Đất nước suốt 27 năm không suy thoái, thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng gấp 4 lần Mỹ, nợ công bằng 50% so với Anh, kỷ lục chưa quốc gia giàu có
Trên thực tế, dù kinh tế toàn cầu đi lên nhưng người dân những nước phát triển này lại chẳng thể vui vẻ khi tăng trưởng thu nhập bình quân hầu như chẳng tăng trong nhiều thập niên, qua đó khiến những người lao động ngày càng tức giận. Trong khi đó, nợ công của nhiều nước lại dần tăng cao do hàng loạt các gói kích thích kinh tế, tình trạng lão hóa dân số nhanh đè nặng lên vai hệ thống y tế và an sinh xã hội. Thế rồi làn sóng nhập cư tại Mỹ và châu Âu khiến người dân mất việc làm, xã hội bị đảo lộn.
Tồi tệ hơn, hệ thống chính trị của các nước Phương Tây chưa tìm ra được đường lối đúng đắn nào để giải quyết các thách thức trên. Ngạc nhiên thay, có 1 quốc gia trên thế giới tăng lương cho người dân, nợ công thấp, an sinh xã hội tốt và chính sách chào đón người nhập cư: Đó là Australia.
Kỳ tích xứ chuột túi
Quốc gia này có vị trí địa lý cách khá xa nhiều khu vực nên dân số không nhiều với chỉ 25 triệu dân sống trên 7,7 triệu km2, trong khi Việt Nam có đến hơn 95,5 triệu người sống trên 331.210 km2. Vị trí địa lý của Australia cũng cách xa các khu vực khác và dĩ nhiên không thu hút nhiều sự chú ý.
Tuy nhiên, những chuyên gia kinh tế hiện nay đều không thể phủ nhận được thành công của Australia trong giới nhà giàu. Nền kinh tế này đã tăng trưởng 27 năm liên tiếp và chưa hề trải qua cuộc suy thoái nào trong suốt những năm tháng đó, một kỷ lục trong số những nước giàu hiện nay. Tăng trưởng lũy kế của Australia trong giai đoạn này cao gấp 3 lần so với Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
So sánh chỉ số GDP, thu nhập bình quân và nợ công, Australia đều vượt trội so với những nước giàu khác
Lần cuối cùng Australia bị suy thoái là khi Liên Xô mới sụp đổ và Internet vẫn chưa phổ biến. Trong những cuộc khủng hoảng 1997, 2008, nền kinh tế Australia đều tránh được suy thoái. Tuy là nước xuất khẩu nhiều tài nguyên khoáng sản nhưng thị trường này lại vẫn thoát khỏi cuộc khủng hoảng nguyên liệu thô bắt nguồn từ Trung Quốc.
Đặc biệt, trong khi hàng loạt quốc gia phát triển đau đầu với mức lương lao động tăng chậm thì người dân Australia lại vui vẻ với những đồng lương mình nhận được.
Thu nhập bình quân đầu người của Australia cũng tăng trưởng nhanh hơn 4 lần so với Mỹ còn nợ công chỉ vào khoảng 41% GDP, chỉ bằng 50% so với Anh.
Vậy nguyên nhân vì đâu quốc gia xa xôi này lại gây ấn tượng mạnh đến như vậy?
Mặc dù Australia là một nước giàu tài nguyên thiên nhiên với những mỏ sắt và khí đốt, qua đó giúp nền kinh tế này thu được lượng lớn ngoại tệ nhờ xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gần đó. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng việc cải cách y tế và xã hội cũng giúp quốc gia này không tốn quá nhiều ngân sách cho hệ thống bảo hiểm và lương hưu.
Kể từ cuộc khủng hoảng cuối cùng vào năm 1991, Australia đã cải cách hệ thống y tế và an sinh xã hội, yêu cầu tầng lớp trung lưu phải tự chi thêm tiền nếu muốn được khám sức khỏe theo ý mình. Cụ thể là chính phủ cung cấp một gói khám sức khỏe cho người dân miễn phí, nhưng bất cứ ai muốn nhiều hơn thế sẽ phải bỏ tiền.
