Đáp trả tổng thống Mỹ, Iran mỉa mai ông Trump "việc trong nước xử lí còn không xong"
Bộ Ngoại giao Iran cho rằng tổng thống Mỹ nên tập trung xử lí các vấn đề trong nước hơn là dành thời gian xúc phạm chính quyền Iran.
"Thay vì lãng phí thời gian gửi những dòng tweet vô nghĩa và đầy tính xúc phạm nhằm vào những quốc gia khác, ông ấy [Donald Trump] nên tìm cách giải quyết các vấn đề nổi cộm trong nước Mỹ như nạn xả súng hay đời sống khó khăn của hàng triệu người đói khổ, vô gia cư," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasmi lên tiếng.
Dòng tweet chỉ trích chính quyền Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thông điệp của Tehran nhằm đáp trả dòng trạng thái của tổng thống Mỹ Donald Trump trên Twitter ngày 2/1. Trong đó, ông khen ngợi sự dũng cảm của những người biểu tình chống chính phủ tổng thống Hassan Rouhani tại Iran, đồng thời chỉ trích người tiền nhiệm Barack Obama vì những quyết định "sai lầm" với Iran.
Ông Trump viết: "Cuối cùng thì người dân Iran cũng đã hành động chống lại chính quyền Tehran tàn bạo và tham nhũng. Tất cả số tiền cựu tổng thống Obama mù quáng cho Iran đã được dùng cho mục đích khủng bố và chảy vào túi tiền ‘của họ’. Trong khi đó, người dân không có đủ ăn, chịu lạm phát cao và bị tước đi nhân quyền."
Kết lại dòng tweet, tổng thống Mỹ tuyên bố: "Nước Mỹ sẽ tiếp tục theo dõi!"
Lời thông báo của ông Trump là lời ngầm ẩn mới nhất về việc Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được kí kết hồi năm 2015 với nhóm P5+1 – gồm Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga và Đức. Thỏa thuận này từng là thành tựu lớn trong chính sách ngoại giao thời chính quyền ông Obama.
Biểu tình hóa bạo động nổ ra liên tiếp tại Iran. Nguồn: SCMP
Trước đó, tổng thống Iran Rouhani cũng tuyên bố ông Trump "không có quyền" tỏ ra đồng cảm với những người biểu tình bởi tổng thống Mỹ là "một nhân vật hoàn toàn chống lại đất nước Iran".
Biểu tình và bạo động nổ ra tại Mashhad – thành phố lớn thứ 2 của Iran – và nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, trở thành thử thách lớn nhất với chính quyền kể từ lần biểu tình lịch sử hồi năm 2009.
Theo Reuters, Bộ trưởng Tình báo Israel Yisrael Katz đã công khai lên tiếng ủng hộ và chúc những người biểu tình Iran "sớm đạt được tự do và dân chủ". Tuy vậy, ông cũng khẳng định Israel sẽ hoàn toàn đứng ngoài cuộc trong chuyện nội bộ của người Iran.
Tình hình kinh tế bất ổn
Các quan chức Iran cáo buộc các tài khoản trực tuyến từ Mỹ, Anh và Ả Rập Saudi đang kích động làn sóng bạo lực thông qua mạng xã hội.
Cũng trong ngày 2/1, Hãng thông tấn nhà nước Iran (IRNA) dẫn lời Lãnh tụ Tối cao Ayatollah Ali Khamenei khẳng định "kẻ thù" của Iran phải chịu trách nhiệm cho những đợt bạo động này.
"Kẻ thù của chúng ta đã đoàn kết lại và sử dụng mọi phương thức, tiền bạc, vũ khí, chính sách và lỗ hổng an ninh để gây rắc rối cho chính quyền Tehran. Chúng luôn tìm kiếm cơ hội để thâm nhập, phá hoại đất nước Iran," ông Ayatollah phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia.
Theo các nguồn tin, đã có ít nhất 21 người Iran - trong đó có 1 cảnh sát - thiệt mạng sau 5 ngày nổ ra biểu tình. Khoảng 450 người khác cũng đã bị bắt tại các thành phố lớn.
Tình hình kinh tế xuống dốc được cho là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng bất ổn tại Iran trong những ngày gần đây.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani. Ảnh: Reuters
Theo các nhà phân tích, lực lượng người trẻ tuổi là những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Iran với tỉ lệ hơn 40% thất nghiệp, đặc biệt tại các vùng ngoại ô.
Trong bài phát biểu hôm 31/12, tổng thống Rouhani thừa nhận "không có vấn đề gì nghiêm trọng như nạn thất nghiệp". Ông cũng cam kết sẽ cố gắng minh bạch hơn trong vấn đề truyền thông.
Hôm 1/1, Liên minh Châu Âu (EU) thúc giục Iran phải đảm bảo quyền được biểu tình của người dân. Về phần mình, ngoại trưởng Anh Boris Johhson tuyên bố "nước Anh đang theo dõi Iran rất sát sao."
"Chúng tôi tin rằng nên có cuộc thảo luận nghiêm túc về các vấn đề hợp pháp và quan trọng mà người biểu tình đang muốn đề cập. Chúng tôi hi vọng chính quyền Iran sẽ cho phép điều này," ngoại trưởng Johnson bày tỏ.
Tất Đạt