Dấu ấn của Văn hóa công giáo ở Việt Nam: Đạo hiếu và chữ Quốc ngữ
Nền văn hoá của một dân tộc được ví như những tấm vải muôn màu mà những sợi dọc là những cốt lõi văn hoá của chính dân tộc đó, trong khi những sợi ngang là những đón nhận qua nhiều thế hệ.
Trong dòng chảy đó, Công giáo là một trong những tôn giáo đã dệt nên những sợi ngang muôn màu cho văn hoá Việt Nam, là một yếu tố mới làm giàu cho văn hoá Việt Nam. Trong bài viết “Ảnh hưởng của Công giáo với nền văn hóa Việt Nam” đăng trên Webside của Ban Tôn giáo Chính phủ, tác giả Đinh Kiều Nga đã làm rõ những ảnh hưởng qua lại giữa văn hóa Công giáo và văn hóa Việt Nam, trong đó nhấn mạnh dấu ấn của văn hóa Công giáo ở Việt Nam là chữ Quốc ngữ và đạo hiếu. Thời Đại xin đăng bài viết này trên VOV.
Sau bốn thế kỷ du truyền giáo, tới nay đạo Công giáo ở Việt Nam đã có gần 7 triệu tín đồ. Trong việc hội nhập Công giáo vào nền văn hóa Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng và nền tảng của nền văn hóa này đó là đạo hiếu, hay tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà tổ tiên. Tại sao? Vì người Việt cũng như các dân tộc vùng Á Đông này luôn luôn đặt nặng tinh thần hiếu thảo đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Alexandre de Rhodes - người đóng góp công lớn sáng tạo ra chữ Quốc ngữ ở Việt Nam.
Từ nguồn cội, đạo hiếu luôn luôn là một nền tảng căn bản cho đạo làm người của người Việt và nằm trong bản chất văn hóa của người Việt. Vì thế, việc hội nhập văn hóa Công giáo vào Việt Nam khởi đầu từ đạo hiếu và lấy đạo hiếu làm nền tảng. Ta thấy có sự phù hợp giữa sứ điệp Công giáo và văn hóa Việt Nam trong chủ trương thảo hiếu với cha mẹ, tổ tiên. Đạo hiếu trong Công giáo thật rõ ràng và được coi là quan trọng.
Công giáo chú trọng về đạo hiếu và coi đạo hiếu như nền tảng của mình, nên Công giáo phù hợp với tinh thần hiếu thảo của dân tộc ta. Nhưng đạo Công giáo còn cho thấy một chiều kích rộng lớn hơn của đạo hiếu, giúp quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và hoàn chỉnh hơn. Vì đạo Công giáo quan niệm vũ trụ như một đại gia đình, trong đại gia đình đó, Thiên Chúa là cha mẹ sinh ra tất cả, và tất cả mọi tạo vật là anh em.
Như vậy, khi đưa quan niệm về đạo hiếu của mình vào nền văn hóa dân tộc, thì người Công giáo đã hoàn chỉnh quan niệm thảo hiếu đối với cha mẹ vốn sẵn có trong nền văn hóa Việt Nam, làm cho quan niệm về đạo hiếu của dân tộc trở nên rộng rãi và đầy đủ hơn.
Tiếp nhận văn hóa Công giáo, văn hóa Việt Nam cũng được làm giàu thêm bởi những yếu tố văn hóa phương Tây và đặc biệt thành công trong vấn đề chữ viết. Khi truyền đạo cho người Việt Nam, khó khăn đầu tiên mà các giáo sĩ vấp phải là sự khác biệt về ngôn ngữ và văn tự; các giáo sĩ có thể học tiếng Việt được, nhưng học chữ Nôm thì quá khó. Bởi vậy họ đã dùng bộ chữ cái Latinh quen thuộc có bổ sung thêm các dấu phụ (mà một số ngôn ngữ phương Tây như chữ Bồ Đào Nha đã từng làm) để ghi âm tiếng Việt – thứ chữ này về sau được gọi là chữ Quốc ngữ. Chữ Quốc ngữ là thành quả công sức tập thể của các giáo sĩ người Bồ Đào Nha, Ý, Pháp… và những người Việt Nam đã từng giúp họ học tiếng Việt.
Năm 1632 Gaspar d’Amaral đã soạn cuốn từ điển Bồ - Việt. Song công lao lớn nhất trong việc củng cố và phát triển thứ chữ này thuộc về linh mục Alexandre de Rhodes, người đã dày công sưu tập, bổ sung biên soạn và năm 1651 đã cho xuất bản ở Rôma cuốn từ điển Việt – Bồ - La tinh với ngữ pháp tiếng An Nam.
Tuy mục đích ban đầu của việc soạn chữ Quốc ngữ chỉ là giúp các giáo sĩ truyền đạo, rồi sau được chính quyền Pháp sử dụng phục vụ cho việc cai trị, nhưng nếu so với chữ Hán và chữ Nôm nó có ưu điểm lớn là rất dễ học.
