Theo Tiến sĩ Ka Mathul, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, trong kháng chiến chống Pháp, lực lượng cách mạng Campuchia và Việt Nam đã cùng nhau đoàn kết, đấu tranh để giành lại độc lập cho đất nước mình từ chế độ thực dân đô hộ. Ngay từ giai đoạn đó, quân đội Việt Nam đã cho thấy vai trò quan trọng trong chiến đấu trên mọi mặt trận. “Ở đây chúng ta thấy Việt Nam có Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị Anh hùng kiệt xuất trong lãnh đạo phong trào đấu tranh chống áp bức. Người đã sáng lập, giáo dục, rèn luyện các chiến sĩ về tư tưởng cách mạng, đường lối đấu tranh; xây dựng quân đội Việt Nam trở thành đội quân mạnh nhất Đông Dương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ba nước Campuchia, Lào và Việt Nam trong việc đánh đổ chế độ thực dân cai trị”. Vẫn theo nhà nghiên cứu, sau khi giành độc lập từ thực dân Pháp, Việt Nam và Campuchia tiếp tục giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược. Việt Nam giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975; Campuchia được giải phóng trước đó, vào ngày 17/4/1975. Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh: TTXVN) “Riêng Campuchia, như chúng ta đã biết, sau khi đánh đuổi đế quốc và tay sai, người dân hy vọng sẽ có hòa bình, nhưng thực tế đã ngược lại mong chờ đó. Nhân dân Campuchia chịu cảnh lầm than dưới chế độ diệt chủng Pol Pot. Chúng tàn sát chính người dân nước mình và cả nhân dân Việt Nam”. Tiến sĩ Ka Mathul chia sẻ, trong hoàn cảnh đó, những người Campuchia yêu nước đã đứng lên thành lập Mặt trận Đoàn kết cứu nước Campuchia vào ngày 2/12/1978. Mặt trận kêu gọi và nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ kịp thời của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân Việt Nam. Thực tế, nếu không có quân đội Việt Nam giúp đỡ khi đó thì không thể chiến thắng lực lượng Khmer Đỏ. “Hòa bình Campuchia có được là từ sự giúp đỡ của bộ đội Việt Nam. Tôi cho rằng, chính mối quan hệ đoàn kết, gần gũi giữa quân đội hai nước đã giúp giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng. Đó chính là yếu tố sống còn quan trọng nhất. Những chiến sĩ Việt Nam dũng cảm đã hy sinh xương máu của mình để cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi “cánh đồng chết” do chế độ Khmer Đỏ gây nên trong 3 năm 8 tháng 20 ngày. Nếu không có sự giúp đỡ quý báu chân thành đó thì có lẽ nhân dân Campuchia không còn tồn tại trên đất nước mình nữa”. Nhân dân tỉnh Ratanakiri (đông bắc Campuchia) đón chào các lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam về giải phóng phum, sóc. (Ảnh: TTXVN) Khẳng định những đóng góp to lớn của Quân đội nhân dân Việt Nam trong những năm tháng giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, vượt quan muôn vàn khó khăn, xây dựng và phát triển đất nước trong hòa bình, ổn định, học giả Ka Mathul bày tỏ vui mừng trước quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước hiện nay ngày càng tiếp tục được củng cố và nâng cao. Nhờ có cơ chế hợp tác tích cực và chặt chẽ, quân đội hai nước thường xuyên phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương ngăn chặn kịp thời các hoạt động bất hợp pháp xuyên biên giới; làm thất bại các âm mưu chống phá của mọi thế lực phản động; gìn giữ hòa bình và cuộc sống bình yên cho nhân dân mỗi nước. Học giả Viện Hàn lâm cho biết, về hợp tác đào tạo, từ năm 1979 đến nay, Việt Nam vẫn luôn tiếp nhận học viên quân đội Campuchia sang học các khóa học dài hạn và ngắn hạn. Hiện nay, những cán bộ được học tập và đào tạo ở Việt Nam đã trở thành nguồn nhân lực vững vàng của Quân đội Hoàng gia. Hơn 3 vạn dân thủ đô Phnom Penh lưu luyến tiễn các chiến sĩ Quân đoàn 4 - Binh đoàn Cửu Long quân tình nguyện Việt Nam hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, lên đường trở về nước, sáng 3/5/1983. (Ảnh: TTXVN) Ông Ka Mathul cũng bày to vui mừng khi thấy trước đây sinh viên Việt Nam sang học tại Campuchia chỉ đơn thuần là dân sự, nhưng hiện nay đã có sinh viên quân đội sang học tiếng Khmer. Điều này cho thấy, khi