Dịu giọng với Hàn Quốc: Nước cờ cao tay không ngờ của ông Kim Jong Un?
Trong thông điệp năm mới được đăng tải ngày hôm qua (1/1), nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã khiến thế giới bất ngờ khi chủ động đề nghị "tìm ra giải pháp hòa bình với nước láng giềng Hàn Quốc".
Đây là một động thái hiếm hoi bởi từ trước tới nay, Bình Nhưỡng khá cứng rắn trong lập trường "không đội trời chung" với Seoul.
Đáp lại lời đề nghị của ông Kim Jong Un, phát ngôn viên Nhà Xanh cho rằng đây là tín hiệu đáng mừng cho quan hệ song phương: "[Văn phòng tổng thống] Hàn Quốc mong muốn được đối thoại với Triều Tiên bất kì lúc nào, ở bất kì đâu, dưới bất kì hình thức nào để phục vụ cho sự bình thường hóa quan hệ liên Triều và cho nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.
Chúng tôi hi vọng sự hợp tác giữa hai nước cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề hạt nhân Bình Nhưỡng qua sự cộng tác chặt chẽ với cộng đồng thế giới."
Ông Kim Jong Un trong bài phát biểu đầu năm 2018. Ảnh: KCNA
Ý nghĩa của lời đề nghị
Theo các chuyên gia, lời phát biểu đầu năm của ông Kim Jong Un chứa đựng nhiều nội dung quan trọng, phản ánh chiến lược sắp tới của Bình Nhưỡng trong năm 2018.
Trả lời CNN, Euan Graham, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Lowy, Australia, bày tỏ sự ngạc nhiên với thái độ "dịu giọng" của ông Kim với Hàn Quốc.
"Lời đề nghị hòa bình của ông Kim Jong Un là điều bất ngờ nhất bởi từ trước tới nay, Bình Nhưỡng chưa từng thể hiện thiện chí với Seoul," ông nói. "Nhưng ‘cành ô liu’ này có thể chỉ là vỏ bọc cho chương trình hạt nhân Triều Tiên. Kể cả khi Bình Nhưỡng có đối thoại và gửi vận động viên tới Thế Vận Hội Mùa đông thật, thì cũng không có gì đảm bảo Triều Tiên sẽ ngừng thử nghiệm vũ khí khi mùa xuân tới."
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un trong bài phát biểu đầu năm. Nguồn: KCNA/Reuters
Trong khi đó, Tong Zhao, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế Carnegie-Tsinghua tại Bắc Kinh, nhận định ông Kim "không muốn tỏ ra khiêu khích hay đe dọa".
"Ông ấy muốn thuyết phục cộng đồng thế giới rằng vũ khí hạt nhân Triều Tiên chỉ thuần túy được sử dụng cho mục đích tự vệ. Mục đích cuối cùng mà ông Kim Jong Un hướng tới sẽ là giải pháp hòa bình với Mỹ với điều kiện Bình Nhưỡng được phép giữ lại kho hạt nhân của mình," ông Zhao chia sẻ.
"Sau khi đạt được những thành tựu vũ khí chiến lược trong năm qua, Triều Tiên đang muốn giảm căng thẳng khu vực và Thế Vận Hội Mùa đông là cơ hội vàng với quốc gia này.
Thông qua kì đại hội, ông Kim Jong Un có thể yêu cầu liên minh Washington-Seoul lắng nghe những đòi hỏi của Bình Nhưỡng và điều chỉnh lại các cuộc tập trận quanh bán đảo. Đây là cách làm khéo léo, không làm Triều Tiên mất mặt hay yếu kém trước các nước khác."
Căng thẳng leo thang Mỹ - Triều
Trong những tháng gần đây, căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận định rằng Mỹ "đang gần với chiến tranh hạt nhân với Triều Tiên" hơn bao giờ hết.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng ABC, ông Mullen cảnh báo rằng những phát ngôn gay gắt của tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm vào ông Kim Jong Un cho thấy ông Trump sẵn sàng sử dụng tới vũ lực để chặn chương trình phát triển vũ khí Triều Tiên.
Tuần trước, Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã đồng thuận áp dụng những lệnh cấm vận mới với Triều Tiên nhằm đáp trả cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo ngày 29/11 của nước này, siết chặt hơn nguồn cung dầu khí và hoạt động của người Triều Tiên tại nước ngoài.
Ảnh: Reuters.
Tuy nhiên, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải thông tin đáp trả, cho biết nước này sẽ tiếp tục chương trình phát triển hạt nhân trong năm 2018.
"Đường lối phát triển của Bình Nhưỡng sẽ không thay đổi. Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, với sứ mệnh là quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, sẽ dẫn lối lịch sử trên con đường duy nhất tới độc lập và công bằng, mặc cho những ‘cơn bão tố’ và khó khăn trước mắt," KCNA viết.
Kết thúc bài nói năm mới, ông Kim Jong Un phát biểu: "Toàn bộ lãnh thổ Mỹ đang nằm trong tầm bắn của vũ khí hạt nhân Triều Tiên, và nút kích hoạt đang nằm trên bàn làm việc của tôi. Đây là một sự thật, không phải lời đe dọa với Mỹ."
"Dù Mỹ muốn tấn công chúng ta tới mức nào, họ cũng biết rằng Bình Nhưỡng đã sở hữu sức mạnh hạt nhân đáng kể và do đó, họ sẽ không dám tấn công," ông Kim tuyên bố, và đánh giá thành tựu lớn nhất của Triều Tiên trong năm 2017 là "hoàn thành sứ mệnh hạt nhân lịch sử".
Tất Đạt