Đây là câu trả lời tại sao những chiếc xe tăng bay T-90 lại bán chạy nhất thế giới
Tại Diễn đàn Kỹ thuật - Quân sự Quốc tế ARMY-2017, một hợp đồng lớn về việc Nga bán vũ khí cho Iraq đã được ký kết. Những thông tin chi tiết của bản hợp đồng chưa được tiết lộ; nhưng báo cáo từ tập đoàn Uralvagonzavod (UVZ) nơi sản xuất những chiếc T-90 cho biết, năm 2017 họ sẽ thực hiện hai hợp đồng cung cấp xe tăng T-90S/SK cho khu vực châu Á.
Hợp đồng đầu tiên là việc cung cấp 64 xe tăng được ký kết với khách hàng nước ngoài có mã hiệu "704", hợp đồng thứ hai với khách hàng có mã "368" với số lượng 73 xe. Theo theo phân loại quốc gia của Nga (OKSM), mã hiệu trên đó là Việt Nam và Iraq.
Được phát triển trên nền tảng cơ sở của chiếc T-72 từ thời Liên Xô, chiếc T-90 trở thành chiếc xe tăng thành công nhất trong những thập niên gần đây.
Mặc dù bước vào thế kỷ 21, khi vai trò của xe tăng trên chiến trường không còn được đánh giá cao; nhưng từ khi ra đời (năm 1992) đến nay, hơn 2000 chiếc T-90 các phiên bản đã được sản xuất, trong đó có 1500 chiếc được xuất khẩu. Danh sách khách hàng mua T-90 ngày càng dài, từ chảo lửa Trung Đông đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương; từ Mỹ Latinh tới châu Phi…
Điều đó càng khẳng định được thương hiệu xe tăng Nga nói chung và dòng xe tăng T-90 nói riêng.
Xe tăng bay T-90
Đâu là nguyên nhân xe tăng T-90 vẫn là hàng "hot" và được nhiều nước quan tâm; trong khi nhu cầu về xe tăng chủ lực trên thế giới vẫn đang trên đà suy giảm? Chuyên gia quân sự Sergei Suvorov của Viện Khoa học Quân sự Nga cho chúng ta biết một số lý do:
Phiên bản xuất khẩu tương đương phiên bản nội địa
Khắc phục tình trạng vũ khí xuất khẩu trước đây của Liên Xô thường bị bớt đi nhiều tính năng so với phiên bản nội địa, thì hiện nay Nga đã khắc phục triệt để vấn đề này theo yêu cầu của khách hàng. Nếu khách hàng có yêu cầu cao, phía Nga cũng sẵn sàng đáp ứng. Phiên bản T-90MS (phiên bản xuất khẩu) là một ví dụ cụ thể.
T-90MS được xây dựng trên nền tảng kỹ thuật số theo cấu trúc modul, có nhiều cải tiến mới. Nó đã vượt qua tất cả các phép thử và cho kết quả tuyệt vời. T-90MS đã được thử nghiệm ở khu vực Trung Đông và Mỹ Latinh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, bao gồm cả ở các khu vực có nhiệt độ rất cao như trên sa mạc.
Theo ông Alexey Maslov, đại diện đặc biệt của tập đoàn UVZ cho biết: Phiên bản T-90MS có mức độ tự động hóa cao, khả năng tự kiểm tra và đưa ra các thông tin xử lý cho cả kíp xe và nhân viên bảo dưỡng kỹ thuật.
Với một thiết kế mở; nếu muốn, khách hàng có thể được lắp các trang bị sản xuất ở nước ngoài, như thiết bị truyền tin, điều hòa không khí và một số thiết bị khác.
T-90MS có tiềm năng hiện đại hóa cao, thiết kế của chiếc xe tăng này kết hợp những thành tựu mới nhất trong việc chế tạo xe tăng của Nga, bao gồm thiết kế loại đạn mới với khả năng xuyên phá cao, cho phép tiêu diệt mục tiêu từ xa, vỏ giáp được nâng cấp cũng như những thiết bị trong xe được cải tiến so với các phiên bản trước.
Xe tăng T-90MS.
Từ sự thành công trong cuộc chiến tại Sirya
Kể từ khi cuộc nội chiến ở Sirya nổ ra, nhiều loại vũ khí hiện đại đã được thử nghiệm tại chiến trường khốc liệt này, trong đó có xe tăng T-90 của Nga. Mặc dù chỉ là những phiên bản đời đầu, tuy nhiên những chiếc xe tăng T-90A tham chiến tại Sirya là những chiến xa chịu ít thiệt hại nhất, điều này cho thấy mức độ bảo vệ cực tốt của xe.
