Độc đáo Tết hoa Mào gà của người Cống
Theo quan niệm, hoa Mào gà nở nhiều và đẹp báo hiệu bà con người Cống sẽ đón một năm mới no ấm. |
Năm nay hoa nở rực rỡ, bà con hân hoan với kỳ vọng chào đón một năm mới đầy no ấm…
Mào gà "báo" Tết
Nhận lời mời của bà con đồng bào Cống, chúng tôi ngược ngàn lên biên giới Pa Tần, huyện Nậm Pồ (Điện Biên) những ngày cuối năm. Từ quốc lộ 4H, tiến sâu vào con đường trải bê tông uốn lượn là đến bản Lả Chà, nơi hơn 400 nhân khẩu đồng bào dân tộc Cống sinh sống.
Cơn gió lạnh từ bên kia biên giới thổi về báo hiệu trời chuyển đông. Ngay đầu bản, những bông hoa Mào gà còn “cõng” đầy sương sớm cùng khoe sắc thắm. Không giấu được niềm phấn khởi, ông Lù Văn Chanh, người có uy tín khoe: “Mào gà nở nhiều và đẹp thế này, chắc bà con lại đón năm mới ấm no rồi!”.
Tối hôm ấy, ngôi nhà của Trưởng bản Lò Văn Hán sáng đèn từ rất sớm. Từng nhóm người già trẻ, gái trai tay cầm đèn pin, lần lượt kéo đến trong tâm trạng phấn khởi. Chẳng mấy chốc gian nhà gỗ chật kín người. Mở đầu buổi họp bản, ông Hán đứng lên thông báo nội dung và phân công nhiệm vụ chuẩn bị Tết cho các thành viên.
“Năm qua, mùa màng thuận lợi, ngô lúa bội thu nên Tết này, người dân Lả Chà thống nhất mổ 2 con lợn, 5 con gà, cùng nhiều thực phẩm trong vườn để làm lễ. Trong đó, không thể thiếu hoa Mào gà. Bởi trong tâm thức của cha ông các thế hệ người Cống, loài hoa này là biểu tượng cho sự may mắn, tốt đẹp. Năm nào hoa nở nhiều, đẹp là mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu”, ông Hán nói.
Cũng như mọi năm, ông Lù Văn Chanh vẫn là người duy nhất chủ trì nghi lễ quan trọng trong cúng Tết hoa của bà con trong bản. Không chỉ lớn tuổi, được mọi người kính trọng, tin tưởng, ông Chanh còn nắm giữ nhiều nghi lễ và văn hóa đặc trưng của người Cống. Việc chuẩn bị mâm cúng được ông Chanh dành nhiều tâm sức chọn lựa từ những sản vật do bà con trong bản chuẩn bị.
Thầy mo thực hiện nghi thức phết huyết gà lên trán, với ý nghĩa giải hạn, cầu phúc cho từng thành viên trong gia đình. |
“Hầu như nhà nào cũng đem đồ lễ đến nên khó tránh khỏi việc trùng nhau. Vì thế tôi phải chọn lựa mỗi đồ một ít, sao cho đủ đại diện cho các gia đình và đa dạng nông sản bà con làm ra. Như thế vừa thể hiện lòng thành vừa trọn vẹn mong muốn của mọi người với cha ông, tổ tiên. Những năm gần đây đời sống bà con khấm khá hơn nhiều, nên đồ cúng lễ cũng đa dạng hơn”, ông Chanh chia sẻ.
Giống nhiều phụ nữ trong bản, chị Lò Thị Phưn nhận nhiệm vụ đi hái hoa Mào gà. Chị lựa chọn những bông hoa đẹp nhất, dày bông và đỏ thắm nhất mang về. Hoa Mào gà sẽ được trang trí khắp bản, từ lối đi, nhà văn hóa, tại mỗi gia đình… Đặc biệt, những bông “ưu tú” nhất sẽ được chị em tỉ mẩn tết các vòng hoa đội đầu, vòng tay, và đặt trên mâm cúng.
Đàn ông như anh Mào Văn Thủy sẽ được giao những việc nặng nhọc và quan trọng hơn. Ngoài hỗ trợ chuẩn bị cho lễ cúng chung của bản, anh Thủy sẽ vào rừng lấy tre và sắp xếp, đón thầy đến cúng cho gia đình. Ngoài ra, anh Thủy cũng là người trực tiếp mổ lợn, gà… và thực hiện các nhiệm vụ cần thiết theo hướng dẫn của thầy cúng.
