Độc đáo ngôi chùa cổ từng “cưu mang” những chú heo bị bỏ rơi
Chùa Mahatup (chùa Mã Tộc) tọa lạc tại khóm 9, phường 3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng luôn có những đàn dơi đông đúc trong khuôn viên nên người dân và du khách thập phương đã quen gọi bằng tên chùa Dơi. Cũng không ai còn nhớ tên gọi chùa Dơi xuất hiện từ khi nào!
Chùa Dơi nằm trong địa bàn thuộc khóm 9, phường 3, TP.Sóc Trăng
Chùa là quần thể kiến trúc tiêu biểu trong tín ngưỡng của đồng bào Khmer. Đến đây, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo, diễm lệ của ngôi chùa mà còn được tận mắt ngắm với những đàn dơi treo mình trên những cây vuốt. Ngay từ cổng vào, du khách không khỏi ngạc nhiên trước những đường nét kiến trúc, họa tiết tiêu chạm trổ tinh xảo.
Một góc sân trong khuôn viên chùa Dơi.
Chùa Dơi có kiến trúc tổng thể, gồm: Chánh điện, Sala, nhà hội của sư sãi và tín đồ, phòng ở của sư sãi và trụ trì, các tháp để tro người chết, phòng khách… được xây dựng trong một khuôn viên rộng khoảng 4ha, có nhiều cây cổ thụ. Chùa được cho là được khởi công xây dựng vào từ năm 1569, đến nay được trùng tu nhiều lần.
Chùa Dơi có nhiều họa tiết độc đáo.
Đến chùa, du khách được chiêm ngưỡng đàn dơi treo mình trên các nhánh cây trong khuôn viên chùa. Điều rất lạ là xung quanh chùa Dơi có rất nhiều vườn cây rậm bóng mát nhưng những đàn dơi chỉ chọn cây trong chùa làm nơi cư trú. Ngoài dơi, những câu chuyện về lợn năm móng được thêu dệt khiến ngôi chùa thêm sắc màu bí ẩn. Ngay trong khu viên chùa, có một khu mộ của những con heo năm móng nay đã phai màu theo năm tháng, không khỏi gây tò mò cho du khách.
Những chú dơi đu mình trên cây trong khuôn viên chùa.
Theo quan niệm dân gian của người dân sở tại, heo năm móng là “cốt tinh” của người nên người dân rất "ngại" loại con vật này. Gia đình nào nuôi phải con heo năm móng thì lục đục, gặp chuyện bất hạnh, tai họa... Chính vì thế, gia đình nào có heo năm móng thì phải nuôi dưỡng và chăm sóc nó đến già hoặc tìm cách thả heo đi vào rừng; không ai dám bán, dám mua, hay giết thịt heo năm móng...
Chia sẻ PV Báo Thời Đại, Thượng tọa Lâm Tú Linh - Phó Trụ trì chùa Dơi cho biết: "Khoảng 30 năm trước một con heo xuất hiện tại chùa. Con heo có đến năm móng được thả lang thang trong khuôn viên. Khi đó, chùa Dơi còn khá hoang vu, cây cối rậm rạp. Thấy thế, các sư, Phật tử cho heo ăn trong khuôn viên, heo lớn rất nhanh, nặng đến khoảng 400kg. Phật tử quen gọi bằng "Cô Năm Hơi". Nó sống được khoảng 7 năm thì chết do già yếu và được chôn xây mộ ở phía sau chùa".
Dấu tích về những ngôi mộ heo năm móng được chôn tại chùa Dơi
Từ tin đồn của người dân gần xa khi xuất hiện con heo đầu tiên, nhiều người có heo năm móng cũng mang đến gửi, thả vào chùa Dơi, nhà chùa trở thành nơi cưu mang nuôi dưỡng những chú heo năm móng bị “bỏ rơi”, có lúc số lượng đàn heo lên đến gần chục con; những con heo được thả trong khuôn viên chùa có lúc đẻ gần chục heo con. Khi heo này chết nhà chùa chôn và lập mộ cho chúng, từ đó xuất hiện những lời đồn huyễn hoặc.
"Tuy nhiên, thời gian gần đây cơ quan chức năng của tỉnh đã bắt hết đàn heo trong khuôn viên chùa đem thả vào rừng, không cho nuôi nữa. Vì, nuôi heo như vậy gây ô nhiễm môi trường", Thượng tọa Lâm Tú Linh chia sẻ thêm.
Thành Thật