Đối thoại bằng nhân nhượng, thiện chí là tính thời đại của quan hệ Mỹ-Triều Tiên
PGS.TS Lê Văn Cương
PGS đánh giá như thế nào về sự “nồng ấm” mang tính đột phá trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên thời gian qua?
Ông Lê Văn Cương: Nói đến mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên hiện nay, chúng ta phải nhớ lại năm 2017.
Đó là đỉnh điểm căng thẳng của quan hệ hai bên. Sau khi kết thúc chiến tranh Mỹ-Triều Tiên năm 1953 đến năm 2016, nó luôn trong trạng thái chiến tranh lạnh. Năm 2017, quan hệ Mỹ Triều được đẩy lên cao trào. Nó đẩy lên cao trào vì ngày 26/9/2017 tại diễn đàn Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố: Hoa Kỳ có đầy đủ phương tiện, điều kiện để hủy diệt Triều Tiên.
Một Tổng thống của một quốc gia khác tuyên bố hủy diệt 25 triệu người Triều Tiên là chuyện động trời. Đại hội đồng Liên Hợp quốc hoạt động bắt đầu từ 10/1945 đến trước thời điểm tháng 9/2017, chưa có Tổng thống nào dám tuyên bố như ông Trump. Ngay cả đối với chính quyền Mỹ, những đời Tổng thống Mỹ trước ông Trump cũng chưa bao giờ đe dọa dùng bom nguyên tử hủy diệt.
Đáp trả, ông Kim Jong-un cũng tuyên bố: Triều Tiên có thể hủy diệt nước Mỹ. Và ông Kim Jong-un đã không nói đùa. Hành động cụ thể là tháng 12/2017, Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo. Quả tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, được biết, tầm bay 4.700 km, độ cao bay 7.500 km…
Cái bắt tay lịch sử của quan hệ Mỹ - Triều Tiên
Vậy, bước ngoặt của quan hệ này được hiểu như thế nào, thưa PGS?
Ông Lê Văn Cương: Năm 2018, quan hệ Mỹ-Triều Tiên thay đổi mang tính bước ngoặt. Bắt đầu từ việc ông Kim Jong-un bắt tay, ôm hôn người đồng cấp, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Triều Tiên cử 1 đoàn cán bộ cấp cao sang thăm Hàn Quốc bằng việc tham dự đại hội thể thao Olympic. Sau cuộc gặp của hai người đồng cấp Liên Triều thì ông Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tiếp theo đó, như chúng ta đã chứng kiến, cái bắt tay của Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo tối cao Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore là hình ảnh đẹp, mang tính bước ngoặt quyết định, khẳng định sự “nồng ấm” của mối quan hệ Mỹ-Triều Tiên.
Từ năm 1953 đến trước cuộc gặp ở Singapore, chưa bao giờ có việc 2 người đứng đầu nước Mỹ-Triều Tiên gặp nhau chứ chưa nói đến việc họ bắt tay nhau; ôm hôn nhau. Chứng kiến cảnh đó, thế giới thở phào nhẹ nhõm.
Theo ông, tính thời đại và thông điệp trong quan hệ Mỹ-Triều Tiên chuyển tải trong năm 2018 là gì?
Ông Lê Văn Cương: Quan hệ Mỹ-Triều Tiên năm 2018 để lại dấu ấu đặc biệt đối với thế giới. Nó đặc biệt bởi sự hòa dịu trên tinh thần hợp tác. Sự bảo vệ lợi ích chung trên tư thế hợp tác, đối thoại, nhân nhượng và thiện chí.
Phải khẳng định rằng, một phía tiến bộ thì không thể được, sự tiến bộ này đến từ cả hai phía. Triều Tiên chìa tay ra, thì Mỹ lập tức hưởng ứng. Vì thế, đối thoại không bao giờ là một phía được. Bước ngoặc trên do cả 2 phía Mỹ-Triều Tiên cùng tạo ra, cùng mong muốn. Khách quan nhìn nhận thì Triều Tiên là bên tạo ra các tình huống để tiếp cận. Như việc sang Hàn Quốc dự đại hội thể thao Olympic; cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo liên Triều…Tiếp theo là động thái của ông Moon Jae-in với Tổng thống Donald Trump đặt vấn đề đối thoại với Triều Tiên. Ông Donald Trump đã sẵn sàng hợp tác đối thoại. Thực tế, nếu Mỹ làm căng với Triều Tiên cũng không được gì cả. Ngược lại, Triều Tiên làm căng với Mỹ cũng chẳng đem lại lợi ích gì. Kéo căng thẳng lâu hơn, đe dọa nhau cũng không thể làm gì, nên hai nước đối thoại cũng vì bảo vệ lợi ích chung của họ.
Từ năm 1953 đến năm 2017, Mỹ - Triều Tiên sống trong bờ vực chiến tranh lạnh. Mỹ nói Triều Tiên là hiếu chiến, bất ổn, coi là kẻ thù của nước Mỹ. Họ coi nhau là kẻ thù nhiều năm mà năm 2018 bắt tay nhau là là thông điệp rất ý nghĩa gửi đến thế giới. Đó là bất kỳ nước nhỏ, nước lớn có mâu thuẫn, bất đồng đều cần đối thoại chứ không phải đối đầu.
Trong quan hệ quốc tế, dù có khó khăn bao nhiêu thì vẫn có con đường giải quyết bất đồng, bất hòa bằng đối thoại và thái độ thiện chí.
Sự thân thiện của lãnh đạo Triều Tiên mang đến hy vọng hoà giải, hoà hợp dân tộc trên bán đảo Triều Tiên
Liên tiếp các hành động hàn gắn quan hệ liên Triều đem đến hy vọng, liên Triều thực hiện thành công hòa giải, hòa hợp dân tộc. Nếu thành hiện thực, theo ông, sự kiện đó chứa đựng thông điệp gì?
Ông Lê Văn Cương: Những hành động của năm 2018 chỉ là mở đầu. Toàn bộ sự hợp tác, hòa giải hai miền Triều Tiên năm 2018, chẳng qua chỉ là bản dạo nhạc, chưa đến bản chính, hay còn gọi là chạy demo, chưa đi vào mục chính. Để thực hiện hòa hợp, hòa giải dân tộc liên Triều, con đường phía trước còn dài.
Bởi việc thống nhất của họ không chỉ 2 miền quyết định được, do yếu tố bên ngoài chi phối có tính quyết định. Cho nên việc hứa hẹn, hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng, văn hóa… cũng chỉ là bước đầu.
Tôi khẳng định lại, con đường thống nhất của họ bị chi phối bởi nhân tố ngoài Triều Tiên và Hàn Quốc.
Trân trọng cảm ơn ông!
Quế Ngân (thực hiện)