Đây là lý do vì sao không nên nghe hay học theo hoàn toàn những thói quen của tỷ phú hay người thành công, bạn có thể mất mạng vì nó đấy!
Trên các trang tin doanh nghiệp, người ta vẫn thường chú ý đến những mẩu tin về thói quen của tỷ phú, cuộc sống thường nhật của người thành đạt hay các bí quyết làm giàu. Chẳng có gì là lạ khi mọi người muốn noi theo thành công của những danh nhân, ví dụ như Tim Cook khi vị giám đốc điều hành Apple này thường dậy vào 3h45 sáng để kiểm tra thư điện tử.
Rất nhiều người đã noi theo thói quen này của Tim Cook khi dậy từ sáng tinh mơ để làm việc với suy nghĩ rằng người thành công đã làm như vậy thì họ cũng sẽ thành công nếu làm như thế. Nhưng sự thật có phải như vậy?
Sự nhầm lẫn tai hại
Có lẽ, những bài báo viết về các thói quen này muốn cổ vũ tinh thần làm việc cũng như nâng cao thái độ của nhân viên nhằm noi theo những người thành đạt. Tuy vậy, tờ Economist cho rằng việc bắt chiếc chính xác những điều này chẳng thể đưa công ty bạn lên top đầu cũng như đem lại hiệu quả vượt trội về lâu dài. Có chăng, nếu bạn dậy sớm bất chấp tình hình sức khỏe, công việc, gia cảnh… thì những gì bạn nhận được chỉ là tờ đơn điều trị của bệnh viện hay giấy ly hôn của người vợ.
Hãy suy xét cẩn thận khi bắt chiếc thói quen của người thành đạt
Tương tự với những thói quen đi làm trễ hay thảnh thơi giải quyết công việc, những bài báo ca ngợi người thành đạt thường nâng tầm các doanh nhân này, biến họ thành thứ gì đó khó chạm đến. Nhà sáng lập Jeff Bezos của Amazon cho biết ông hay ngủ nướng vào buổi sáng, thảnh thơi đọc báo ăn sáng uống cà phê trước khi có cuộc họp lúc 10h.
Nghe có vẻ hay ho nhưng chúng chẳng phù hợp cho sự thành công đối với những công nhân làm tại các kho xưởng của Amazon. Báo cáo của Liên đoàn lao động Anh cho biết nhân viên Amazon tại đây chỉ có 2 ca làm việc duy nhất là 7h sáng-5h chiều hoặc 5h45 chiều-4h15 sáng. Cả 2 ca làm việc này khiến khiến bất kỳ nhân viên nào cũng khó có thể thảnh thơi uống cà phê đọc báo được như Bezos.
Nhà sáng lập Richard Branson của Virgin Group cho biết chả có thứ gì làm phiền ông hơn việc nhân viên đi làm muộn. Câu tuyên bố này của ông khiến những hành khách sử dụng dịch vụ tàu cao tốc của Virgin cười bò bởi 1/5 số chuyến tàu chạy bởi hãng trong 12 tháng qua đã trễ giờ.
Chuyện đúng giờ luôn là điều mọi người mong muốn, từ nhân viên cho đến quản lý. Tuy nhiên, những nhà quản lý cấp cao không phải tranh thủ đưa con đến trường, lạng lách tránh kẹt xe hay vô vàn những công việc lặt vặt quấn thân.
Các danh nhân, những người thành đạt thường được bao quanh bởi rất nhiều phụ tá giúp đỡ họ trong công việc lẫn cuộc sống, từ thư ký cho đến lái xe, bảo vệ cho đến đầu bếp riêng… tất cả chỉ để họ tập trung gặt hái thêm thành công cho công việc.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu những thói quen của các tỷ phú này có thực sự phù hợp để dẫn những nhân viên quèn, những nhà khởi nghiệp không có gì trong tay hay những bạn sinh viên còn trên ghế nhà trường đến thành công được hay không?