Thực tế cho thấy, chưa có một chiếc T-90A nào bị bắn cháy khi trực tiếp tham chiến. Những lần bị bắn hạ, phần lớn khi kíp xe đang ở vị trí trú quân hoặc đang tiếp tế hậu cần. Lúc này, các hệ thống phòng vệ chủ động của xe tăng không sẵn sàng hoạt động, nên tên lửa của phiến quân mới có cơ hội gây thiệt hại cho những chiếc T-90A của quân đội Sirya.
Theo phó giám đốc của UVZ Vyacheslav Khalitov, T-90 được trang bị khả năng phòng hộ cao với hệ thống bảo vệ chủ động và thụ động. Những tên lửa chống tăng TOW-2 do Mỹ chế tạo đã không gây ra bất kỳ thiệt hại đáng kể nào. Trong khi đó những chiếc Leopard của Đức, M1-Abram của Mỹ cũng như các xe tăng thế hệ cũ liên tục bị các loại vũ khí chống tăng tiêu diệt.
Giá cả hợp lý
Sự thành công của chiếc T-90 có thể được giải thích bởi một số lý do. Một trong những ưu điểm chính là tỷ lệ giá cả hợp lý nhưng có chất lượng tối ưu nhất. Theo thông báo của nhà sản xuất, giá xuất khẩu của chiếc T-90S là khoảng 2,5 triệu USD, các bản nâng cấp T-90MS giá 4,3 triệu USD.
Mức giá trên nếu so với các loại xe tăng chủ lực của nước ngoài có tính năng tương đương thì vẫn rẻ hơn nhiều; đơn cử chiếc M1-Abrams giá 6 đến 8 triệu USD (tùy phiên bản), Leopard của Đức giá 10 triệu USD/chiếc.
Trung Quốc nổi danh là nhà sản xuất vũ khí giá rẻ, nhưng phiên bản MBT VT-4 của họ cũng có mức giá 5,3 triệu USD/xe. Những mức giá này không hề "dễ chịu" với những nước có ngân sách quốc phòng eo hẹp.
Xe tăng M1 Abrams không phải là một trở ngại
Quân đội Mỹ đã luôn khẳng định rằng xe tăng M1 Abrams của họ là tốt nhất trên thế giới, nhất là về hệ thống chiến đấu. Tuy nhiên, Trung tướng Lục quân Mỹ John Murray thừa nhận rằng, hiện tại sự phát triển công nghệ của xe tăng Abrams đã "đạt đến giới hạn của nó".
Vì vậy, quân đội Mỹ phải tính đến phương án chế tạo một xe tăng hoàn toàn mới, bởi vì trong một tương lai gần, không có bất kỳ một công nghệ đột phá nào có thể chế tạo một chiếc MBT có trọng lượng và tính năng tương tự như chiếc T-90.
Nếu quân đội Mỹ tiếp tục phát triển một chiếc tăng có trọng lượng đến 75 tấn như chiếc Abram thì đó sẽ là một sai lầm, John Murray kết luận như vậy.
Việc các quốc gia lựa chọn T-90 không phải là ngẫu nhiên, hiện tại nó là chiếc MBT có trọng lượng nhẹ nhất trong các MBT cùng tên tuổi. T-90 có trọng lượng 46,5 tấn: nhẹ hơn Leclerc của Pháp và Leopard Đức 12 tấn; so với chiếc M1A2 Abrams của người Mỹ, chiếc T-90 nhẹ hơn đến 20 tấn.
Trọng lượng nhẹ không chỉ giúp nó cơ động dễ dàng và kín đáo trên chiến trường, mà kinh phí khai thác cũng ít hơn. Đồng thời nó còn dễ dàng di chuyển bằng các phương tiện vận tải đường bộ, đường sắt và cả đường không.
Xe tăng M1A2 Abrams.
Dự trữ hành trình chiến đấu của T-90 là 500 km, trong khi đó chiếc M1-Abrams chỉ có 410 km. Chiếc T-90 hiện đại nhất được trang bị động cơ đa nhiên liệu V-92S2F, công suất 1130 mã lực (831 kW), làm mát bằng chất lỏng; cho phép chiếc xe di chuyển trên đường và trên địa hình gồ ghề với tốc độ lên đến 70 km/h trong phạm vi trên 500 km mà không cần tiếp nhiên liệu.