Bà con trong bản vui hội trong tiếng cồng, chiêng. |
Nhà nhà vui rộn
Trong ngày đầu tiên của năm mới, thầy cúng đảm nhận trọng trách với nhiều nghi lễ tâm linh quan trọng. Sau lễ thức cúng bản, lễ chủ của mỗi gia đình sẽ đi hái hoa Mào gà về trang trí trên một cây tre cao làm lễ. Cây tre là nơi thầy cúng diễn xướng, thực hiện các nghi thức. Theo quan niệm, đây chính “cầu nối” giữa con cháu và ông bà tổ tiên.
Tối đến là thời điểm bản làng rộn ràng nhất khi nhà nhà bước vào phần hội. Trong không khí tưng bừng, rộn rã âm thanh của trống, chiêng, cả bản cùng hân hoan. Vừa nhảy múa, ca hát, bà con vừa tung các hạt giống thóc, ngô ra xung quanh, thể hiện ước muốn năm mới vạn vật sẽ sinh sôi, nảy nở. Càng về khuya, tiếng hát, lời ca và âm thanh các loại nhạc cụ càng vang vọng.
Sau một đêm vui, tưởng rằng bà con sẽ thấm mệt. Song ngược lại, ngay sáng sớm, từ các gia đình đã nhộn nhạo tiếng nói cười. Họ rủ nhau đến thăm, hỏi, chúc tụng từng nhà. Rồi cùng tựu lại ở bãi đất trống trong bản để vui các trò chơi dân gian, như: Bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, chọi cù…
Kéo co là trò chơi truyền thống không thể thiếu giúp khuấy động không khí tại Tết hoa mào gà. |
Tham gia cùng hội vui với bà con, Bí thư Đảng ủy xã Vàng Thị Vân kể: “Trước đây, cán bộ chúng tôi vẫn gọi vui đoạn từ trung tâm xã Pa Tần vào bản Lả Chà là “con đường đau khổ”. Bởi nắng thì bụi, mưa lại lầy, rồi dốc cao, trơn trượt… Đa phần phải đi bộ. Nhưng bây giờ đường lớn mở rồi, cầu kiên cố cũng đã khánh thành đưa vào sử dụng. Bà con lại đón thêm nhiều khách lạ vào vui Tết”.
Trong sương sớm, Lả Chà những ngày này hiện lên bình yên, no ấm. Những ngôi nhà nằm nép mình bên dòng Nậm Chà êm đềm. Đứng trên đỉnh một con dốc có thể bao quát được toàn bản, chúng tôi phấn khởi khi chứng kiến trong số 82 nóc nhà đã có thêm nhiều mái tôn xanh, đỏ phủ trên những thưng gỗ kiên cố, vững chắc.
Mặc cho ngoài trời sương giăng mờ mịt, những gian bếp vẫn rực lửa và rôm rả với câu chuyện năm cũ – năm mới gối nhau. Trưởng bản Lò Văn Hán tâm đắc, khoe: “Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí và đầu tư các công trình thủy lợi mà năm nay bản chúng tôi đã khai hoang được hơn 2ha ruộng nước. Lúa gieo cấy trên đất mới đều phát triển tốt nên thóc đầy thùng. Bà con cũng bắt đầu chuyển đổi sang phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm nên có thêm thu nhập”.
Rồi mọi người lại không quên nhắc chuyện năm qua cả bản đoàn kết, kéo nhau đi đắp đập, ngăn dòng dẫn nước về khai hoang, tưới mát cho những thửa ruộng bậc thang. Những ngày cắt cử nhau góp công sức cùng sửa đoạn đường, tuyến kênh bị sạt do mưa lũ... Nhà nào có con học tốt lại được tuyên dương, lấy đó làm gương động viên các gia đình khác bảo ban bọn trẻ học hành.
