Doanh nghiệp Việt cần chuyển đổi số để chiếm lĩnh thị trường Anh
Bối cảnh thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam
Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 6,02 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó xuất khẩu đạt 5,2 tỷ USD tăng 15,6%; nhập khẩu đạt khoảng 778,2 triệu USD tăng 27,3%.
Về đầu tư, Tính đến tháng 11 năm 2021, Vương quốc Anh có tổng cộng 447 dự án đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, chiếm 1,3% số dự án FDI của cả nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực đạt gần 4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 1% trong tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại Việt Nam. Đầu tư của Anh tại Việt Nam có xu hướng tăng nhẹ kể từ khi người dân Anh bỏ phiếu việc Anh rời EU.
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Anh đạt 6,02 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2021, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2020. |
Về chính sách của Anh trong bối cảnh hậu Brexit và Covid-19, ngày 16/3/2021, Thủ tướng Anh công bố Chiến lược: “Nước Anh toàn cầu trong kỷ nguyên cạnh tranh”, nhấn mạnh trọng tâm chiến lược hướng về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, với việc tăng cường hợp tác với các nền kinh tế mới nổi trong đó có Việt Nam. Ngoài ra, Anh đã nộp đơn gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp Anh đang có nhiều cơ hôi để đầu tư, hợp tác làm ăn với một số thị trường phát triển nhanh, trong đó có Việt Nam.
Hiệp định Thương mại UKVFTA đã giúp duy trì ưu đãi cho giao thương với Việt Nam và Anh. Hơn thế nữa, Chính phủ Anh đang thực hiện chính sách tự do hóa thương mại cởi mở hơn, tự do hóa nhanh hơn, khuyến khích doanh nghiệp Anh củng cố quan hệ mạnh mẽ hơn nữa với các nước thuộc khu vực thương mại phát triển năng động trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn cần phải quan tâm nghiên cứu kỹ về những quy định về tiêu chuẩn của Anh.
Áp dụng công nghệ, chuyển đổi số để nắm bắt cơ hội
Theo ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu – Châu Mỹ, Bộ Công Thương, có thể thấy, những lợi thế mà doanh nghiệp Việt Nam có được tại thị trường Anh là rất lớn. Tuy nhiên, để nắm bắt, tận dụng được lợi thế này, các doanh nghiệp cần thực hiện chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ để thích nghi trong thời điểm dịch COVID-19.
Theo đó, trong bối cảnh COVID-19, việc đi lại giữa các quốc gia gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp sẽ rất khó gặp gỡ trực tiếp đối tác thay cử các đoàn đi nước ngoài nghiên cứu, tìm hiểu thị trường. Chính vì vậy, chuyển đổi số hay áp dụng công nghệ để thích nghi trong thời điểm dịch bệnh sẽ giúp doanh nghiệp hai nước gần nhau hơn, từ đó có thể trao đổi, tìm kiếm cơ hội, hợp tác đầu tư.
Doanh nghiệp Việt khi giao thương với các đối tác Anh cần tận dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để có thông tin tốt về đối tác. |
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo doanh nghiệp trong giao thương với các đối tác nước ngoài, trong đó có thị trường Anh cần tận dụng dịch vụ tư vấn chuyên nghiệp để có thông tin tốt về đối tác.
Về lĩnh vực này, các doanh nghiệp có thể tận dụng thông tin từ cộng đồng người Việt tại Anh hoặc Hội hữu nghị Việt - Anh và các tổ chức đối ngoại nhân dân. Trong thời gian qua, Hội hữu nghị Việt - Anh đã triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu thông tin về đất nước, con người, doanh nghiệp Việt Nam tới Anh và ngược lại. Các hoạt động của Hội được triển khai rất đa dạng, phong phú, có chiều sâu và trải đều trên các lĩnh vực, trở thành cầu nối thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và giáo dục... giữa hai nước.
Một gợi ý khác dành cho các doanh nghiệp Việt khi tiếp cận thị trường Anh đó là đầu tư thông qua hoạt động mua bán sáp nhập (M&A). Thị trường Anh hiện đang là thị trường công nghệ thông tin quy mô lớn nhất thế giới. Mức chi tiêu vào IT năm 2020 đã đạt 950 tỷ USD, đến năm nay dự kiến khoảng 1.000 tỷ USD, đây là số tiền cực lớn mà phía doanh nghiệp Anh sẵn sàng chi tiêu cho công tác chuyển đổi số.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