Doanh thu sụt giảm, thêm 2.000 nhân viên Vinasun mất việc
Doanh thu của Vinasun trong kỳ vừa qua chỉ đạt gần 550 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Đây là mức doanh thu tính theo quý thấp nhất của Vinasun tính từ năm 2010 đến nay. Hệ quả là lợi nhuận trước thuế chỉ 58,6 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, sau 9 tháng, doanh thu của Vinasun là 2.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 186 tỷ đồng, giảm tương ứng 29% và 39% so với cùng kỳ năm 2016.
Dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi vẫn là mảng kinh doanh đóng góp lớn nhất vào cơ cấu doanh thu, nhưng có dấu hiệu “lao dốc không phanh” khi giảm xấp xỉ 1.500 tỷ đồng về giá trị và 21% về tỷ trọng.
Ảnh minh họa
Số lượng nhân viên tính đến cuối quý III của Vinasun là 7.292 người, giảm gần 2.000 người so với số liệu ghi nhận trong báo cáo tài chính bán niên. Như vậy, tổng cộng từ đầu năm đến nay, lượng nhân viên tại Vinasun đã giảm tới gần 10.000 người, trung bình mỗi tháng có khoảng 1.100 người mất việc.
Được biết, Vinasun cắt giảm lái xe nhằm chuyển sang mô hình cho thuê xe, thay vì phân chia phí taxi. Trong mô hình chia sẻ doanh thu truyền thống, Vinasun sở hữu xe và thuê người lái rồi chia sẻ doanh thu với lái xe. Lái xe nhận 40 – 60% doanh thu và phải chịu tiền xăng. Trong khi đó, Vinasun nhận phần còn lại và trả các chi phí khác liên quan đến xe như chi phí điểm đón khách, bảo dưỡng định kỳ, chi phí sửa chữa xe.
Với mô hình cho thuê lái xe, lái xe nhận toàn bộ doanh thu và trả cho Vinasun một khoản phí thuê cố định từ 600.000 – 800.000 đồng/ngày. Lái xe sẽ chi trả toàn bộ chi phí liên quan đến xe bao gồm chi phí xăng xe, chi phí bảo dưỡng, chi phí sửa xe, chi phí bến đỗ.
Báo cáo của Vinasun cho thấy, doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi chỉ còn gần 1.900 tỷ đồng, nhưng Vinasun đã có nguồn thu mới từ nhượng quyền thương mại và khai thác taxi, cùng với doanh thu vận tải hành khách theo hợp đồng tăng đáng kể. Mặc dù vậy, các nguồn thu mới này không đủ để bù đắp sự sụt giảm từ kinh doanh taxi.
Năm nay, Vinasun đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận trước thuế hợp nhất lần lượt đạt 4.256 tỷ đồng và 205 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 10,6% và 34% so với thực hiện năm trước. Kế hoạch này được xây dựng trên cơ sở giá cước bình quân mỗi km vào khoảng 15.887 đồng.
Lý giải về việc đặt kế hoạch giật lùi ba năm liên tiếp nhưng nhiều khả năng vẫn không thể hoàn thành, ban lãnh đạo công ty cho rằng nguyên nhân đến từ các yếu tố bất lợi như sức mua trong nước chưa phục hồi, sự cạnh tranh khốc liệt từ Grab và Uber tại thị trường TP HCM, giá xăng dầu tăng mạnh, chi phí nhân viên tăng theo lương tối thiểu cùng hàng loạt khoản phát sinh khấu hao, lãi vay…
Minh Anh