Danh tính các mã cổ phiếu "vua" giảm đến 40%, kéo tụt chỉ số thị trường chứng khoán trong Quý II
Đầu năm 2018 khi thị trường chứng khoán Việt đang được kỳ vọng sẽ khởi sắc với nhóm cổ phiếu Ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ, hầu hết các công ty chứng khoán đều liên tục cập nhập báo cáo nâng mức giá kỳ vọng, đồng thời đưa ra những dự báo tích cực về sự trở lại của "nhóm cổ phiếu vua".
Tăng liên tục và trở thành nhóm dẫn dắt thị trường, hầu hết cổ phiếu các nhà băng đều vượt qua đỉnh quá khứ và ghi nhận mức lợi nhuận 20 - 30% chỉ trong thời gian ngắn. Mức đỉnh được xác lập cùng thời điểm khi VN-Index tiệm vượt mốc 1.200 điểm.
Tuy nhiên, khi đà tăng của thị trường không còn và VN-Index quay đầu giảm mạnh. Riêng trong quý II, chỉ số VN-Index đã giảm tổng cộng 250 điểm, tương đương gần 21%, về mức 960,78 điểm, nhóm ngân hàng lại là nhóm cổ phiếu có đà giảm nhiều nhất, chiếm 3/5 mã cổ phiếu giảm mạnh nhất thị trường Quý II.
Chỉ số Vn - Index trong 6 tháng qua
Bước sang Quý III, nhóm cổ phiếu "vua" tiếp tục làm nhà đầu tư điêu đứng khi đồng loạt giảm mạnh, thậm chí là nằm sàn.
Theo đó, phiên giao dịch ngày 3/7 vừa qua thị TTCK Việt Nam đã ghi nhận một đợt bán tháo mạnh chưa từng có trong nhiều tháng qua. Chỉ số VN-Index sụt giảm mạnh nhất châu Á, mất hơn 41 điểm xuống mức thấp nhất năm 2018: 906,1 điểm.
Chốt phiên giao dịch, có tới 5 mã cổ phiếu ngân hàng giảm sàn, hết biên độ cho phép 7%, trong đó phải kể đến BIDV (BID), Vietinbank (CTG) và Techcombank (TCB)…
Cổ phiếu BID trượt dài trước "tin xấu" ông Trần Bắc Hà
Với vị thế là ngân hàng có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường, cổ phiếu BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) luôn là một trong những cổ phiếu trụ cột của thị trường chứng khoán.
Ông Trần Bắc Hà - Nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV
Thống kê cho thấy, thị giá BID đã tăng hơn 77% trong năm 2017 và tiếp tục bứt tốc trong năm 2018. Theo đó, từ vùng giá 25.500 đồng/CP tại ngày 29/12/2017, BID đã dẫn đầu nhóm ngân hàng và chạm đỉnh 45.500 đồng/CP vào cuối phiên ngày 10/4, tương đương vốn hóa đạt hơn 155.550 tỷ đồng (khoảng hơn 6,7 tỷ USD).
Tuy nhiên, ngay sau đó, BID bắt đầu lao dốc không phanh cùng với đà giảm chung của thị trường. Theo đó, cổ phiếu này đã giảm xuống còn 26.000 đồng/CP vào thời điểm kết thúc quý II.
Không dừng lại ở đó, cổ phiếu BID tiếp tục giảm thê thảm sau thông tin nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV - Ông Trần Bắc Hà bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương bị khai trừ khỏi Đảng, vì có hành vi vi phạm quy trình, thủ tục, thẩm quyền, quy định về tín dụng trong việc phê duyệt chủ trương, quyết định một số khoản cho vay, bảo lãnh, đầu tư, quản lý nợ, trong đó có việc phê duyệt chủ trương cho vay 4.700 tỷ đồng đối với 12 công ty liên quan đến vụ án xảy ra tại ngân hàng Xây dựng.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/7, BID chỉ còn 22.900 đồng/CP, giảm 1 nửa so với mức đỉnh, đồng thời, đây cũng là mức giá thấp nhất của cổ phiếu này trong vòng 6 tháng qua.
Giá cổ phiếu BID trong 1 năm trở lại đây
Theo BTC mới nhất của Ngân hàng này cho thấy, trong Quý I vừa qua, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng này đạt mức 8.498 tỷ đồng, tăng 83,7% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV tăng hơn 2,5 lần, dẫn đến lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng chỉ đạt 2.021 tỷ đồng, tăng trưởng 9,3%.
Tính đến cuối kỳ, BIDV có tổng tài sản là 1.226.942 tỷ đồng, trong đó, huy động vốn đạt 910.053 tỷ đồng, tăng trưởng 5,8% trong khi dư nợ tín dụng chỉ tăng gần 1,4% so với đầu năm, lên mức 867.289 tỷ đồng. Tổngng nợ xấu 4.209 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 1,61% tổng dư nợ cho vay.
Cổ phiếu CTG: Tăng nhanh, nhưng giảm còn nhanh hơn!
Mặc dù đà tăng của TTCK Việt đã bắt đầu từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, sức nóng từ cổ CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) lại mới bắt đầu khi bước sang năm 2018.
