Độc đáo nghi thức đám cưới của người Dao quần trắng ở Yên Bái
Trang phục cưới của người Dao quần trắng. |
Được biết, người Dao quần trắng ở Yên Bái chủ yếu tập trung tại xã Ngòi A (Văn Yên). Họ cư trú men theo các khe suối, các sườn núi, sống tập trung thành thôn bản, có truyền thống ở nhà sàn dài ba đến năm gian, cột tròn to, chân cột kê bằng đá, nước lần chảy quanh nhà, phía trước có ao cá, vườn tược… Gia đình nào cũng có đồi rừng và chủ yếu là trồng quế. Cây quế nhiều năm qua đã mang lại thu nhập cao cho đồng bào Dao quần trắng ở đây.
Lễ cưới của nhà gái được tổ chức trước nhà trai một ngày. Trước ngày cưới của nhà gái, nhà trai phải mang lễ vật gồm: một con lợn 50 kg móc hàm, 6 con gà trống, 10 lít rượu, gạo, một chiếc vòng tay bằng bạc trắng và tiền xu, kẽm… sang nhà gái để nhập tục, thời gian do thầy cúng đã định. Tới nhà gái, đại diện nhà trai đưa tờ giấy đỏ cho nhà gái, với ý nghĩa là đã mang đủ lễ vật theo yêu cầu; nhà gái kiểm tra và ký vào tờ giấy đỏ đã nhận đầy đủ lễ vật rồi mời đoàn đưa lễ dùng bữa cơm với gia đình.
Theo giờ của thầy cúng, nhà gái phải làm lễ (Cải sát) cho cô dâu - còn gọi tẩy uế để lấy cái may mắn cho cô dâu trước khi về nhà chồng và cầu mong thần thánh, tổ tiên phù hộ cho cô dâu đi đâu, làm gì cũng được bảo vệ, không bị “ma” xấu lợi dụng, nhòm ngó… Vị trí đặt bàn thờ trong lễ Cải sát được lập gần bếp, sát buồng trong, gần buồng chú rể.
Lễ vật gồm: 5 chén rượu, trầu cau, tiền xu kẽm. Cô dâu phải ra vái lạy tổ tiên 3 lạy rồi ngồi quay lưng lại với thầy cúng. Thầy khấn xong bài cúng thì dùng dao phép có tua rua đập ba tiếng xuống nền sàn và cầm hai thanh âm dương ném nhẹ xuống sàn, hai mặt ngửa là đã được tổ tiên cho phép…
Thầy cúng dùng nước thánh, giấy thánh, gạo, muối, rượu hòa với nhau vẩy vào người cô dâu và xung quanh bàn thờ để xua đuổi ma tà. Khi đã làm xong các thủ tục, ông thầy cúng dùng dây gai (đã được chuẩn bị trên bàn cúng) để nhập các thần vào đó và buộc vào tay cô dâu, ý nghĩa chiếc dây gai là để giữ vía cho cô dâu về nhà chồng. Khi đã làm xong lễ "Cải sát", thầy cúng phải làm thêm một thủ tục nữa là chuẩn bị một mâm cúng để báo cáo cho tổ tiên biết về lễ vật của nhà trai đã mang tới đầy đủ và dán bùa phép ở trong nhà để bảo vệ cho nhà chủ làm lễ cưới không bị “ma” xấu quấy nhiễu.
