Đổ cát nuôi bãi hy sinh: Giải pháp căn cơ chống xói lở bờ biển Hội An
TS. Claus Pedersen – Tư vấn trưởng Viện Thủy lực Đan Mạch (DHI) trao đổi về giải pháp căn cơ nhằm chống xói lở, bảo vệ bền vững bờ biển Hội An.
- Báo cáo đánh giá của Tạp chí Khí tượng Thủy văn công bố ngày 25/04/2022 cho biết, bờ biển Cửa Đại đã có tới 112 ha diện tích đất bị mất do xói lở (số liệu ghi nhận từ 2016-2022) và tình trạng xói lở này có xu hướng ngày càng gia tăng. Ông đánh giá như thế nào về nguyên nhân gây sạt lở bờ biển Hội An trong những năm vừa qua?
- Sau nhiều năm và nhiều vòng nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy nguyên nhân đầu tiên của xói lở bờ biển đến từ khu vực thượng lưu. Trước đây, lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn là nguồn cung cấp phù sa đáng kể cho vùng cửa sông và các đường bờ lân cận. Việc xây dựng các đập thủy điện và các công trình kiểm soát sông khác đã làm giảm nguồn cung cấp cát cho bờ biển.
Trầm tích hạt thô từ sông sẽ bồi tụ ở khu vực châu thổ, thông qua các quá trình vận chuyển và động lực học tự nhiên (chế độ sóng, triều cường và các dòng chảy của sông), được vận chuyển dọc theo bờ biển phía Bắc và phía Nam cửa sông. Lượng trầm tích cung cấp cho cửa sông giảm do các hồ chứa ở thượng nguồn. Tình trạng xói lở xảy ra do sự giảm khối lượng vận chuyển trầm tích cho đường bờ.
Nhiều giải pháp chống xâm thực tại biển Cửa Đại Hội An tỉnh Quảng Nam đã được thực hiện. (Ảnh: Phạm Nga) |
- Phương án nào được đưa ra để đảm bảo tốt cho bờ biển Hội An, thưa ông?
- Như đã phân tích ở trên, dải bờ biển Hội An bị xói lở một cách có hệ thống do sự thiếu hụt bùn cát từ hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đổ ra biển. Do đó, giải pháp lâu dài là phải giải quyết vấn đề gốc rễ: sự mất cân bằng vận chuyển bùn cát. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã nỗ lực bảo vệ cho tài sản của mình bằng cách xây dựng các công trình bảo vệ cứng của riêng mình tuy nhiên chỉ giới hạn ở một khu vực cụ thể. Các công trình này mang tính cục bộ, không những không có hiệu quả bảo vệ mà còn không ổn định, an toàn về lâu dài.
Vấn đề chính hiện nay là thiếu hụt nguồn cát đưa từ thượng lưu xuống nên chúng ta phải có giải pháp bù nguồn cát vào thông qua đổ cát nuôi bãi hy sinh, nuôi bãi hàng năm. Lượng cát được bù đắp sẽ tạo ra những bãi cát và nhờ chế độ sóng, chế độ dòng chảy tự nhiên phân bổ đều cát lên trên toàn bộ khu vực, bù đắp vào những chỗ xói lở. Đấy là giải pháp lâu dài.
- Ông có thể phân tích thêm phương pháp nuôi bãi?
- Ưu điểm của biện pháp nuôi bãi so với biện pháp bảo vệ công trình là nó giải quyết được sự thiếu hụt cơ bản trong nguồn cung cấp trầm tích vốn là nguyên nhân sâu xa của xói lở bờ biển. Bằng cách này nó giúp giảm nguy cơ xói lở cho toàn bộ bờ biển từ khu vực nuôi bãi hướng về phía Tây Bắc đến Đà Nẵng. Do đó, đây là một biện pháp mang tính tổng thể toàn khu vực chứ không chỉ là một biện pháp cục bộ. Đổ cát nuôi bãi sẽ tái tạo và duy trì các bãi biển. Đây không chỉ là cách tiêu tán năng lượng sóng tốt nhất và tự nhiên nhất và bảo vệ tài sản đường bờ mà còn là tài sản quan trọng nhất đối với ngành du lịch dọc theo toàn bộ bờ biển.
