Di cốt bất thường hé lộ sự thật về cái chết của Bao Chửng: Vì bạo bệnh hay bị đầu độc?
Bao Công (999 – 1062), húy là Bao Chửng, là vị quan Tống triều nổi tiếng xử án nghiêm minh, thiết diện vô tư, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình.
Hình tượng chính nghĩa của ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim truyền hình nổi tiếng như "Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên", "Bao Thanh Thiên", "Kỳ án Đại Tống"…
Bất luận là trên phim ảnh hay trong lịch sử, vị quan họ Bao ấy vẫn luôn được xem là biểu tượng của công lý. Ông cũng được đánh giá là một trong những trung thần nổi danh dưới thời Hoàng đế Tống Nhân Tông.
Ngày nay mỗi khi nhắc tới Bao Thanh Thiên, bên cạnh những giai thoại về tài xử án kỳ khôi, hậu thế vẫn thường nói đến cái chết đột ngột và có nhiều điểm nghi vấn của vị quan nổi tiếng thanh liêm này.
Chính sử ghi rằng Bao Công qua đời vì bạo bệnh. Thế nhưng có không ít giả thiết lại khẳng định, cái chết bất thường của ông thực chất có bàn tay của những thế lực khác nhúng vào.
Suốt nhiều thế kỷ qua, nghi án về cái chết của Bao Thanh Thiên vẫn trở thành đề tài bàn tán và tranh cãi của nhiều người. Chỉ đến khi di cốt của ông được khai quật và nghiên cứu, chân tướng sự việc mới thực sự được làm sáng tỏ.
Sự ra đi đột ngột và cái chết nhiều điểm nghi vấn của Bao Thanh Thiên
Việc khai quật di cốt của Bao Thanh Thiên còn làm sáng tỏ một sự thật mà hậu thế đã lầm tưởng bấy lâu: Bao Công chỉ sở hữu vóc dáng cao 1m65 chứ không to lớn, bệ vệ như trên phim ảnh.
Về những năm cuối đời của Bao Chửng, "Bắc Tống sử" chỉ ghi lại đôi dòng:
"Năm Gia Hữu thứ sáu triều Bắc Tống (năm 1061), Bao Chửng được phong làm Khu mật phó sứ". Chức quan này có vị trí ngang hàng với Phó Tể tướng, cũng là chức vị cao nhất mà ông từng đảm nhiệm.
Cũng theo tài liệu chính sử này, tháng 5 năm sau, Bao Chửng bị bệnh qua đời, "trong kinh thành từ quan đến dân, ai ai cũng đau buồn, tiếng thở dài từ phố lớn đến ngõ nhỏ đều nghe thấy".
Vào những năm 70 của thế kỷ trước, quần thể mộ táng của gia tộc họ Bao được giới khảo cổ Trung Quốc tiến hành khai quật. Mộ táng và di cốt của Bao Thanh Thiên cũng được đưa vào nghiên cứu.
Trong quần thể mộ táng này, người ta đã phát hiện ra một văn bia trong mộ chí có ghi chép về cuộc đời của Bao Công. Trên đó có viết đôi dòng về nguyên nhân khiến ông qua đời:
"Tháng 5 năm Gia Hữu thứ bảy (1062) đột ngột phát bệnh trong khi đang làm việc nên phải hồi phủ. Hoàng thượng ban cho thuốc quý, đến ngày Tân Mùi thì không dậy được nữa".
Cụ thể, thời gian qua đời của Bao Công rơi vào ngày 20 tháng 5 năm 1062. Lý do qua đời được tuyên bố là do lâm bạo bệnh.
Điều đáng nói nằm ở chỗ, khoảng thời gian từ lúc ông lâm bệnh cho tới khi qua đời chỉ vẻn vẹn có 13 ngày.
Những điểm bất thường xung quanh cái chết chóng vánh của Bao Thanh Thiên đã làm dấy lên nhiều nghi ngờ của người đương thời và cả hậu thế sau này.
