảng bá về điểm đến golf chất lượng ở Việt Nam;
Xây dựng các gói sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng, hấp dẫn từ sự kết hợp giữa sân golf với các hãng lữ hành; tăng cường mối quan hệ đối tác, hợp tác liên kết với các nước có thế mạnh du lịch golf để thu hút thị trường theo quan điểm đôi bên cùng có lợi…
Ông Trịnh Thành, Trưởng Ban thi đấu Hiệp hội du lịch golf Việt Nam cũng đề xuất xây dựng nhiều sản phẩm kết hợp phát triển với các ngành du lịch, tạo nên những gói dịch vụ kết hợp du lịch golf, du lịch nghỉ dưỡng, thu hút du khách trong và ngoài nước hướng tới sự chuyên nghiệp và đẳng cấp.
"Du lịch golf cần sự kết nối của các công ty lữ hành với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... Cùng đó, loại hình này cũng cần tăng cường sự kết nối, giao lưu giữa các câu lạc bộ golf...", ông Trịnh Thành nói.
Cùng chia sẻ quan điểm, bà Lê Thanh Hòa, Giám đốc điều hành Công ty Du lịch Good Feeling Việt Nam đưa ra thêm một số giải pháp như: Coi các doanh nghiệp golf như doanh nghiệp du lịch, quảng bá du lịch golf trong các sự kiện xúc tiến quảng bá du lịch Việt Nam ở các thị trường du lịch trọng điểm…
Nâng cao hiệu quả phát triển du lịch golf được coi là hướng đi phù hợp trong chiến lược khôi phục ngành du lịch trước những tác động của đại dịch COVID-19. Việc phát huy những lợi thế, tiềm năng để phát triển du lịch golf sẽ là một đột phá trong phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam trong những năm tới.
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để phát triển golf hiệu quả cần có chiến lược lâu dài và mang tính tổng thể chung cho tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp golf sẽ cần bàn bạc với nhau cụ thể, chi tiết, đồng thời cần có sự liên kết để tạo thành một hệ thống, trên cơ sở luôn coi golf là một thế mạnh của Việt Nam để phát triển.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu thị trường golf của Việt Nam (tùy vào năng lực, định hướng của từng doanh nghiệp để phát triển các loại hình khách khác nhau như nhóm khách ưu tiên và nhóm khách du lịch thông thường gắn với chơi golf…); tăng thêm những dịch vụ đi kèm theo golf… Việc phát triển golf cần được nghiên cứu, phát triển theo lộ trình và có kế hoạch phát triển rõ ràng.