Ngược lại, bảo vệ công trình chỉ giải quyết vấn đề cục bộ và đẩy sự xói mòn tiến xa hơn về phía tây bắc. Với biện pháp bảo vệ công trình, các bãi biển cũng thường bị mất đi và theo thời gian, công trình bảo vệ cứng này sẽ chịu sự tấn công ngày càng nghiêm trọng từ biển và việc duy trì sẽ rất tốn kém.
Nuôi bãi hy sinh còn có ưu điểm là thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Miễn là có đủ cát trong hệ thống, các bãi biển sẽ điều chỉnh độ cao theo mực nước biển dâng để bảo vệ chống xói lở và lũ lụt. Biện pháp bảo vệ công trình có chiều cao cố định và để thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi phải có biện pháp bảo vệ công trình bổ sung.
Có hai thách thức chính với việc nuôi dưỡng hy sinh: bảo đảm nguồn cát bền vững và bảo đảm duy trì chương trình nuôi bãi theo yêu cầu.
Về nguồn cát, việc nạo vét luồng tàu biển là một nguồn chính vì đây là cát lẽ ra được cung cấp tự nhiên cho các bãi biển ở phía Bắc nhưng hiện đã bị luồng tàu biển chiếm giữ. Lượng cát này có thể không đủ và do đó nên tìm kiếm nguồn cát ngoài khơi có chất lượng cát phù hợp và có thể khai thác trong phạm vi tác động có thể chấp nhận được đối với môi trường.
Để bảo đảm việc nuôi bãi hy sinh được lâu dài, chúng tôi đặc biệt khuyến nghị thiết lập hệ thống giám sát và quản lý có khả năng thích ứng trong đó việc giám sát thường xuyên sẽ giúp thông tin để thực hiện kịp thời các chiến dịch tái nuôi bãi nhằm bảo đảm các bãi biển được duy trì.
Về mặt chi phí, biện pháp nuôi bãi này tiết kiệm chi phí cho cùng mục đích bảo vệ tài sản và duy trì các bãi biển tiện nghi chất lượng cao.
Hội thảo Chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An do UBND tỉnh Quảng Nam và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đồng tổ chức ngày 9/9. (Ảnh: Phạm Nga) |
- Dự án sẽ giải quyết bài toán chống xói lở gắn với bảo tồn giá trị tài nguyên như rừng ngập mặn, thảm cỏ biển… như thế nào?
- Biện pháp phòng chống xói lở bờ biển được giải quyết thuận theo tự nhiên để khôi phục lại sự cân bằng trầm tích và để các bãi biển tự nhiên bảo vệ đường bờ biển. Rừng ngập mặn và thảm cỏ biển nằm trong vùng cửa sông nên sẽ không bị ảnh hưởng bởi hoạt động nuôi bãi chủ yếu diễn ra dọc theo đường bờ biển ở phía Đông Nam khu vực bãi biển An Bàng. Việc nuôi bãi giúp thiết lập lại sự cân bằng trong khối lượng vận chuyển trầm tích.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Dự án Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An mà UBND tỉnh Quảng Nam làm đơn vị chủ quản, phối hợp thực hiện cùng Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, được đầu tư từ nguồn vốn vay trị giá 35 triệu Euro của AFD và khoản viện trợ không hoàn lại 2 triệu euro từ Liên minh châu Âu thông qua Quỹ Quản lý Nước và Tài nguyên Thiên nhiên (WARM Facility). Dự án gồm có ba hợp phần: Kết hợp các công trình bảo vệ (kè phá sóng ngầm và kè mỏ hàn) và đổ cát nuôi bãi trên đoạn bờ biển dài 5.000m từ Cửa Đại tới khách sạn Victoria. Áp dụng một phương thức tiếp cận tổng thể đối với toàn bộ bờ biển từ Sơn Trà tới Tam Hải: Quản lý tổng hợp vùng bờ (Integrated Coastal Zone Management – ICZM) và kế hoạch quản lý tổng hợp bờ biển (Integrated Shoreline Management Plan – ISMP) để triển khai hoạt động đổ cát nuôi bãi hàng năm ở bãi biển Hội An. Đổ cát nuôi bãi hy sinh tại khu vực mở rộng ở bờ biển phía Bắc kể từ ranh giới của dự án phía Bắc để giải quyết vấn đề mất cân bằng về vận chuyển bùn cát tới phần phía Bắc của dải bờ biển. Dự kiến sẽ triển khai công tác thiết kế, đấu thầu thi công trong trong quý I năm 2024. |