Đẩy lùi tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa chọn TP Sầm Sơn là nơi tổ chức lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Thành phố xác định đây là một cơ hội tốt để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm đối với cán bộ, đảng viên, người lao động và các tầng lớp Nhân dân về ATVSLĐ. Tại buổi lễ phát động, đại diện lãnh đạo TP Sầm Sơn yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp cần xác định công tác ATVSLĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; từng bước cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Đối với người lao động cần nâng cao ý thức tự phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ; chấp hành các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn trong vận hành các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ...
Nhận thức rõ bảo đảm an toàn trong lao động sản xuất là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định việc phát triển bền vững, cùng với việc chú trọng đầu tư đổi mới các dây chuyền sản xuất công nghệ tiên tiến, hiện đại nhằm tăng giá trị sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà máy May xuất khẩu Sơn Hà (Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn) ở Khu Công nghiệp Bắc Sơn, phường Bắc Sơn (thị xã Bỉm Sơn) luôn quan tâm thực hiện công tác ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ, cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động.
Lễ phát động Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022 được tổ chức tại TP Sầm Sơn (Thanh Hóa). |
Vì vậy, tất cả các công đoạn, từ khâu thiết kế đến giai đoạn thành phẩm đều được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại. Đặc biệt, công ty luôn chú trọng đến an toàn máy móc, thực hiện kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm vật tư, nguyên liệu và giảm tác động xấu đến môi trường như bụi, rác thải, tiếng ồn. Cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức mới về lĩnh vực ATVSLĐ; phổ biến rộng rãi nội quy, quy chế về ATVSLĐ, các yếu tố nguy hiểm, độc hại có thể gây TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và các biện pháp phòng ngừa.
Bên cạnh đó, việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ, nâng cao chất lượng bữa ăn ca, tạo môi trường làm việc tốt, phân bổ chế độ làm việc, nghỉ ngơi hợp lý cho người lao động được quan tâm... công tác bảo đảm ATVSLĐ được chú trọng nên công ty chưa xảy ra sự cố trong sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng nâng cao nhận thức cho người lao động về tính ưu việt của Quỹ bảo hiểm An toàn lao động.
Để bảo đảm an toàn tính mạng cho người lao động và tài sản của doanh nghiệp, Công ty TNHH Giầy Rollsport Việt Nam đóng tại Khu Công nghiệp Hoàng Long đã xây dựng một quy trình làm việc an toàn và hiệu quả. Ngoài việc trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, bảo hộ phòng hộ cá nhân cho người lao động, công ty triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ bằng nhiều hoạt động thiết thực.
Cử lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ tham gia các lớp tập huấn, huấn luyện và cấp thẻ ATVSLĐ. Gắn phát động các phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất với việc phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải thiện điều kiện làm việc, tìm kiếm các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường, hạn chế và ngăn ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp...
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh hiện có trên 18.000 doanh nghiệp và gần 1.000 HTX, tổ hợp tác đang hoạt động. Nhằm hướng tới mục tiêu bảo đảm các điều kiện làm việc an toàn cho người lao động, năm 2021 HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về chương trình ATVSLĐ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; UBND tỉnh cũng ban hành các kế hoạch triển khai, thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2022; các quyết định về việc kiện toàn, quy chế làm việc của hội đồng ATVSLĐ tỉnh và các văn bản hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền về ATVSLĐ bằng việc in, phát hành các ấn phẩm, tờ rơi. Ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền; xây dựng, phát hành các ấn phẩm, thông điệp, phóng sự, cảnh báo phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp; tăng cường đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, cải thiện điều kiện làm việc tại nơi làm việc...
Hằng năm, các cấp, các ngành đã tổ chức các lớp tập huấn, huấn luyện cho cán bộ làm công tác quản lý Nhà nước về ATVSLĐ, người sử dụng lao động, người lao động phụ trách công tác ATVSLĐ, người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động... Đối với các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác quản lý sức khỏe người lao động, quan trắc môi trường lao động, kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.
Thực hiện công tác quản lý Nhà nước, các ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác ATVSLĐ; xử lý nghiêm những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm công tác ATVSLĐ. Thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án của Trung ương, địa phương về ATVSLĐ, khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đóng góp nguồn lực và triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động.
Tổ chức hội nghị, hội thảo đánh giá tình hình TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, phân tích các nguyên nhân dẫn đến TNLĐ để có biện pháp phòng ngừa, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm... Qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, giảm thiểu rủi ro về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp.