Đồng Nai phản ứng dự án đường xuyên rừng Cát Tiên
Việc mở đường “chọc” vào Vườn quốc gia Cát Tiên có thể ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vườn. Trong ảnh: Các lâm tặc bị bắt trong một vụ phá rừng Cát Tiên.
UBND tỉnh Đồng Nai vừa kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét lại việc đầu tư, thực hiện dự án cải tạo, xây dựng đường giao thông trong vùng lõi Vườn quốc gia Cát Tiên qua xã Đắc Lua, huyện Tân Phú (Đồng Nai).
Cụ thể, UBND tỉnh này kiến nghị Bộ NN&PTNTphối hợp với tỉnh để giải quyết việc không đồng bộ giữa quy hoạch các phân khu rừng đặc dụng của tỉnh và quy hoạch của vườn Cát Tiên, tính khả thi của việc làm đường. Trong khi chờ ý kiến của Bộ NN&PTNT, tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị vườn Cát Tiên chưa triển khai dự án làm đường trên.
Phản đối đường “chọc” vào vườn quốc gia
Theo dự án, tuyến đường trong vùng lõi vườn Cát Tiên sẽ dài hơn 18 km, rộng 6 m, chạy dọc theo sông Đồng Nai từ Trạm Kiểm lâm Đà Cộ đến Trạm Kiểm lâm Đắc Lua. Theo UBND tỉnh Đồng Nai, tuyến đường dự kiến làm nằm trong khu vực vùng lõi vườn Cát Tiên, được bảo vệ nghiêm ngặt. Ở khu vực này chỉ được làm đường mòn rộng không quá 1,5 m.
Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn cho rằng dự án làm đường trong vùng lõi vườn Cát Tiên nêu trên là chưa cần thiết, chưa mang tính cấp bách. Bởi vì tuyến đường thiết kế cặp theo đoạn sông vốn đã thuận lợi cho việc tuần tra, bảo vệ rừng bằng đường thủy.
Theo tính toán, để làm đường phải vạt hơn 10 ha rừng và đất lâm nghiệp. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái rừng, chia cắt rừng tự nhiên với sông Đồng Nai làm mất sinh cảnh tự nhiên của rừng, gây cản trở đến hoạt động của các loài thú, nhất là trong việc tìm kiếm thức ăn, nước uống.
Tỉnh Đồng Nai còn cho rằng vườn Cát Tiên nằm trong vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, đang trong thời gian hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO đề nghị công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. “Nếu mở đường sẽ ảnh hưởng đến sự tồn tại bền vững của Vườn quốc gia Cát Tiên và không phù hợp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh nêu.
Việc mở đường “chọc” vào Vườn quốc gia Cát Tiên có thể ảnh hưởng đến phát triển bền vững của vườn. Trong ảnh: Các lâm tặc bị bắt trong một vụ phá rừng Cát Tiên. Ảnh: MP
“Làm đường ven hồ Trị An là phù hợp”
Đồng thời với việc phản đối trên, UBND tỉnh Đồng Nai cũng vừa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDCO nghiên cứu, lập báo cáo đầu tư dự án xây tuyến đường ven hồ Trị An thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai.
Theo dự án, tuyến đường này dài khoảng 30 km, có mục tiêu cơ bản là tạo đường dân sinh, ổn định đời sống dân cư và biến tuyến đường ĐT 761 (được xây dựng trước đó chưa lâu với giá trị hàng trăm tỉ đồng) thành đường nội bộ của khu bảo tồn… Công ty Cường Thuận còn cho rằng dự án đảm bảo công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và gắn liền với việc tôn tạo di tích lịch sử, phát triển hoạt động du lịch sinh thái hồ Trị An. “Qua khảo sát ban đầu cho thấy dự án này không ảnh hưởng nhiều đến rừng” - ông Trần Như Hoàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cường Thuận, trả lời Pháp Luật TP.HCM vào chiều 17-12.
Ông Trần Văn Mùi, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho biết dự án xây đường ven hồ Trị An do khu bảo tồn đề xuất. “Diện tích rừng sẽ không bị ảnh hưởng nhiều do khu vực đường đi qua chủ yếu là cây thưa thớt, đã có sẵn đường mòn” - ông Mùi nói.
Ông Trần Văn Khoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu: Đường ven hồ Trị An không có trong quy hoạch giao thông của tỉnh nhưng sẽ được bổ sung. Chúng tôi chỉ thực hiện theo chủ trương, còn trách nhiệm quản lý thuộc khu bảo tồn. Ông Đặng Hồng Tăng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai: Về cơ bản, Sở NN&PTNT thống nhất với việc làm đường ven hồ Trị An. Tuyến đường 761 đi xuyên qua Khu bảo tồn Vĩnh Cửu về lâu dài sẽ tác động xấu đến việc phát triển bền vững của khu bảo tồn. Do vậy, việc xây dựng tuyến đường mới để thay thế đường 761 là cần thiết. Hơn nữa việc xây dựng tuyến đường mới còn góp phần ổn định đời sống cho hơn 700 hộ dân tại khu bảo tồn. |
Quang Minh
Pháp Luật TP.HCM