Bên nhà trai, cũng phải làm lễ "Cải sát" các thủ tục cúng giống bên nhà gái, chỉ khác nhà gái về "cái sảo" (đặt đường âm, dương) và lễ vật trong mâm cúng báo cáo thánh thần, tổ tiên về việc của ngày cưới, dán giấy bùa bảo vệ gia đình. Sáng hôm sau, đến giờ đã định, nhà trai mặc quần áo cưới dân tộc Dao (quần trắng - đội nón, quạt truyền thống) sang nhà gái. Trưởng đoàn là ông Mờ, đứng đầu, thứ hai là ông Mối…
Khi đến bản nhà gái, ông Mờ chuyển cho mỗi người một tờ giấy đỏ (đã chuẩn bị sẵn) thắp hương và hóa vàng, trình làng bản rằng, chúng tôi là bên nhà trai xin được vào làng có việc như đã báo cáo trước. Sau đó, lại đi tiếp, khi đến gần nhà gái, ông Mờ cử hai người đại diện ra hú hai tiếng báo hiệu cho nhà gái là đoàn đã tới.
Cô dâu người Dao quần trắng trong ngày cưới. |
Theo phong tục dân tộc Dao quần trắng, khi đoàn nhà trai đến chưa được vào nhà gái đón dâu ngay mà phải vào “nhà tạm", khi nào được giờ thì mới vào nhà gái. Đến gần trưa, đại diện hai người nhà trai sang nhà gái xin cơm và xem giờ chính thức, phải mang theo hai đồng tiền kẽm để xin vào cửa thầy xem giờ chính thức để đoàn nhà trai vào nhà gái.
Xong thủ tục đó, nhà gái làm hai mâm cơm sang nhà tạm cho đoàn nhà trai. Giờ đẹp đến, đoàn nhà trai sang nhà gái, khi đến chân cầu thang, thì gặp chướng ngại vật do nhà gái dựng lên là cắm hai chiếc que có 3 dây đỏ bắt chéo, phía trên đầu mỗi que có hai chiếc vòng bạc và tiền… Chú rể phải bịt kín mặt bằng khăn màu vàng, tay cầm chiếc quạt che mặt… Trước khi lên nhà, nhà gái hát đối bắt buộc nhà trai phải trả lời, nếu giải được thì được lên. Ngoài những câu đối đáp xã giao thì một số câu khó như:
Nhà gái đố: Cái gì biết kêu mà không thấy?
Nhà trai trả lời: Sấm kêu mà không thấy mặt. Mặt trời thấy mà không kêu.
Nhà gái đố: Các ông đi ngựa có cái gì?
Nhà trai trả lời: Chúng tôi đi ngựa có cái yên...
Hai bên cứ đố như thế, một lúc nhà gái lại chuyển sang hỏi dò nhà trai:
Nhà gái hỏi: Các ông ở khe nào?
Nhà trai đáp: Trên trời dưới đất chúng tôi không biết khe nào.
Nhà gái lại hỏi: Các ông làm gì mà không có họ?
Nhà trai đáp: Người người đều có họ, chỉ có rồng mới không có họ.
Nhà gái hỏi: Có ai làm vua trên trời?
Nhà trai đáp: Chỉ có trời mới làm vua cho trời.
Nhà gái hỏi : Dưới mặt đất có cái gì làm thăng bằng?
Nhà trai đáp: Chỉ có cái cân mới làm được thăng bằng.
...Nhà gái hỏi : Ai bảo các người đến?
Nhà trai đáp: Nhà chủ bảo chúng tôi đến...
Khi đã đến một thời gian nhất định, nhà gái chuyển sang hỏi họ:
Nhà gái hỏi: Các ông họ gì?
Nhà trai đáp: Chúng tôi là họ (trả lời họ của nhà trai).
Nhà gái hỏi : Một năm có bao nhiêu ngày?
Nhà trai đáp: Một năm có 360 ngày. Chúng tôi chỉ biết thế thôi, không biết gì hơn nữa… (ý là khiếm tốn)
Khi nhà gái thấy ưng ý những câu đối đáp của nhà trai, sẽ cử một người xuống tháo rào cản hát đối, đoàn nhà trai lên nhà. Lên nhà, ông thầy bên nhà gái ra đón và làm phép, nhà trai đưa lọ rượu ngọt được bịt kín và một xâu tiền xu trong bát hương nhỏ, (chưa có hương) ông thầy nhà gái nhận và đặt dưới bàn thờ Bàn Vương họ. Chú rể và hai chú bé (gọi là “linh cẩu” của đoàn nhà trai đi để bảo vệ chú rể và khi đón cô dâu trên đường về nhà chồng) cùng chú rể vào buồng nhỏ đã được định sẵn, còn ông Mờ và mọi người thì đi ra gian chính chỗ có ông thầy cúng làm lễ.