Hệ quả là hiện nay Australia chỉ phải chi bình quân một nửa so với mức chi an sinh xã hội bình quân theo % GDP của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Thậm chí với tốc độ lão hóa dân số của các nước phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng khoảng cách này sẽ còn nới rộng cho những năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, chính sách cởi mở với người nhập cư cũng giúp Australia thu được lượng lớn nhân lực dù dân số ít. Thống kê cho thấy khoảng 29% công dân Australia được sinh ra tại nước khác, cao gấp đôi tỷ lệ tại Mỹ. Khoảng một nửa người dân Australia hiện nay là người nhập cư hoặc con cái của người nhập cư. Thú vị hơn, nguồn nhập cư chính của Australia lại đến từ châu Á, qua đó thay đổi mạnh cơ cấu xã hội của quốc gia này.
Diện tích lớn nhưng dân số Australia lại ít (triệu người)
Trong khi Phương Tây và những nước lớn tại châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc có sự kì thị cũng như phân biệt đối xử nhất định với dòng người nhập cư thì xã hội Australia lại không có sự phân hóa mạnh bởi phần lớn công dân không phải người dân chính gốc bản địa. Nhờ đó, những rắc rối liên quan đến phân biệt chủng tộc, xung đột sắc tộc hiếm khi xảy ra còn nguồn lao động nước ngoài thì ồ ạt đổ vào nền kinh tế này do dễ hòa nhập cũng như làm việc.
Bình quân mỗi năm xứ sở chuột túi nhận tới 190.000 người nhập cư, cao gần gấp 3 lần so với Mỹ nếu quy đổi ra đồng nhất dân số.
Những thách thức
Mặc dù đạt được nhiều thành tích về kinh tế nhưng Australia cũng phải đối mặt với khá nhiều thách thức. Diện tích đất rộng nhưng do điều kiện thời tiết, phần lớn đất tại Australia bị hoang hóa khó trồng trọt. Tệ hơn, môi trường thay đổi khiến nạn hạn hán tại đây ngày càng nghiêm trọng, khiến hàng loạt khu vực bị sa mạc hóa. Dẫu vậy, chính phủ Australia vẫn chưa có động thái đáng kể nào để cải thiện tình hình.
Thống kê cho thấy thay đổi môi trường trong 2 năm qua tại Australia đã giết chết 1/3 lượng san hô tại dải Great Barrier Reef, một trong những báu vật quốc gia của xứ sở chuột túi.
Ngoài ra, dù chính sách nhập cư cởi mở nhằm thu hút thêm lực lượng lao động nhưng sự bất bình trong người dân nơi đây cũng ngày một tăng. Mặc dù lượng công dân gốc nước ngoài ở Australia khá lớn và không có nhiều xung đột sắc tộc nhưng những người dân bản địa cảm thấy nền kinh tế này cần có chính sách chặt chẽ hơn để kiếm soát dòng người nhập cư ồ ạt hiện nay.
Một rủi ro nữa mà Australia phải đối mặt là đối tác thương mại Trung Quốc, thị trường lớn nhất cho xuất khẩu tài nguyên của nước này. Trung Quốc cũng là nước có tỷ lệ du khách, sinh viên du học lớn nhất đến Australia, đồng thời là thị trường tiêu thụ rượu vang lớn nhất của xứ sở chuột túi.
Tăng trưởng GDP của Australia được dự đoán cao hơn các nền kinh tế phát triển khác trong nhóm G7
Các chuyên gia kinh tế cho rằng tăng trưởng của Australia đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường lớn nhất thế giới này và với đà giảm tốc của Trung Quốc, Asutralia sẽ theo gót. Tệ hơn, việc phụ thuộc này có thể khiến chính quyền Bắc Kinh sử dụng như một công cụ để ép Australia trong những vấn đề chính trị.
Về mặt chính trường, Australia có truyền thống khá ổn định khi chỉ thay 3 đời thủ tướng trong khoảng 1983-2007. Tuy nhiên từ 2007 đến nay, nước này đã có 6 đời thủ tướng, cho thấy một sự bất ổn rõ ràng khi nền kinh tế gặp quá nhiều thách thức.
AB