Dạy tiếng Trung Quốc, tiếng Nga: Đúng 'lộ trình' nhưng vẫn hoang mang
Có hai vấn đề được dư luận quan tâm. Thứ nhất, Bộ đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai. Thứ hai, thí điểm đưa tiếng Trung, Nga, Nhật trở thành ngoại ngữ thứ nhất, bắt đầu dạy từ lớp 3 đến lớp 12 vào năm 2017.
Dư luận có nhiều ý kiến lo lắng con mình trở thành chuột bạch của những đổi mới, thí điểm, cải cách... triền miên của ngành. Nhưng thực tế, đây hoàn toàn không phải là vấn đề mới, nó là sự tiếp nối đúng lộ trình mà ngành giáo dục đặt ra từ nhiều năm trước.
Theo mục tiêu của đề án thì tiếng Anh sẽ trở thành ngôn ngữ thứ hai, ngoài ngôn ngữ thứ nhất là tiếng mẹ đẻ. Còn tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Nhật mới là ngoại ngữ thứ nhất. Ngoại ngữ thứ hai gồm Tiếng Hàn, tiếng Pháp, tiếng Đức.
“Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020, định hướng đến năm 2025” có khả thi?
Để trở thành ngôn ngữ thứ hai, nói như thầy giáo nổi tiếng Nguyễn Quốc Hùng trên báo chí, ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ chính thống dùng trong hành chính, giáo dục và quan hệ quốc tế. Như Singapore, Ấn Độ, Philippines đều sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính thức, chúng ta có thể nhìn bài học từ Singapore với cái tên Lý Quang Diệu, nhà kiến tạo với triết lý nổi tiếng: “Công nghệ phương Tây, văn hóa Phương Đông, giá trị Singapore”. Năm 2007, trong chuyến thăm Việt Nam, ông đã để lại lời khuyên với chúng ta: “Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”.
Lý Quang Diệu đã làm cuộc cách mạng khi quyết định chọn tiếng Anh là ngôn ngữ công sở và ngôn ngữ chung cho các chủng tộc khác nhau, trong khi vẫn công nhận tiếng Mã Lai, tiếng Hoa và tiếng Tamil. Trường học đều phải sử dụng tiếng Anh, khuyến khích người dân ngưng sử dụng các phương ngữ của tiếng Hoa.
Thập kỷ 1970, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Nanyang nói tiếng Hoa khó xin việc làm, đặc biệt là trong khu vực công vì không thông thạo tiếng Anh. Lý Quang Diệu đã có một “quyết định khó khăn”: sát nhập Đại học Nanyang vào Đại học Singapore trở thành Đại học Quốc gia Singapore. Việc này gây ảnh hưởng lớn, những người có công xây dựng Đại học Nanyang lên tiếng chống đối mạnh mẽ, nhất là các giáo sư nổi tiếng nói tiếng Hoa buộc phải đi học để dạy bằng tiếng Anh.
Nhưng Lý Quang Diệu đã đúng. Qua ba thập kỷ nhiệm quyền, Singapore đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, mặc cho dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên nghèo nàn.
Không biết ảnh hưởng lời khuyên của ông đến đâu, nhưng ngay sau đó chúng ta đã đưa ra đề án ngoại ngữ trên.
Từ khi Lý Quang Diệu quyết đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai, phải mất hơn 30 năm sau Singapore mới đạt được mức độ trung bình trong việc sử dụng tiếng Anh. Đề án của chúng ta mới đi được 8 năm, còn nhiều thời gian cho lộ trình này.
Còn nhiều thời gian nhưng người dân thì không khỏi lo lắng. Nhất là với những “kết quả ban đầu sau 8 năm” thực hiện đề án mới đây, phổ điểm môn thi tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 là thấp nhất trong các môn. Thực trạng dạy lẫn học tiếng Anh ở Việt Nam vẫn chủ yếu chú trọng dạy từ vựng, văn phạm, mẫu câu, xa rời đời thường và các chuẩn quốc tế với 4 kỹ năng nghe - nói - đọc - viết...
Vì vậy, theo đúng lộ trình mà làm, thì sau tiếng Anh là tiếng Nga, Trung, Nhật, rồi Đức, Pháp, Hàn không có gì sai. Nhưng nó vẫn đang khiến dư luận xã hội cảm thấy có gì đó rất không ổn ở đây.
Theo Nguyễn Gia/Thể thao & Văn hóa