Chú rể ngồi ở buồng một lúc thì ông thầy gọi ra lạy tổ tiên bên nhà gái, xong lại trở về vị trí cũ. Còn ông thầy Mờ ở ngoài tiếp tục hát đối đáp với đoàn nhà gái. Đến giờ đã định, cô dâu vào gặp mặt chú rể (gọi là chạm mặt), chú rể chùm cái khăn lên trên đầu, tay cầm quạt che mặt, cô dâu mặc quần áo cưới đội mũ có sừng, tay cũng cầm quạt che mặt tiến vào phòng chú rể, nhìn mặt rất nhanh xong liền chạy vụt ra. Ở phía ngoài vẫn cúng và hát đối...
Sáng hôm sau, giờ đẹp đã đến, ông thầy mở lọ rượu và làm lễ với nhà gái, hai bên cùng ăn cơm uống rượu. Khi ăn cơm, chú rể có một rể bạn giúp việc, bưng rượu lạy bàn thờ tổ 3 lạy, lạy ông, bà, bố mẹ, họ hàng 3 lạy, vừa lạy vừa uống rượu để thể hiện đạo làm con và thể hiện sức vóc trai tráng của mình (biết uống rượu, biết bắt cá và đi rừng).
Sau khi làm xong thủ tục nhận họ, chú rể để khăn vàng lại đưa cho ông Mờ rồi một mình xuống cầu thang về nhà mình. Tiếp theo, ông Mờ hát xin đón cô dâu về nhà chồng. Cô dâu từ trong buồng (chùm khăn kín mặt) hai "linh cẩu" dẫn cô dâu đi đường (bên nhà gái làm một số trò chơi vui nhộn để thể hiện sự đoàn kết hai gia đình).
Đón cô dâu về nhà. |
Khi đến gần cửa, có mấy cháu nhỏ chạy ra đóng cửa lên xuống, ông thầy Mờ phải ra nói chuyện và cho tiền các cháu thì mới mở cửa được (cho tượng trưng). Xuống tới chân cầu thang, cô dâu và đoàn dừng lại, bà nội và người thân dặn dò cô dâu… Ông Mờ hát chào và lên đường về nhà chồng. Khi gần tới nhà trai cũng bắt buộc phải ở “nhà tạm", thủ tục cũng như khi chú rể sang nhà gái.
Được giờ vào nhà chồng, khi đến cầu thang, bà đón lấy trang phục của nhà trai mặc cho cô dâu như váy, yếm, vòng bạc, và che mặt bằng khăn vàng cho cô dâu lên nhà. Tới cửa, ông thầy cúng bên nhà trai làm phép nhập ma về nhà mình và tẩy hết cái xấu trên đường đi. Chú rể ở trong nhà ra nhập vào đoàn đưa cô dâu vào nhà. Hai linh cẩu và hai phù dâu đưa cô dâu vào trong buồng, một lúc ông thầy gọi cô dâu ra lạy tổ tiên và làm lễ trừ tà cho cô dâu, chú rể. Sau đó, nhà trai dọn mâm cỗ mời mọi người; đồng thời cô dâu bê khay cơm, rượu đi nhận họ hàng bên nhà trai từ cao xuống thấp (thủ tục cũng như bên nhà gái).
Sáng hôm sau, hai phù dâu và cô dâu về nhà gái trước, chú rể và cô dâu ở lại nhà gái một đêm, đi cảm ơn ông Mờ và mời bạn bè, họ hàng tới dùng bữa và kết thúc đám cưới.