Việc một số tư liệu có nhắc tới phương thuốc quý mà Tống Nhân Tông ban cho Bao Công đã khiến vị vua này trở thành một trong số những người bị hiềm nghi nhiều nhất. (Ảnh minh họa).
Trong số đó, nhân vật bị hiềm nghi nhiều nhất chính là Hoàng đế Tống Nhân Tông – vị vua tại vị trong thời gian Bao Chửng làm quan.
Thậm chí có giả thiết còn khẳng định rằng, trong suốt khoảng thời gian bị bệnh, Bao Công chỉ dùng "thuốc quý" do Hoàng thượng ban cho, sau đó nhanh chóng qua đời.
Vì vậy rất có thể phương thuốc mà vua Tống ban cho ông vốn không phải dùng để chữa bệnh mà thực chất là độc dược đã lấy đi tính mạng của vị quan thanh liêm ấy.
Liệu rằng Tống Nhân Tông có phải là hung thủ đứng đằng sau cái chết của Bao Thanh Thiên hay không? Nếu điều đó là sự thật thì động cơ nào đã khiến vị Hoàng đế ấy phải trừ khử một vị trung thần công chính nghiêm minh bên cạnh mình như vậy?
Những bất thường của di cốt hé lộ về nguyên nhân thực sự khiến Bao Công qua đời
Vào năm 1973, lăng mộ Bao Công được khai quật đã hé mở cho hậu thế chân tướng liên quan tới cái chết của vị quan thanh liêm này. (Ảnh minh họa).
Theo nhận định của những người có chuyên môn, giả thiết Tống Nhân Tông đầu độc Bao Chửng hoàn toàn không có cơ sở và cũng không hề đáng tin.
Chưa bàn tới việc vua Tống không có động cơ trừ khử Bao Công, chỉ nhìn vào đánh giá của các sử gia là đủ để loại bỏ hiềm nghi đối với vị hoàng đế này.
Bởi lẽ, Tống Nhân Tông được đánh giá là một bậc minh quân hiếm có trong lịch sử Trung Hoa. Một đấng quân vương như vậy sao có thể nhẫn tâm hạ độc trung thần đắc lực bên mình?
Về những bí ẩn xoay quanh cái chết của Bao Thanh Thiên, kết quả phân tích xương từ di cốt của vị quan này đã phần nào hé mở chân tướng sự việc.
Theo đó, khi tiến hành nghiên cứu xương sọ của di cốt, người ta đã phát hiện hàm lượng thạch tín ở mức bình thường. Như vậy, việc Bao Chửng bị đầu độc do thạch tín là một giả thiết đã bị loại bỏ.
Tuy nhiên, trong xương sọ của ông lại có hàm lượng thủy ngân cao một cách bất thường. Phải chăng cái chết của Bao Thanh Thiên vốn không phải bắt nguồn từ thạch tín mà có liên quan tới chất độc thủy ngân?
Xung quanh nghi vấn này, những người có chuyên môn đã đưa ra phân tích: Bao Chửng qua đời vào đúng tháng 5, cũng là khoảng thời gian nhiệt độ ngoài trời tương đối cao.
Để bảo quản thi thể, người xưa thường có tập tục cho chu sa (khoáng vật của thủy ngân) vào trong quan tài nhằm làm chậm quá trình phân hủy. Trải qua nhiều thế kỷ, số chu sa này dần dần thấm vào di cốt, khiến xương của Bao Công có hàm lượng thủy ngân cao hơn bình thường.
Như vậy, kết quả phân tích di cốt của Bao Thanh Thiên đã đưa ra lời giải đáp cho nghi vấn của hậu thế suốt nhiều thế kỷ qua: Bao Công quả thực qua đời do bạo bệnh chứ không phải bị đầu độc.
Rất có thể, sự ra đi đột ngột của ông là kết quả do những tháng ngày lao lực đến sức cùng lực kiệt vì nước vì dân. Thế nhưng bất luận Bao Thanh Thiên qua đời vì lý do gì thì hình tượng công chính liêm minh của ông vẫn luôn sống mãi trong tâm khảm của của người đời sau…
Theo KKNews.
Trần Quỳnh