Theo đó, mã này đã bứt phá mạnh mẽ khi “tăng một mạch” hơn 55% từ mức giá 24.200 đồng hồi đầu năm lên mức 37.700 đồng/CP tại thời điểm chứng khoán Việt Nam thiết lập đỉnh mới.
Nhờ thị giá tăng mạnh, vốn hóa thị trường của Vietinbank lần đầu tiên vượt mức 140.000 tỷ đồng, tương đương với 6,1 tỷ USD.
Mặc dù vậy, sau khi thiết lập đỉnh mới, cổ phiếu CTG cũng nhanh chóng lao dốc về mức 24.250 đồng/CP vào cuối Quý II vừa qua.
Tình trạng giảm điểm của CTG cũng tiếp diễn trong những phiên đầu tháng 7 và tăng nhẹ trở lại trong phiên giao dịch hôm ngày 4/7 lên 21.900 đồng/CP. Tuy nhiên, so với giá tại thời điểm lập đỉnh, thị giá cổ phiếu CTG đã giảm 42%. Hiện tại, vốn hóa thị trường của Vietinbank đang ở mức 81.542 tỷ đồng.
Giá cổ phiếu CTG trong 6 tháng trở lại đây
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh Quý I/2018 với nhiều chỉ số tăng trưởng hoa mỹ.
Theo đó, trong 3 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của Vietinbank đạt mức 5.379 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ghi nhận 2.440 tỷ đồng, tăng lần lượt 16,7% và 19,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày 31/3/2018, tổng tài sản của Vietinbank có 1.114.094 tỷ đồng, tăng hơn 19.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, huy động vốn đạt 789.272 tỷ đồng, tăng trưởng 4,8%, trong khi dư nợ tín dụng cũng tăng 4,5% lên 826.357 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nợ xấu của Ngân hàng này cũng tăng trưởng khoảng 14,2% lên mức 10.295 tỷ đồng.
Cổ phiếu TCB mất gần 40% thị giá sau 1 tháng lên sàn
Mặc dù mới chỉ chào sàn được 1 tháng, nhưng cổ phiếu TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam thường xuyên trong trạng thái giảm điểm.
Theo đó, trong phiên giao dịch ngày 4/7, cổ phiếu TCB nhanh chóng giảm từ 81.800 đồng xuống chỉ còn 77.000 đồng/CP, thậm chí có lúc đã xuống mức 76.100 đồng/CP. Chốt phiên giao dịch, mã này giảm mạnh xuống còn 78.000 đồng/CP, giảm 39% so với giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên.
Được biết, đây là phiên giảm điểm thứ 7 liên tiếp của TCB, đưa cổ phiếu này vào danh sách cổ phiếu Ngân hàng có mức giảm mạnh nhất nửa đầu năm 2018.
Giá cổ phiếu TCB từ khi lên sàn
BCTC hợp nhất Quý I/2018 của Techcombank mới đây cho thấy, tổng thu nhập hoạt động của Ngân hàng trong quý vừa rồi đạt mức 3.392 tỷ đồng, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước.
Sau khi trừ đi chi phí dự phòng và thuế TNDN, lợi nhuận sau thuế của Ngân hàng thu về 2.049 tỷ đồng, tăng 93,4%, tương đương 990 tỷ đồng so với Quý I/2017.
Tính đến ngày 31/3/2018, tổng tài sản của Ngân hàng tăng thêm 3.760 tỷ đồng so với đầu năm và đạt mức 273.152 tỷ đồng. Trong đó, tổng huy động khách hàng đạt 181.390 tỷ đồng, tăng 6.1%. Dư nợ tín dụng đạt 163.948 tỷ đồng, tăng 1,9% và chiếm 60% tổng tài sản.
Bên cạnh đó, nợ xấu của Techcombank cũng tăng gần 500 tỷ đồng, tương đương 18,7% so với đầu năm lên mức 3.068 tỷ đồng, dẫn đến, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,6% lên 1,87% tổng dư nợ cho vay.
Được biết, mới đây ĐHĐCĐ bất thường năm 2018 Techcombank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu của Ngân hàng lên 34.965 tỷ đồng
Theo đó, với mức vốn điều lệ hiện tại là 11.655 tỷ đồng, dự kiến, Techcombank sẽ phát hành thêm 2.331.061.440 cổ phần phổ thông có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, để nâng vốn điều lệ của Ngân hàng lên 34.965 tỷ đồng. Tương ứng, mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu TCB sẽ được nhận thêm 2 cổ phiếu mới (tức tỷ lệ 1:2).
Dự kiến, thủ tục tăng vốn điều lệ sẽ được hoàn tất trong tháng 7 và thời gian phát hành cổ phiếu dự kiến thực hiện trong quý III/2018.
Tuy nhiên, với diễn biến hiện tại, nếu Techcombank thực hiện xong việc tăng vốn, thì thị giá cổ phiếu TCB sẽ giảm xuống chẳng còn là bao!
Ngoài BID, CTG, TCB, thời gian vừa qua nhiều mã cổ phiếu khác cũng có mức giảm trên dưới 40%, đó là : VPB của VPBank giảm 61,9% xuống còn 26.400 đồng/CP; MBB của MBBank giảm 35% xuống còn 23.900 đồng/CP; VCB của Vietcombank giảm 24,6% xuống còn 55.600 đồng/CP…
Ánh Phượng
Theo Báo Thời Đại