Đến làng nghề Bao La ngắm đèn lồng... xuất ngoại
Nghề đan lát ở làng nghề Bao La được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ XIX, dưới triều vua nhà Nguyễn. Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, có lúc tưởng chừng nghề đan lát không còn trụ được với thời gian, hoặc có nguy cơ bị mai một, thất truyền.
Lúc mới tái thành lập, ở làng nghề Bao La chỉ sản xuất những mặt hàng đơn giản, như rổ, rá, sàng, thúng, mủng… Dần dần, các nghệ nhân ở đây đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, thiết kế ra nhiều mẫu mã mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Đến nay, những mặt hàng chủ lực của làng Bao La đã được du khách gần xa biết đến, được khách nội địa cũng như khách nước ngoài đặt hàng như đèn lồng, quạt thư pháp, bàn ghế sôpa…
Nghề đan lát làng Bao La đã thu hút hàng trăm người tham gia
Đặc biệt, đèn lồng các loại đã trở thành vật dụng, đồ trang trí không thể thiếu trong các nhà hàng, khách sạn, phòng trà, khu du lịch…, góp phần “nâng tầm” giá trị thẩm mỹ, tính ưu việt của sản phẩm đèn trang trí bằng tre.
Vui mừng phấn khởi vì sản phẩm do những người “chân lấm tay bùn” tạo nên, và đã xuất ngoại sang nhiều nước ở châu Á, châu Âu. Ông Nguyễn Minh Luận, 68 tuổi, người nhiều năm gắn bó với việc đan lát của làng nghề Bao La, tươi cười, nói: “Chúng tôi vừa thiết kế, vừa “thi công” các loại lồng đèn, mang cái đẹp đến với bạn bè thế giới như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… thì có chi vui hơn”.
Đèn lồng Bao La được giới thiệu tại các triển lãm, hội chợ quốc tế như ở Thái Lan, Đức, Pháp… không chỉ tôn vinh hàng mây tre đan xứ Huế, mà còn góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam ra bạn bè thế giới.
Ông Thái Văn Hiệp, 70 tuổi, đang làm chiếc đèn lồng lục giác
Hai nghệ nhân Võ Chức (trái) và Thái Phi Hùng say mê với công việc sáng tạo mẫu đèn lồng
Bộ tam sự bằng tre
Chiếc máy quạt lúa – một sản phẩm độc đáo của làng Bao La
Theo Dân Việt