Đông Nam Á: Miếng bánh thơm ngon của các ông lớn TMĐT Trung Quốc
Nhà sáng lập Isaac Ho của Venturecraft Group tại Singapore hoàn toàn bất ngờ khi một tỷ phú người Trung Quốc bất ngờ mua lại startup về y tế mà ông đang có ý định nhắm tới. Nguyên nhân rất đơn giản, vị tỷ phú này chấp nhận mức giá cao hơn rất nhiều cho dù con số đó có lẽ không thực tế. Đây cũng chính là lúc ông Ho nhận ra ngành công nghệ tại Đông Nam Á đang dần thay đổi.
“Đây là thời điểm tôi hiểu ra chiến lược của các công ty công nghệ Trung Quốc. Bạn sẽ trở nên lỗi thời nếu không phải là công ty số 1. Nếu bạn đã là doanh nghiệp số 1 thì bạn có thể mua bất kỳ công ty công nghệ mới nào. Đây là cuộc chơi mà người thắng có tất cả”, ông Ho ngậm ngùi nói.
Những tập đoàn lớn của Trung Quốc như Alibaba, Tencent, Didi Chungxing đều trở thành những người khổng lồ trong ngành công nghệ thông qua hàng loạt các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Thậm chí Alibaba và Tencent hiện đã đứng trong top 10 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất hành tinh. Trong khi đó hãng Didi đã vượt qua Uber tại thị trường Trung Quốc cách đây 5 năm nhờ chiến lược vung tiền M&A vô tội vạ.
Hiện nay, khi thị trường Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và bão hòa, những tập đoàn công nghệ lớn này chuyển hướng tập trung sang các quốc gia khác và mục tiêu mới nhất không gì khác ngoài Đông Nam Á, khu vực có dân số nhiều gấp đôi Mỹ và có cộng đồng người gốc Trung nhiều nhất trên toàn cầu.
Số liệu của PwC cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào mảng công nghệ ở nước ngoài trong năm ngoái đã tăng gấp đôi lên 37,8 tỷ USD. Trong số đó, Alibaba bỏ 1 tỷ USD năm 2016 để mua Lazada, WeChat của Tencent đang nhắm tới Go Jek của Indonesia, còn Didi thì đã hợp tác với Grab.
Theo Gobi Partner, những tập đoàn công nghệ Trung Quốc không còn chỉ khao khát là công ty lớn nhất nước mà còn muốn trở thành ông lớn trên thế giới.
Từ nhiều thập niên trước đây, Trung Quốc đã mong muốn trở thành cường quốc về kinh tế. Những tỷ phú, triệu phú của nước này đã đổ hàng tỷ USD vào mọi thứ, từ lĩnh vực giao thông đến bất động sản trong khu vực. Số liệu của Credit Suisse cho thấy Trung Quốc đã tăng gấp đôi lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào 6 nước Đông Nam Á năm 2016.
Mặc dù trong số đó, lượng tiền đổ vào công nghệ chưa nhiều nhưng với sự trỗi dậy của mảng điện thoại di động và một tầng lớp trung lưu nổi lên, các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đang ngày càng coi trọng Đông Nam Á.
Khu vực này có tỷ lệ người gốc Hoa nhiều nhất trên thế giới và đây là một lợi thế không thể chối cãi cho các nhà đầu tư Trung Quốc. Trong khi đó, báo cáo của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) cũng cho thấy tăng trưởng của 5 nước ASEAN gồm Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam sẽ vượt 5% từ nay đến năm 2022, cao hơn nhiều mức bình quân 3% của Bắc Á.
Chuyên gia công nghệ Yossi Vardi cho biết những động thái của các công ty Trung Quốc như Alibaba khiến ông nhớ lại nước Mỹ những năm 60-70. Khi đó, các tập đoàn Mỹ đua nhau hướng ra thị trường toàn cầu để tăng trưởng và rất nhiều trong số đó trở thành những công ty đa quốc gia.
Giám đốc chiến lược đầu tư Grace Xia của Tencent nhận định cơ hội kinh doanh tại Đông Nam Á là vô cùng lớn khi tăng trưởng ở đây nhanh và người tiêu dùng có nhiều điểm tương đồng so với thị trường Trung Quốc.
Trong số các tập đoàn Trung Quốc, Alibaba đang là công ty tích cực đầu tư vào Đông Nam Á nhất. Ngoài việc mua lại Lazada, mới đây CEO Jack Ma đã tuyên bố biến Malaysia trở thành trung tâm logistics đầu tiên của hãng trên thế giới nằm ngoài lãnh thổ Trung Quốc.
Ngoài ra, dịch vụ tài chính trực tuyến lớn nhất của Trung Quốc và cũng là chi nhánh của Alibaba, Ant Financial mới đây cũng đã hợp tác với tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan và Emtek của Indonesia nhằm tấn công vào mảng ngân hàng.
Tuy nhiên, không phải nhà đầu tư nào cũng hoan nghênh làn sóng đổ bộ của các công ty Trung Quốc. Hãng Monk’s Hill Ventures nhận định việc Trung Quốc đổ tiền vào Đông Nam Á khiến nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm gặp khó, nhất là những quỹ thiếu vốn.
Bên cạnh đó, những xung đột về sắc tộc tại Malaysia và Indonesia cũng khiến việc đầu tư của Trung Quốc trở nên rủi ro hơn khi người bản địa lo ngại những công dân gốc Hoa thiểu số đang đe dọa đến lợi ích của họ.
BT