Đền Choọng - Nghệ An: Công trình văn hóa tâm linh thờ Nàng Phốm Hóm
Mùa xuân năm Giáp Ngọ 2014 Đền được phục dựng trên chính vị trí năm xưa với diện tích gần 10ha
Để bảo tồn, gìn giữ ngôi đền, thực hiện việc uống nước nhớ nguồn, ghi nhớ công ơn của nàng, chính những người con của quê hương Quỳ Hợp đã trăn trở cùng nhau quyết tâm tôn tạo ngôi đền, giữ gìn bản sắc dân tộc con người Việt Nam. Mùa xuân năm Giáp Ngọ 2014, từ tâm thành của hậu thế đối với tiền nhân, Đền được phục dựng trên chính vị trí năm xưa với diện tích gần 10ha. Ngày 16/07/2015, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định số 3051 - QĐ/UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh đền Choọng trong niềm hân hoan của đồng bào các dân tộc anh em miền Tây Xứ Nghệ.
Con đường dẫn du khách lên đền là con đường uốn lượn như rồng bay phượng múa, Đền Choọng tọa lạc ở trung tâm Mường Choọng xưa - mảnh đất địa linh nhân kiệt, non nước hữu tình, tài nguyên thiên nhiên và đời sống tinh thần vô cùng phong phú, trên đồi đất hình mâm xôi có tên gọi là Pu Đên thuộc bản Choọng, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp ngày nay. Từ trên nhìn xuống có thể thấy hầu hết các bản, làng ở Mường Choọng, từ bản Xết, bản Cồn...
Từ trên nhìn xuống có thể thấy hầu hết các bản, làng ở Mường Choọng, từ bản Xết, bản Cồn...
Đền không chỉ mang dáng vẻ uy nghiêm mà còn mang dáng dấp hiện đại, mọi lưu truyền ở Mường Choọng, qua các lời kể của những người đi trước, kiến trúc Đền Choọng có bố cục như sau:
Nhà trên (thượng điện), kết cấu ba gian kiểu nhà kê, kẻ chuyền chụp tất cả làm bằng gỗ lim, chạm trổ tinh xảo, cách điệu hình rồng chầu, đầu rồng là đầu kẻ có hai mắt ngọc làm bằng đá hồng, đuôi hai đầu rồng giao nhau là chỗ đặt thượng ốc, bốn vì nhà là tám con rồng chầu rất đẹp. Chính giữa thượng điện, trên bàn thờ chính thờ Nàng Phốm Hóm có đặt hạt lúa to bằng quả bí (20*80cm), vỏ hạt lúa này làm bằng gỗ, bên trong đựng gạo để thờ, bên cạnh bàn thờ là bức tượng tác hình cô gái đang chải tóc.
Nhà dưới (hạ điện): kết cấu ba gian bằng gỗ lim, cột chôn, nơi đây uống nước, họp bàn, chuẩn bị tế lễ để lên đền chính.
Dưới chân Pu Đên là dòng Nậm Choọng ngày đêm rì rào chảy về xuôi, có vực sâu - nơi Nàng Phốm Hóm bị nước cuốn trôi. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, dòng chảy thời gian, nơi đây đang được gìn giữ, tôn tạo song hành cùng lịch sử dân tộc. Dấu ấn văn hóa tâm linh vẫn còn đây, những tảng đá kê chân cột đền và một số vật dụng, hằn in sâu thẳm tâm thức của người dân Quỳ Hợp. Những văn tự cổ, những phong sắc của Đền Choọng đã không còn vì vậy quá trình sưu tầm, nghiên cứu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tấm lòng hướng về cuội nguồn, nặng lòng với mảnh đất này luôn tìm hiểu, góp nhặt, xâu chuỗi những mảnh vỡ còn sót lại về huyền thoại Nàng Phốm Hóm. Câu chuyện được lưu truyền từ những già làng, người nhiều tuổi đã từng tham gia tế lễ ở Đền Choọng.