hai bên hiểu ngôn ngữ của nhau thì càng hiểu biết về nhau nhiều hơn. Điều đó giúp sự hợp tác trên lĩnh vực quốc phòng giữa hai nước ngày càng đạt hiệu quả cao hơn. “Tôi cho rằng, việc Quân đội Việt Nam cử sinh viên sang học tiếng Khmer tại Campuchia là rất có ý nghĩa. Ngày nay, trong các cuộc chiến tranh, yếu tố khoa học-kỹ thuật có vai trò cực kỳ quan trọng. Việc quân đội hai nước thường xuyên gặp gỡ trao đổi, tăng cường hiều biết và giúp đỡ lẫn nhau trong công tác đào tạo, phối hợp phòng chống tội phạm là rất cần thiết”. Phó Giám đốc Viện Quan hệ quốc tế Campuchia nhiệt liệt chúc mừng Quân đội nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập, đồng thời bày tỏ mong muốn quân đội và nhân dân hai nước tiếp tục phát huy những thành quả to lớn trong quan hệ hợp tác hữu nghị, được Quốc vương Norodom Sihanouk và Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng nhiều thế hệ lãnh đạo của hai nước dày công xây dựng và vun đắp. |
|
Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường đại học Chiết Giang. |
Quân đội hai nước đã từng kề vai sát cánh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, hợp tác quốc phòng đã thực sự trở thành trụ cột quan trọng, ngày càng thực chất trong tổng thể quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược. Đây là nhận định của Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam thuộc Trường đại học Chiết Giang (Trung Quốc) khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Trung Quốc. Theo vị học giả này, mối quan hệ hợp tác giữa quân đội hai nước có lịch sử lâu đời, với tình hữu nghị sâu đậm được hình thành trong quá trình kề vai sát cánh, cùng chiến đấu chống thực dân, đế quốc xâm lược. Những năm 50 của thế kỷ trước, khi mới giành thắng lợi trên phạm vi toàn quốc, với nhiều vết thương chiến tranh chưa lành, nền kinh tế còn chưa phục hồi, Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn quyết định hỗ trợ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam, cả về nhân lực, vật lực và quân sự. Những nhân vật tiêu biểu như La Quý Ba, Vi Quốc Thanh, Trần Canh đã tham gia hiệu quả vào công tác cố vấn về chính trị, quân sự, góp phần vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của quân đội Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. (Ảnh: TTXVN) Trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Trung Quốc đã cung cấp nhiều vũ khí, đạn dược, vật tư, thuốc men, nhu yếu phẩm cho quân đội Việt Nam, hỗ trợ điều trị thương bệnh binh; cử hàng chục nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia công tác phòng không, xây dựng và sửa chữa cầu đường, hạ tầng thiết yếu, vận tải và rà phá bom mìn… Vị tướng Việt Nam Nguyễn Sơn-Hồng Thủy tham gia cách mạng Trung Quốc từ khi 16 tuổi, trải qua khởi nghĩa Quảng Châu, cuộc Vạn lý trường chinh của Hồng quân và kháng chiến chống Nhật, là người nước ngoài duy nhất được phong hàm tướng đợt đầu tiên của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc, giai thoại về vị “lưỡng quốc tướng quân” này đã viết nên câu chuyện lịch sử sinh động về sự kề vai sát cánh, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau của quân và dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc. Từng nhiều lần đảm nhận công việc phiên dịch cho các đoàn đại biểu Quân đội nhân dân Việt Nam thăm và làm việc tại Trung Quốc, Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình được tận mắt chứng kiến và cảm nhận tình hữu nghị vĩ đại và mối quan hệ hợp tác thiết thực của quân đội hai nước trong nhiều năm qua. Để hiện thực hóa định vị “6 hơn”, bao gồm “hợp tác quốc phòng, an ninh thực chất hơn” trong quan hệ hai nước được các nhà lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước nhất trí xác lập, ông Thành Hán Bình cho rằng, cần thúc đẩy những bước đi vững chắc và thực chất trong hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc. Muốn vậy, quân đội hai nước cần tăng cường tin cậy, đề ra những kế hoạch, lộ trình hành động cụ thể, cùng góp phần vào duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực; tích