Như vậy là từ khi truyền vào Việt Nam, đạo Công giáo đã có những đóng góp đáng kể cho nền văn hóa Việt Nam. Hội nhập Công giáo vào Việt Nam đã làm cho nền văn hóa ấy trở nên phong phú, đa dạng, cũng giống như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo đã làm trước kia. Trong sự hội nhập này không có gì mất đi, trái lại cả văn hóa Việt Nam lẫn các tôn giáo, đặc biệt là Công giáo đều có thêm những nét độc đáo của riêng mình.
Trong cuộc giao lưu và tiếp xúc với Công giáo, văn hóa Việt Nam không chỉ giành được quyền tôn trọng, mà trong một số trường hợp nó còn khiến cho đạo Công giáo khi vào Việt Nam đã được bản địa hóa, tiếp nhận những dấu ấn của văn hóa Việt Nam.
Việc thờ cúng tổ tiên là một tín ngưỡng truyền thống ăn sâu trong tâm thức tôn giáo của người Việt. Đạo Công Giáo trước công đồng Vatican II loại bỏ tín ngưỡng này đã để lại không ít những trằn trọc day dứt cho những tín hữu theo đạo. Nhưng nay tín hữu Công giáo đã thực hiện được những nghi lễ tưởng niệm tổ tiên ngày càng phong phú và đa dạng. Ngày nay các gia đình Công giáo đều đặt bàn thờ tổ tiên ngay cạnh (thấp hơn một chút) bàn thờ Chúa, cũng đặt để bát hương và hai chân nến hai bên. Vào những ngày giỗ trong gia đình, người Công giáo cũng tổ chức theo phong tục địa phương như thắp hương kính nhớ tổ tiên, dâng hoa quả để tỏ lòng thành…
Ở những vùng quê miền Bắc, những buổi dâng hoa lại càng phù hợp với tâm thức người Việt trong việc thích lễ hội, thích màu sắc và nhộn nhịp, giáo dân ở các khu trong họ đạo lo đi hái hoa, kết hoa, thật là một nét đẹp văn hóa mà có lẽ ta chỉ cảm nhận ý nghĩa của nó chứ khó mà diễn đạt bằng lời.
Đạo Công giáo vào Việt Nam mang theo cả kiến trúc phương Tây theo vào. Các tòa nhà kiểu phương Tây dần mọc lên, song điều đáng chú ý là phần lớn các công trình này đều không rập khuôn theo lối kiến trúc phương Tây thích hợp cho xứ lạnh, mà đã biến đổi rất linh hoạt phù hợp với môi trường khí hậu và thời tiết Việt Nam, do vậy mà dấu ấn Việt Nam hóa đã để lại rất rõ.
Các nhà thờ Công giáo vốn nổi tiếng khắp nơi về sự rập khuôn cứng nhắc theo lối kiến trúc gô-tích cao vút có đỉnh tháp nhọn hoắt, thì ở Việt Nam, từ thế kỷ XIX cũng đã có những ngôi nhà thờ được xây dựng với lối kiến trúc và trang trí hoàn toàn độc đáo theo kiểu Việt Nam, nhìn thoáng qua chẳng khác gì những ngôi chùa, mà nhà thờ Phát Diệm là một điển hình với tháp thấp trải rộng có mái cong. Ngoài cây thánh giá để phân biệt giữa ngôi chùa và ngôi thánh đường, ta cũng phải nhìn nhận đến những nét hoa văn, những bức phù điêu hay những pho tượng… tất cả đều hài hòa, tạo nên một nét rất riêng biệt trong sự thánh thiện trang nghiêm của đạo Công giáo.
Nhà thờ Phát Diệm (Ninh Bình) là một trong những công trình kiến trúc độc đáo của Việt Nam và đồng thời cũng là một trong những nhà thờ Công giáo vào loại cổ nhất ở Đông Nam Á.
Như vậy, phần lớn trong mọi lĩnh vực sinh hoạt, Công giáo đã có đóng góp rất nhiều cho nền văn hóa Việt Nam, đồng thời cũng tạo cho mình nét văn hóa đặc thù, ăn sâu vào mọi phạm vi của đời sống.
Ngày nay, lễ Noel, Valentin không còn dành riêng cho người Công giáo mà nó đã thành ngày hội cho nhiều người nhất là giới trẻ. Ở Việt Nam, đặc biệt ở thành phố, gần đến ngày lễ có rất nhiều các cửa hàng bán đồ lưu niệm Giáng sinh và lễ hội tình yêu làm náo nhiệt khắp phố phường và đã lan tỏa xuống cả các làng quê…
Do vậy, ta không thể phủ nhận được những đóng góp to lớn của đạo Công giáo đối với nền văn hóa dân tộc. Việc ra đời chữ Quốc ngữ đã giúp cho người Việt dễ dàng hơn trong việc học tập, giao tiếp và bảo tồn những dữ liệu dưới dạng văn bản. Đồng thời khi đạo Công giáo vào Việt Nam cũng đã mang theo nhiều yếu tố văn hóa phương Tây du nhập vào, làm cho văn hóa Việt Nam trở nên phong phú hơn, phát triển thêm nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật mới.
Cho đến nay đạo Công giáo đã có được một nền móng tương đối vững chắc nhờ từng bước hội nhập vào trong văn hoá Việt Nam theo đánh giá của các nhà khoa học về tôn giáo này.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