Phụ nữ người Cống ở Lả Chà tết các vòng hoa Mào gà để đội đầu. |
Theo quan niệm của người Cống, hoa Mào gà là biểu tượng của sự may mắn, tốt đẹp bởi vậy mà tổ tiên người Cống tổ chức Tết hoa Mào gà với mong muốn đón điều tốt đẹp, rực rỡ như hoa. Trong suốt những ngày Tết, phụ nữ Cống mặc các bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, cùng nhau hái về những bông hoa Mào gà đẹp nhất rồi họ tết hoa thành những vòng đội đầu, trang trí nhà cửa, bản làng. |
Hướng về cội nguồn
Trong tiếng Cống, Tết hoa mào gà được gọi là Mền loóng phạt ái, với ý nghĩa là nhằm tôn vinh, tri ân công đức những người đầu tiên lập bản, gần gũi nhất là tổ tiên mỗi gia đình, dòng họ. Đồng thời, cầu mong một năm mới nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm hơn.
Bà Vàng Thị Vân, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thông lệ hàng năm cứ vào trung tuần tháng 10 âm là Tết diễn ra. Thời điểm này mùa màng đã thu hoạch xong nên bà con có thể thoải mái vui Tết mà không phải lo lắng, bận rộn với công việc đồng áng.
Còn theo thầy cúng Lù Văn Chanh, Tết hoa mào gà trước đây thường kéo dài từ 3 - 4 ngày. Nhưng hiện nay chỉ tổ chức gói gọn trong 2 ngày và 1 đêm, để bà con sớm trở lại lao động sản xuất. Dẫu một số nghi lễ có tinh giản, thay đổi song Tết vẫn diễn ra, với 2 hoạt động quan trọng là phần lễ và hội.
“Nếu Tết chưa diễn ra thì không ai được phép đi phát nương, làm rẫy và những sản vật thu hoạch cũng chưa được sử dụng. Sau khi thu hoạch, cứ xếp gọn ở góc nhà. Khi nào tổ chức Tết, làm lễ cúng để báo cáo thành quả với ông bà, tổ tiên thì con cháu mới được ăn. Điều này thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của đồng bào Cống”, ông Chanh cho hay.
Nghi thức buộc chỉ cổ tay cầu mong năm mới nhiều may mắn. |
Xôi cúng không thể thiếu trong nghi thức làm lễ là nông sản do bà con tự trồng cấy. |
Theo nghiên cứu của Phòng Di sản (Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Điện Biên), hiện nay người Cống còn sinh sống tập trung tại một số bản thuộc các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ. Trong đó, tại xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ), họ sinh sống hòa đồng cùng 5 dân tộc khác, với 82 hộ, hơn 400 nhân khẩu.
Sau nhiều năm, đời sống bà con đã có nhiều thay đổi, song đời sống tinh thần vẫn hết sức phong phú. Thông qua các phong tục tập quán, lễ hội như: Tết hoa mào gà, Lễ cúng bản, Lễ tạ ơn...
Trong đó, Tết hoa mào gà là độc đáo nhất. Bởi đây là nghi lễ mang ý nghĩa kết thúc năm cũ, đón chào năm mới.
Thầy mo Lù Văn Chanh thực hiện nghi thức cúng tại các gia đình |
Với tầm quan trọng như vậy, nên theo Trưởng bản Lò Văn Hán, hàng năm cứ đến dịp này, họ hàng con cháu dù bôn ba ở bất cứ đâu cũng đều trở về bản, quây quần bên mâm cơm gia đình. Không chỉ để cầu mùa, cầu phúc lộc, bình an, no ấm cho năm mới, đây còn là dịp để củng cố tinh thần đoàn kết bản làng và tạ ơn thần linh, tiên tổ.
“Minh chứng là bà con cùng nhau tham gia mọi hoạt động. Từ việc chuẩn bị, tổ chức lễ cúng, vui chơi... Mỗi dịp như vậy, bà con lại thêm phấn khởi, bảo ban nhau cùng cố gắng. Đặc biệt, từ ngày được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bà con lại thêm tự hào. Con cháu cũng tự ý thức bảo tồn, có trách nhiệm với lịch sử, với văn hóa của dân tộc mình”, ông Hán bộc bạch.
Độc đáo văn hóa trà trong ẩm thực Nga Trà là một trong những thành phần vô cùng trọng yếu của văn hóa ẩm thực Nga. Văn hoá trà Nga có một lịch sử lâu dài và thú vị. Theo truyền thống, nước để pha trà Nga được đun sôi trong ấm Samovar. |
Độc đáo Tết cơm mới của dân tộc Giáy ở Tả Van, Sa Pa Tết cơm mới là một nét văn hóa truyền thống mang tính nhân văn sâu sắc, được đồng bào dân tộc Giáy coi trọng và gìn giữ từ đời này qua đời khác. |