Đồng Nai tăng cường nhận thức cho cộng đồng về Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
Theo thông tin được Sở LĐ-TBXH Đồng Nai chia sẻ tại hội nghị đối thoại Hội đồng An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2022 diễn ra cuối tháng 8 vừa qua. Trước thực trạng trên, thành viên trong Hội đồng ATVSLĐ của tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng TNLĐ trong thời gian tới.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động
Phó trưởng phòng Chính sách lao động, Sở LĐ-TBXH Đồng Nai ông Lê Hồng Quang cho biết, qua các đợt kiểm tra ATVSLĐ tại nhiều DN cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNLĐ là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và thiết bị sản xuất không đảm bảo an toàn lao động. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động không chú trọng huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ cho người lao động. Đối với người lao động còn chủ quan, vi phạm quy trình, quy chuẩn kỹ thuật an toàn lao động…
: Đoàn kiểm tra liên ngành của Đồng Nai kiểm tra công tác an toàn vệ sinh lao động tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. |
Ngoài những bất cập trong đảm bảo ATVSLĐ ở các nhà máy, DN, ở lĩnh vực xây dựng cũng đang là ngành dễ xảy ra TNLĐ.
Theo Sở Xây dựng, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở đã chủ trì cùng với các đơn vị kiểm tra công tác ATVSLĐ tại 8 công trình xây dựng và 6 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng. Qua đó cho thấy sự cố mất an toàn lao động gây thiệt hại về người còn ở mức cao so với ngành nghề khác. Nguyên nhân, do một số nhà thầu thi công chưa quan tâm công tác ATVSLĐ. Ngoài ra, lao động trong lĩnh vực xây dựng đa số là lao động thời vụ, ít được đào tạo nghề nên ý thức về chấp hành quy định ATVSLĐ không cao, dẫn đến TNLĐ vẫn xảy ra. Sở đã xử lý các đơn vị tham gia hoạt động xây dựng có sai phạm hoặc thiếu sót trong quá trình thi công xây dựng.
Ở lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và sử dụng hóa chất, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 130 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất và hàng ngàn cơ sở hoạt động sử dụng, tồn trữ hóa chất tập trung. Do tính nguy hiểm của hóa chất dễ cháy, nổ nên gây nguy cơ về sự cố hóa chất, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều cơ sở sử dụng hóa chất nguy hiểm, chưa đáp ứng các điều kiện quy định về cơ sở vật chất. Mặc dù hằng năm, Sở Công thương tổ chức xây dựng các phương án và triển khai diễn tập ứng phó song việc quản lý, kiểm tra, giám sát và ứng phó sự cố hóa chất còn nhiều hạn chế, chưa kiểm soát được toàn diện.
Theo các thành viên trong Hội đồng ATVSLĐ tỉnh, để giảm thiểu TNLĐ, cần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về ATVSLĐ và tuyên truyền, huấn luyện an toàn lao động, cải thiện điều kiện làm việc cho cả người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời, tăng cường các đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở lao động để phát hiện các sai phạm và xử phạt, điều chỉnh kịp thời. Các DN cần thực hiện nghiêm Luật ATVSLĐ và các tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật liên quan đến máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Với người lao động, tham gia các lớp huấn luyện an toàn lao động, khám bệnh nghề nghiệp và sức khỏe định kỳ do DN tổ chức.
Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, để đảm bảo ATVSLĐ, các sở, ngành trong tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn công tác này trên từng lĩnh vực quản lý cho các đơn vị, DN trong tỉnh, đặc biệt là về vai trò quan trọng của Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động. Với DN, cần củng cố, kiện toàn bộ phận ATVSLĐ, giao trách nhiệm từng thành viên phụ trách, đảm bảo hoạt động hiệu quả, đúng quy định, không nên thành lập để đối phó với các đoàn thanh tra, kiểm tra của tỉnh. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra thiết bị máy móc, cảnh báo nguy hiểm, nhắc nhở công nhân trang bị bảo hộ lao động để hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
PV