Du học sinh Lào: “Đà Nẵng là quê hương thứ 2 của chúng tôi”
Rời xa gia đình, đến Việt Nam với ước mơ của chính bản thân và trách nhiệm học tập để trở về xây dựng địa phương, các du học sinh Lào gặp không ít khó khăn từ ngôn ngữ, văn hóa. Thế nhưng cũng chính từ mảnh đất Đà Nẵng, nơi mỗi năm đón hơn 400 du học sinh Lào theo học ở các trường thành viên của ĐH Đà Nẵng, các sinh viên Lào đã được các thầy cô giáo, các bạn sinh viên Việt Nam giúp đỡ nhiệt tình. Từ đó, “Chúng tôi xem Đà Nẵng là quê hương thứ 2 của mình”, Lattanabouavone Butdy, Chủ nhiệm Hội sinh viên Lào tại TP. Đà Nẵng chia sẻ.
Tiếng Việt: “Phong ba bão táp” với du học sinh Lào
Anh Chanthakhan Phimmasone (SN 1983, đến từ tỉnh Champasack - Lào), dù là lưu học sinh Lào thừa nhận vẫn đang cố gắng học tiếng Việt mỗi ngày. (Ảnh: HP)
Gặp gỡ anh Lattanabouavone Butdy, du học sinh Lào đại diện phát biểu trong ngày kỷ niệm 40 ký kết hữu nghị và hợp tác Việt – Lào, nhiều người ngạc nhiên bởi sự tự tin và khả năng nói tiếng Việt lưu loát của anh.
Thế nhưng, chia sẻ về những khó khăn của bản thân anh khi học tập tại Đà Nẵng, Butdy vẫn phải “thú nhận” kể: “Học tiếng Việt giao tiếp với mình khá dễ dàng thế nhưng học chuyên ngành thì lại có nhiều khó khăn hơn cả. Những từ chuyên ngành nhiều khi khiến mình lớ ngớ phải nhờ các thầy cô, bạn bè xung quanh, từ đó mình tiếp thu được bài giảng”.
Không may mắn như anh Butdy, nhiều du học sinh như anh Chanthakhan Phimmasone (SN 1983, đến từ tỉnh Champasack - Lào), dù là lưu học sinh năm thứ 2, bậc Cao học ngành Quản lí giáo dục tại trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, anh vẫn chỉ có thể nói tiếng Việt ngắt quãng, chỗ nào bí, Khan chỉ biết cười trừ.
Cùng tình cảnh này, anh Saiyavong (SN 1987, đến từ tỉnh Salavan, Lào) sinh viên năm 1 bậc Cao học ngành Phương pháp toán sơ cấp tại trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng, chia sẻ, tính đến nay anh đã ở Việt Nam 3 năm nhưng anh “tự tin” mình chỉ nói được 10% tiếng Việt.
“Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam quả thật đúng, chính vì vậy, mỗi ngày các bạn du học sinh Lào đều phải học từ bạn bè Việt Nam, từ thầy cô để cố gắng thực hiện đúng chương trình học”,
Nhận Đà Nẵng làm quê hương
Khó khăn là vậy, nhưng khi hỏi về mảnh đất mọi du học sinh Lào đang gắn bó, ai cũng hào hứng: “Học ở đây (Đà Nẵng – PV), khí hậu không khắc nghiệt như ở Lào; giá cả, chi phí cũng rẻ hơn ở Lào nên mình và các bạn rất thích. Với lại, ở đây thuê xe máy cũng thuận tiện nên sinh viên Lào có nhiều điều kiện đi lại, tìm hiểu về Đà Nẵng” – Saiyavong cho biết.
Anh Butdy chia sẻ: “Đây là năm thứ 3 tôi sống và học tập tại Đà Nẵng, thành phố rất xinh đẹp, hiền hòa. Tôi rất thích nơi này bởi từ thầy cô đến các bạn Việt Nam đều nhiệt tình giúp đỡ các du học sinh Lào. Tôi xem đây là quê hương thứ 2 của mình và tôi tin nhiều bạn sinh viên Lào cũng có chung cảm xúc như tôi”.
Sinh viên Lào tại Đại học Kinh tế Đà Nẵng
Anh bạn Khan nói tiếng Việt lõm bõm cũng hào hứng cho hay: “Không giỏi tiếng Việt nhưng bù lại tôi và các bạn sinh viên Lào nhận được sự chỉ bảo tận tâm của những giảng viên ở trường. Trong suy nghĩ của những lưu học sinh Lào như Khan, những cô giáo, thầy giáo người Việt giảng dạy cho sinh viên Lào giống như những người mẹ, người cha. Các thầy cô giáo rất tận tình chỉ dạy. Chỗ nào không hiểu thì hỏi lại cô giáo. Nếu ở trên lớp không có thời gian hỏi thì về nhà hỏi qua điện thoại, nói chuyện qua mạng xã hội nhờ cô giảng giải thêm”.
Còn với anh Saiyavong, được bố trí sống tại kí túc xá cùng các bạn sinh viên Việt Nam là một trải nghiệm thú vị. Mỗi khi Saiyavong và các bạn người Lào bắt chuyện để mở mang kiến thức hay đơn giản là học tiếng Việt, các bạn đều nói chuyện rất vui. Có từ nào, câu nào không hiểu, Saiyavong nhờ các bạn giải thích. “Có những buổi trưa hay buổi tối, hành lang kí túc xá luôn rộn ràng vì các bạn sinh viên Việt Nam và sinh viên Lào trò chuyện, trao đổi cùng nhau. Đó chắc là kỷ niệm không bao giờ quên về tình cảm của các bạn dành cho chúng tôi” – Saiyavong nói.
“Mỗi du học sinh Lào đặt chân đến với Việt Nam, dù là học tập ở Hà Nội, TPHCM hay Đà Nẵng, dù còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ, thế nhưng chúng tôi đã và đang nhận được những tình cảm nồng nhiệt từ các bạn”, anh Butdy chia sẻ.
Theo Báo Lao Động