Vào năm 1424 - 1425, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, giải phóng miền Tây Nghệ An, tướng tài của nghĩa quân đã dừng chân tại đây chiêu binh, gom góp lương thực, đem lòng yêu thương, hẹn thề kết duyên chồng vợ cùng người con gái Thái tài sắc vẹn toàn trong vùng. Nàng được nghĩa quân tín nhiệm giao sứ mệnh chỉ huy gom góp lương thực nuôi quân. Người con gái ấy chính là Nàng Phốm Hóm, từ lúc sinh ra, nàng đã xinh đẹp, thông minh, lanh lợi hơn người, đặc biệt mái tóc nàng luôn thoang thoảng hương thơm hoa rừng, nàng đi tới đâu là mang theo may mắn và niềm vui tới đó. Không quản ngại vất vả, nàng đi đến tận từng nhà hướng dẫn bà con trong vùng làm ra thật nhiều lúa gạo, dệt nên nhiều tấm vải để phục vụ nghĩa quân kháng chiến. Nàng và dân làng luôn theo dõi tin thắng trận của nghĩa quân, cứ ngày ngày nàng và dân làng ra sức sản xuất, dệt lụa để phục vụ kịp thời cho nghĩa quân. Vào một buổi chiều, nàng ngồi bên mé sông Nậm Choọng gội đầu và nhớ về đức lang quân, cứ thẩn thơ vô tình đánh rơi chiếc lược, cố vươn tay với chiếc lược, nàng đã bị dòng nước cuốn trôi xuống vực thẳm. Được tin nàng mất, tuớng quân, binh lính tức tốc tìm về cùng dân làng ra sức tìm kiếm nhưng không thấy mà chỉ vớt được những sợi tóc thơm, chính là hồn thiêng của nàng còn sót lại.
Tại Đền Choọng, Đám Lục ngoạt tổ chức vào 2 ngày 15,16/6 (AL) hàng năm (đây có thể là ngày giỗ của Nàng Phốm Hóm)
Thương nhớ nàng, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ Nàng ngay trên đồi đất mà trong quá trình tìm kiếm Nàng mà đắp lên, lấy tên là Đền Choọng. Từ trong tiềm thức người dân Mường Choọng, Nàng Phốm Hóm là biểu tượng của vẻ đẹp công - dung - ngôn - hạnh của người con gái Thái, kết tinh của tình đoàn kết hai anh em dân tộc Kinh - Thái.
Do vậy, nơi đây có ý nghĩa tâm linh vô cùng đặc biệt, là điểm du lịch hấp dẫn không chỉ nhân dân Quỳ Hợp nói riêng mà nhân dân khắp nơi khi du lịch tâm linh tại mảnh đất Nghệ An địa linh nhân kiệt. Du khách về với Đền Choọng đều không chỉ mang trong mình tâm nguyện được tỏ lòng biết ơn công lao to lớn của Nàng Phốm Hóm, mà còn để tận hưởng nguồn linh khí trong lành mát mẻ và sẽ không quên được cảm giác say mê chìm đắm trong chốn cảnh đền mang lại.
Hàng năm có hai lễ chính:
Đám Lục ngoạt và Lễ Tất niên, Lục ngoạt tổ chức vào 2 ngày 15,16/6 (AL) hàng năm (đây có thể là ngày giỗ của Nàng Phốm Hóm). Trình tự tổ chức Lục ngoạt như sau: Ngày 15 bắt đầu tiến hành lễ rước linh giá từ Đền chính vượt qua dòng Nậm Choọng xuống đình Mường Choọng. Những người có chức sắc trong vùng và người dân Mường Choọng, khách thập phương cùng tham gia tế lễ. Đi đầu đoàn là phường trò với xiêm áo rực rỡ, vừa đi vừa hát chúc thần:
“Lăng bường tờ xâu phăng
Lăng nưa xa lắp tằng tàng
Màng xuồi Đên Choọng
Đầy pét va phai
Cái páy cái pa
Chủ côn xiếng dàn
Co Pạng pình Đên Choọng
Xưng lự tang lai”
Tạm dịch nghĩa:
“Nhà bên dưới cột chôn
Nhà bên trên lắp xà dựng trên tảng
Máng nước giữa hai nhà Đền Choọng
Dài 8 sải rưỡi
Người đi qua đi lại
Đều cảm thấy uy nghiêm
Đền Choọng có hai cây Khủa
Cao hơn mọi cây trong Mường”.
Cẩm Tú