Mức độ tin cậy và khả năng bảo trì, T-90 cao hơn nhiều so với M1-Abrams.
Còn những chiếc MBT M1A2 Abrams thường xảy ra các sự cố về hệ thống bánh xích khi đi vào những khu vực cát dày. Cơ cấu truyền động thường quá nhiệt sau khi vượt qua các địa hình phức tạp dưới thời tiết nắng nóng.
Điểm yếu nhất của M1 Abrams đó là động cơ tăng áp ATG-1500 rất hay trục trặc và xảy ra hỏng hóc nặng. Lượng nhiên liệu tiêu thụ vẫn là vấn đề gây ra nhiều lo lắng nhất, vì chúng đòi hỏi năng lực chi viện, bảo đảm hậu cần - kỹ thuật rất lớn. Hệ thống lọc gió của M1 Abrams cũng là vấn đề khi hoạt động trong môi trường cát bụi.
Hiện nay, M1-Abrams không thể đạt được hoạt động tác chiến hiệu quả với quân đội nào khác ngoài Lục quân Mỹ. Lục quân Mỹ là lực lượng duy nhất có khả năng cung cấp năng lực sửa chữa cơ động trên mọi địa hình, khả năng chi viện từ các lực lượng hộ tống.
Danh sách khách hàng không dừng lại
Ngay từ năm 2001, Ấn Độ đã ký hợp đồng mua 124 chiếc T-90S hoàn chỉnh và phụ tùng để lắp ráp 186 chiếc khác.
Năm 2004 Nga và Ấn Độ đã ký tiếp một hợp đồng lớn hơn, đồng thời chuyển giao công nghệ sản xuất loạt tại Ấn Độ. Trong hợp đồng, Nga sẽ cung cấp 124 chiếc hoàn chỉnh và phụ tùng để lắp ráp 223 chiếc.
Tổng cộng hai hợp đồng trên, Ấn Độ đã mua của Nga 657 chiếc T-90 các phiên bản. Hiện nay, dù đã có xe tăng chiến đấu chủ lực nội địa Arjun, nhưng Lục quân Ấn Độ vẫn đang đàm phán mua tiếp của Nga 464 chiếc T-90MS để tạo ưu thế với đại kình địch Pakistan và người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.
Tại khu vực Trung Á, Azerbaijan đã nhận 94 chiếc T-90S từ năm 2013. Turkmenistan nhận được 10 chiếc T-90S trong năm 2009; năm 2011, một hợp đồng đã được ký kết để cung cấp thêm 30 chiếc.
Tại châu Phi, từ năm 2006-2012 Algeria nhận được 308 xe tăng T-90SA thông qua 2 hợp đồng ký với Nga. Vào năm 2014, Rosoboronexport đã ký hợp đồng thứ ba để cung cấp thêm 200 xe khác. Theo thỏa thuận này, khoảng 100 chiếc T-90SA đã được giao từ Nga vào các năm 2015-2016.
Năm 2010, Uganda đã ký hợp đồng mua 44 chiếc T-90S và đã được giao đầy đủ vào năm 2011.
Xe tăng bay T-90
Trong số khách hàng tiềm năng mua T-90, các chuyên gia đánh giá Việt Nam, Indonesia, Kazakhstan, Kuwait và Thái Lan có thể là những khánh hàng lớn tiếp theo.
Theo số liệu đã công bố của tạp chí Forbes, trong những năm tới, xe tăng T-90 sẽ được bán ít nhất thêm 1.000 chiếc nữa. Nhưng với những cuộc đàm phán đang diễn ra với Kuwait và Ấn Độ thì triển vọng đơn đặt hàng có thể hơn 1600 chiếc trong tất cả các biến thể.
Xe tăng T-90 đấu với tên lửa TOW
Như vậy, với tính năng độc đáo, hiện đại, bền bỉ, chi phí khai thác sử dụng thấp và một giá cả hợp lý cũng như việc T-90 đã khẳng định uy tín khi thực chiến, xe tăng T-90 của Nga trong tương lai vẫn là mặt hàng bán chạy, bất chấp thị trường xe tăng chủ lực thế giới rơi vào cảnh ảm đạm như thời gian qua.
Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / BQP