Câu trả lời thật khó bởi cuộc sống và gia cảnh mỗi người khác nhau. Chính Jack Ma của Alibaba đã từng nói đừng bắt chước ông ấy mà hãy trở thành chính bạn. Các sếp lớn có thể có thời gian thể dục đều đặn hàng sáng, nhưng những nhân viên quèn có gia đình thì không thể làm điều đó khi còn có con nhỏ chờ bữa sáng đến trường.
Những người nổi tiếng không có cuộc sống vất vả như những người thường đang có
Thậm chí một quản lý cấp trung có lương hậu hĩnh cũng chưa chắc tìm được thú vui tao nhã mà những chủ tịch cấp cao có bởi hàng đống cuộc gọi lẫn email đổ lên đầu.
Đôi khi chúng ta bị nhầm lẫn giữa những thói quen cá biệt với định lý chung dẫn đến thành công. Có thể CEO Tim Cook thấy thực sự tỉnh táo khi làm việc từ 6h45 sáng nhưng điều đó chưa chắc đúng với bạn. Nếu dậy sớm và làm việc cật lực là chìa khóa dẫn tới thành công thì những người làm 2 công việc một lúc hay các nữ hộ sĩ trực ca đêm đã giàu to.
"Tôi nghe nói cố sức làm việc chăm chỉ chưa giết chết người nào, nhưng tôi thà tránh xa nó ra thì hơn", Cựu tổng thống Ronald Reagan từng tuyên bố như vậy khi trở thành người lãnh đạo nền kinh tế số 1 thế giới.
Họ cũng chỉ là con người
Phần lớn những doanh nhân thành đạt, những nhà quản lý đại diện cho bộ mặt của công ty được tô vẽ lên mức "thần thánh" để tạo động lực cho nhân viên làm việc. Hầu như chẳng có ông sếp nào thừa nhận họ sẽ ngồi thảnh thơi ăn nhậu với bạn bè, gia đình vào tối thứ 6 hay cuối tuần. Thay vào đó, những câu chuyện như tập thiền hay đọc sách hoàn thiện bản thân… được báo chí nêu lên như một tấm gương sáng cho các nhân viên.
Thậm chí, một số thói quen của tỷ phú như Steve Jobs hay Mark Zuckerberg khi họ ăn mặc đơn giản hàng ngày cũng bị thần thánh hóa. Nếu bạn là một nhân viên bán hàng chắc chắn bạn sẽ hiểu tầm quan trọng của việc ăn mặc như thế nào.
Theo Economist, việc công ty và nhân viên bị cuốn theo các quan điểm thần thánh hóa của nhà quản lý có thể đem lại nhiều rủi ro. Henry Ford đã có thành công rực rỡ với dòng ô tô Model T, trở thành một trong những người tiên phong cho thị trường xe hơi. Tuy vậy, việc ghét thay đổi khiến Ford dần lỗi thời và bị thất thế khi những hãng xe khác tham gia cuộc chơi. Tệ hơn, việc Henry không thích nợ nần khiến Ford từng có thời gian không chấp nhận khách hàng vay nợ trong khi các hãng đối thủ hào phóng cho mọi người trả góp.
Thậm chí, những đam mê của người nổi tiếng cũng chưa chắc đem lại thành công. Ví dụ như CEO Jimmy Cayne khi đang mải mê xây cầu tại Nashville thì ngân hàng Bear Stearns của ông lại đứng trước bong bóng sụp đổ năm 2008. Hệ quả là ngân hàng này không thể liên lạc được với CEO của mình bằng điện thoại hay email để rồi phá sản trong cơn bão khủng hoảng.
Suy cho cùng, các doanh nhân thành đạt hay tỷ phú cũng chỉ là con người. Những câu chuyện đời thường về họ chỉ mang tính chất động viên hơn là bí kíp để đưa mọi người đến với thành công như họ đã từng làm.
"Đừng bắt chước tôi, hãy trở nên giỏi hơn tôi. Đó mới là mục tiêu cuộc sống", Tượng đài Michael Jordan của làng bóng rổ nói.
AB