Doanh nhân Trần Uyên Phương: Lãnh đạo không thay đổi tư duy sẽ kìm hãm DN phát triển
Sáng 22/11, tại Văn phòng Quốc hội đã diễn ra tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Tạo đà cho doanh nghiệp tư nhân phát triển”. Toạ đàm tập trung làm rõ vai trò, đóng góp của khối doanh nghiệp tư nhân đối với nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế, nhà lập pháp đã trao đổi và phác họa môi trường để doanh nghiệp tư nhân phát triển.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS.TS Đỗ Chí Nghĩa – Tổng biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho hay: “Những năm qua, sự phát triển của doanh nghiệp (DN), của nền kinh tế đất nước đạt được nhiều thành tựu ấn tượng không thể không đề cập đến sự đóng góp của các DN trong đó có những DN tư nhân. DN là trụ cột của nền kinh tế và là niềm tự hào của chúng ta. Tuy nhiên, hòa trong dòng chảy phát triển lịch sử của đất nước, lịch sử phát triển của DN tư nhân gặt hái nhiều thành tựu nhưng cũng không ít khó khăn từ rào cản chính sách, quan điểm…
Các đại biểu, chuyên gia kinh tế tham gia Toạ đàm.
Trên thực tế, có nhiều DN tư nhân đã từng bước tự xây dựng thương hiệu, đi lên bằng sản xuất, bằng những sản phẩm của mình đóng góp cho nền kinh tế bằng cách tạo công ăn việc làm, bằng đóng thuế cho Nhà nước và bằng sức lực, trí tuệ của mình góp sức thúc đẩy nền kinh tế phát triển như Vingroup hay Tân Hiệp Phát. Đó là nỗ lực của đội ngũ doanh nhân mà không ai có thể phủ nhận được”.
Doanh nghiệp tư nhân tạo ra gần 40% GDP
Theo TS.Lưu Bích Hồ, chuyên gia kinh tế cho rằng khi bước vào thời kỳ đổi mới, kinh tế tư nhân đã phát triển tới mức có 25.000 doanh nghiệp, đến nay đã có đế 600.000 DN, dự kiến sẽ lên 1 triệu DN tới năm 2020. Mục tiêu này hoàn toàn có thể đạt được vì mỗi năm chúng ta tăng thêm ít nhất trên 100.000 DN đăng ký mới và đổi mới doanh nghiệp cũ cũng trở thành DN mới.
Trong khía cạnh khác, bên cạnh một số DN rất lớn như: Vingroup, FLC, Trường Hải, TH TrueMilk, Hòa Phát, đặc biệt là doanh nghiệp Tân Hiệp Phát, là đơn vị rất nổi bật vai trò của mình trong việc cạnh tranh và hội nhập với bên ngoài.
Doanh nghiệp tư nhân đã tạo ra gần 40% GDP, trong toàn bộ khu vực DN thì khu vực tư nhân tạo ra trên 62% việc làm mới tính đến năm 2016. Có thể nói, DN tư nhân không phải chỉ là vốn mà giải quyết việc làm cho lao động vẫn là lực lượng chủ yếu.
TS.Lưu Bích Hồ phát biểu tại Toạ đàm.
ĐBQH Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam bình luận: “Chúng ta đã có 600.000 DN với 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, như vậy nếu nói những người tham gia kinh doanh từ rất nhỏ đến rất lớn đã là gần 6 triệu DN. Tuy nhiên, hiện chúng ta đang định nghĩa rằng, những cá nhân phải có đăng ký kinh doanh mới được gọi là DN nên con số mục tiêu 1 triệu DN đến năm 2020 còn phải phấn đấu. Phấn đấu được hay không thì còn phụ thuộc vào chính sách, sự thúc đẩy, quan tâm, quan điểm của Chính phủ trong 2 năm tới ra sao".
"Nói về sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân, tổng công ty tư nhân, tôi cho rằng, cần phải có các DN đầu đàn. Vì như thế, cộng đồng DN nhỏ và vừa mới nhìn những tấm gương để noi theo, đó sẽ là những tấm gương của người Việt Nam thành công trên đất Việt Nam, bởi rõ ràng, khi người ta thành công là thành công ở nhiều mặt thì mới tạo ra doanh thu, lao động, việc làm cho đất nước. Ngoài ra, các DN đầu đàn cũng đóng vai trò tạo ra công ăn việc làm cho DN nhỏ và vừa, tức là thúc đẩy nền kinh tế phụ trợ.