cực chia sẻ thông tin về phòng chống khủng bố, phòng chống “diễn biến hòa bình” và cách mạng màu, hợp tác đào tạo nhân lực… Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức gặp mặt các cựu chiến binh, chuyên gia Trung Quốc tham gia giúp cách mạng Việt Nam, ngày 9/12/2024, tại Bắc Kinh. Trong ảnh: Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (trái) và Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến (phải), Thứ trưởng Quốc phòng thăm hỏi các cựu chiến binh Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN) Đánh giá về vai trò của hợp tác quốc phòng trong tổng thể quan hệ hai nước, Giáo sư, Tiến sĩ Thành Hán Bình cho rằng, Việt Nam và Trung Quốc đều là những nước xã hội chủ nghĩa, quân đội được xác định là "vũ khí sắc bén để bảo vệ thể chế của Nhà nước", việc tăng cường giao lưu, hợp tác, trao đổi giữa quân đội hai nước với vai trò là trụ cột trong quan hệ song phương, có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp cho cả hai bên cùng nhau đẩy lùi "diễn biến hòa bình" dưới bất kỳ hình thức nào, bảo vệ vững chắc, hiệu quả chế độ xã hội chủ nghĩa. Vị học giả Trung Quốc bày tỏ hy vọng trong tương lai, hợp tác giữa quân đội hai nước sẽ có những bước tiến triển thực chất, vững chắc theo hướng nâng cao nhận thức để đạt được mức độ tin cậy chiến lược ở mức cao, đi sâu vào một số lĩnh vực hợp tác cụ thể, thực chất, trở thành biểu tượng của lòng tin chiến lược giữa hai bên. |
Chuyên gia quân sự cấp cao Igor Korotchenko, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng của Nga. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Mở đầu cuộc trò chuyện, ông Igor Korotchenko nhấn mạnh, sự hình thành và phát triển của quân đội nhân dân Việt Nam là thời điểm then chốt trong lịch sử dân tộc, là sự kiện quan trọng nhất trong cuộc đấu tranh chống thực dân nước ngoài để thành lập nước Việt Nam độc lập. Ở Việt Nam, người dân luôn ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - nhà cách mạng sáng suốt, nhà quân sự kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Còn ở Nga, con người vĩ đại này luôn được tưởng nhớ và kính trọng. Bằng sức mạnh khối óc, ý chí và trí tuệ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên lịch sử, mở ra một thời đại mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN) Như Vladimir Ilyich Lenin từng nói: “Tư tưởng khi đã thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành lực lượng vật chất”. Chính hoạt động lý luận và thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp nhân dân Việt Nam thoát khỏi xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chuyên gia quân sự Nga khẳng định, đến nay, quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội duy nhất trên thế giới có thể đánh bại quân đội Mỹ trong một cuộc xung đột quân sự trực tiếp. Đây là thắng lợi nổi bật xét từ mọi góc độ. Trước hết, đó là sự dũng cảm, kiên cường của quân và dân Việt Nam. Từ đây, hai miền Bắc-Nam về chung một mái nhà, với tên gọi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Người dân Nga đánh giá cao, ca ngợi quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội chiến thắng, kiên cường, hiệu quả, được trang bị tốt, có tinh thần chiến đấu cao, sở hữu đội ngũ quân nhân “tinh nhuệ” tuyệt đối trung thành với Đảng và nhân dân. Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào Quân giải phóng, ngày 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN) Về chính sách quốc phòng hiện nay của Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Quốc phòng của Nga cho biết, Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, có trách nhiệm, có vai trò quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam tiếp tục tuân thủ chính sách phòng thủ “bốn không”, bao gồm từ chối tham gia liên minh quân sự, không cho phép sự hiện diện căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam và không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong các quan hệ quốc tế. Chính sách đối ngoại của Việt Nam dựa trên độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện. Trong giải quyết tranh chấp, Việt Nam nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Cách tiếp cận này dựa trên tư duy chiến lược của Việt Nam, được phát triển và dựa trên kinh nghiệm lịch sử dân tộc nhiều thế kỷ. Đề cập quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong lĩnh vực quốc phòng, ông Igor Korotchenko chia sẻ, thời gian gần đây, Nga và Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm đặc biệt dựa trên tình hữu nghị thủy chung và hợp tác cùng có lợi trong suốt 70 năm qua. Tháng 12/2021, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã ký Thỏa thuận liên Chính phủ về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt và Bản ghi nhớ liên bộ về hợp tác trong lĩnh vực lịch sử quân sự. Hai bên vẫn duy trì đối thoại chiến lược chung về vấn đề quốc phòng và coi đây hình thức hợp tác đặc biệt quan trọng. Đội tuyển Xe tăng Việt Nam thi đấu tại Army Games 2022, diễn ra ở Nga. (Ảnh: TTXVN) Nhấn mạnh Nga là đối tác tin cậy của Việt Nam trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, ông Igor Korotchenkocho biết, Nga luôn sẵn sàng hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi phát triển hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Theo chuyên gia quân sự Nga, trong bối cảnh tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, Moskva và Hà Nội hoàn toàn có thể đặt niềm tin vào nhau và tiếp tục theo đuổi lộ trình làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Trong lời chúc mừng đồng chí Tô Lâm nhân dịp ông được bầu làm Tổng Bí thư, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, Moskva tiếp tục đối thoại mang tính xây dựng và cùng làm việc về các vấn đề cấp thiết trong chương trình nghị sự song phương và quốc tế. Về mặt thực tiễn, Hà Nội và Moskva cần tiến hành các cuộc tham vấn chiến lược thường xuyên để đánh giá toàn diện tình hình chính trị-quân sự ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và xu hướng phát triển tình hình ở khu vực; cùng phân tích các rủi ro và mối đe dọa an ninh; nghiên cứu và đề xuất các biện pháp chống lại các xu hướng tiêu cực, nguy hiểm. Chúc mừng Quân đội nhân dân Việt Nam nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập, chuyên gia Igor Korotchenko khẳng định, nhân dân, quân đội hai nước sẽ luôn ghi nhớ tình hữu nghị, anh em đã được kiểm chứng qua thời gian, thử thách. |
|
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Thananan Boonwanna, nhà nghiên cứu lịch sử người Thái Lan. |
Việt Nam là một đất nước đã trải qua nhiều khó khăn, gian nan với các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước chống giặc ngoại xâm trong thời gian rất dài. Tôi có tìm hiểu về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và được biết một số chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh bản thân để đưa vũ khí lên điểm cao hay đánh bom cảm tử tiêu diệt xe tăng trong các trận chiến với thực dân Pháp. Cuối cùng, nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng với Chiến dịch Điện Biên Phủ và thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Tôi cũng được biết về Chiến dịch Hồ Chí Minh mà các lực lượng vũ trang Việt Nam đã đánh thắng đế quốc Mỹ và Mỹ bắt buộc phải rút hoàn toàn lực lượng quân đội ra khỏi Việt Nam Tôi cho rằng Quân đội nhân dân Việt Nam chính là từ nhân dân Việt Nam mà ra và ngày nay Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng có vai trò to lớn trong cuộc sống xã hội như lực lượng quân đội đã hỗ trợ, giúp đỡ người dân trong việc giải quyết hậu quả của cơn bão số 3 (Yagi) vừa qua. Lực lượng quân đội triển khai tìm kiếm các nạn nhân mất tích do sạt lở đất tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên (Lào Cai). (Ảnh: TTXVN) |
Ngày xuất bản: 15/12/2024
Tổ chức thực hiện: Chu Hồng Thắng - Phạm Trường Sơn
Nội dung: Nguyễn Hiệp - Huy Vũ - Hữu Hưng - Xuân Hưng - Xuân Sơn - Đinh Trường
Trình bày: Hoàng Hà
Theo Báo Nhân dân
https://special.nhandan.vn/quan-doi-nhan-dan-viet-nam-ban-be-quoc-te/index.html