Tôi lấy ví dụ câu chuyện của DN Tân Hiệp Phát, họ giải quyết được 4.000 lao động trả lương trực tiếp, còn lại là 10.000 lao động gián tiếp. Đây cũng là một trong những DN nộp thuế nhiều nhất cho nhà nước. Vì vậy, tôi đánh giá, muốn lớn, nhỏ, vừa như nào thì DN phải phát triển tốt, gương mẫu, tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ không chỉ là hoạt động xã hội”, ĐBQH Nguyễn Văn Thân trao đổi.
“Doanh nghiệp không thể lớn vì... sợ lớn”
Trước sự hiện diện ngày càng nhiều của những DN tư nhân vừa và nhỏ tăng thêm mỗi năm, thực tế cho thấy không phải nào cũng có thể sống sót được sau 5 năm đầu hình thành. Các chuyên gia kinh tế và những nhà lập pháp đặt ra câu hỏi: Thực sự thì doanh nghiệp tư nhân không thể lớn hay không muốn lớn?
Về vấn đề này, nữ doanh nhân Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát chia sẻ: “Chỉ có số ít DN có thể sống sót sau 5 năm đầu hình thành và tăng trưởng lên 15-20 năm. Do vậy, số DN hiện nay tồn tại trên 150 năm trên thế giới rất hiếm. Đó là một trong những yếu tố để thấy rằng muốn lớn cũng không thể lớn được vì lý do nguồn lực và năng lực. Tất cả các DN đều bị một giới hạn là người lãnh đạo. Người lãnh đạo có thể phát triển được tới đâu thì DN sẽ tăng trưởng lên tới đó. Người đứng đầu là “cái nóc của cả cái bình”, nếu họ không tự phát triển, không tự thay đổi tư duy thì nó ảnh hưởng đến sự phát triển của DN. Điều đó đồng nghĩa với việc họ sẽ là người kìm hãm DN phát triển”.
Bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát phát biểu tại Toạ đàm.
“Riêng tôi, tôi cho rằng có một yếu tố đang trở thành đề tài nóng bỏng là DN gia đình. Hiện rất ít người biết DN gia đình chiếm 60-70% các DN. Có nhiều quốc gia chiếm 90%. Riêng với Việt Nam, đến giai đoạn hiện nay, đa số các DN tầm 20 năm đến 30 năm thì bắt đầu chuyển sang thế hệ thứ hai hoặc các mô hình kinh doanh khác như lên sàn chứng khoán. Đó chính là những cái họ phải thay đổi”, bà Trần Uyên Phương thông tin thêm.
“Về khía cạnh không muốn lớn, theo tôi là vì DN sợ lớn. DN nhất phường, nhất thành phố, nhất quốc gia… mỗi lần nhất như vậy nó đòi hỏi một năng lực mới. Muốn vượt ra khỏi cái mình đang làm tốt, nhiều khi mình phải phá vỡ cái cũ. Có dám đột phá hay không? Đó là những nỗi sợ của chúng tôi bởi đột phá nào cũng có rủi ro.
Nhiều nhà báo đã hỏi chúng tôi rằng: Vì sao Tân Hiệp Phát từ chối bán vào năm 2012 với giá 2,5 tỷ USD? Vì chúng tôi mong muốn có một thương hiệu Việt mang ra thế giới. Mặc dù tiền rất quan trọng nhưng không phải là tất cả, sứ mệnh, tầm nhìn của Tân Hiệp Phát đặt ra hơn thế. Nói như thế không có nghĩa là chúng tôi không sợ bởi quá trình tăng trưởng gặp rủi ro rất lớn. Tất cả mọi người đều biết Tân Hiệp Phát từng gặp rất nhiều khủng hoảng, nhưng sau mỗi khủng hoảng chúng tôi lại lớn lên, chúng tôi lại nhìn thấy được điểm yếu của bản thân, để đi tiếp”, nữ doanh nhân nói.
P. Hà