Đằng sau những thanh chocolate ngọt lành mặn chát nỗi đau của lao động trẻ em
Theo báo cáo của tờ Sunday People, hàng trăm nghìn trẻ em tại châu Phi đang phải làm việc tại các đồn điền cacao với điều kiện sống vô cùng nghiệt ngã. Để đáp ứng được nhu cầu chocolate ngày càng lớn trên toàn thế giới, các chủ đồn điền cacao không ngại ngần bóc lột sức lao động của trẻ em như cuộc sống nô lệ thời hiện đại.
Trẻ em phải làm việc tại những đồn điền cacao với điều kiện vô cùng khắc nghiệt.
Tại đây, những đứa trẻ chỉ mới khoảng 10-14 tuổi đã phải bỏ học và làm công việc thu hái quả cacao trên những khu vườn rộng mênh mông. Thông thường, các em phải làm việc liên tục 12 giờ/ngày dưới cái nắng gắt của châu Phi chỉ để đổi lấy hơn 2 bảng (khoảng gần 60 nghìn đồng) một ngày.
Thậm chí, nhiều đứa trẻ còn chưa bao giờ nhìn thấy tiền khi những tay chủ bóc lột tìm mọi cách để không phải trả tiền. Công việc vất vả cộng với hiểm họa từ thuốc trừ sâu, thương tật từ những con dao sắc lẹm khiến cái chết có thể rình rập lũ trẻ bất cứ lúc nào. Đã có những câu chuyện lao động trẻ em thiệt mạng vì kiệt sức do làm việc nhiều tháng ròng mà không có nghỉ lễ hay thậm chí cả nghỉ cuối tuần.
Remy, 14 tuổi phải bỏ học làm việc tại các đồn điền cacao.
Việc sử dụng lao động trẻ em tại châu Phi, đặc biệt tại các nước nghèo khu vực Tây Phi như Bờ Biển Ngà do 2 nguyên nhân chính: sự nghèo đói của người dân và nhu cầu ngày càng cao cho mặt hàng chocolate. Các gia đình nghèo không thể cho con cái đi học nên phải để các em đi làm tại những đồn điền cacao.
Chỉ tính riêng tại Anh, ngành công nghiệp chocolate có giá trị 4 tỷ bảng Anh. Mỗi năm, người dân đảo quốc sương mù tiêu thụ khoảng 660 nghìn tấn chocolate. Tuy nhiên, người ta lo sợ rằng việc giá cacao trên toàn cầu giảm đến 40% trong những năm qua - cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành công nghiệp cacao trong cả thập kỷ, sẽ đẩy tình trạng bóc lột trở nên nghiêm trọng hơn.
Amidou Yeo, 15 tuổi làm việc tại đồn điền cacao cùng với cha mình.
Remy Compadre, 14 tuổi là một trong những lao động trẻ em tại đồn điền cacao gần thành phố cảng San Pedro. Từ quốc gia láng giềng Burkina Faso, cha mẹ Remy đã gửi em tới đây để làm việc được gần 3 tháng. Cậu bé cho biết em phải làm việc từ 7h sáng cho tới khi mặt trời lặn mỗi ngày trên cánh đồng rộng 2 hecta với công việc chính là thu hoạch hạt cacao.
Khu vực đồn điền nơi Remy làm việc nằm phía tây nam Bờ Biển Ngà, nơi 30% sản lượng cacao của thế giới được sản xuất. Khu vực này thuộc về một công ty theo mô hình hợp tác xã của 1000 nông dân, chuyên cung cấp cacao cho các doanh nghiệp đầu mối. Tại đây, ban lãnh đạo luôn quả quyết là không để tình trạng bóc lột lao động trẻ em xảy ra và Remy "không phải làm việc trong điều kiện nguy hiểm hay công việc nặng nhọc không phù hợp".
Các em nhỏ thường xuyên không được trả lương, làm việc cực khổ. Nhiều em qua đời sau nhiều tháng làm việc quá sức và bị bóc lột.
Trên thực tế, Remy chỉ là 1 trong số khoảng 1,4 triệu trẻ em đang bị bóc lột tại Bờ Biển Nga. Các em không chỉ bị trả lương rẻ mạt với cường độ làm việc liên tục mà còn phải chịu nguy cơ bị mù mắt, khó thở vì thuốc trừ sâu. Djene Bi, một nhân viên xã hội tại Bờ Biển Ngà cho biết: "Thông thường, lũ trẻ chẳng nhận được gì. Chúng ngủ luôn tại những trang trại, chẳng có ngày nghỉ hay cuối tuần".
"Ban đầu, những người chủ sẽ hứa hẹn trả tiền vào cuối năm. Tuy nhiên, họ sẽ tìm cách để không trả cho các em. Chuyện này xảy ra rất thường xuyên. Rất khó để có thể thống kê những vụ việc như vậy vì nhiều em nhỏ thiệt mạng vì làm việc quá sức.
Không chỉ cacao, trẻ em làm việc trong các đồn điền cao su cũng bị bóc lột nặng nề.
Không chỉ cacao, trẻ em cũng bị bóc lột trong nhiều đồn điền nông nghiệp khác, như những đồn điền cao su. Miranda Armstrong, giám đốc của UNICEF về vấn đề bảo vệ trẻ em tại Bờ Biển Ngà cho biết: "Nguyên nhân chính của lao động trẻ em và bóc lộc trẻ em là do sự nghèo đói.
Chẳng còn đường nào khác, các bậc phụ huynh phải gửi cho con mình đi làm. Với việc giá cacao giảm, UNICFE đang lo ngại rằng tình trạng bóc lột sẽ diễn biến theo hướng xấu hơn".
Các đồn điền cacao tại Bờ Biển Ngà đóng góp khoảng 30% vào tổng lượng cacao sản xuất trên toàn thế giới.
Nemon Siluo, 9 tuổi đang cắt quang đãng một khu vực đồn điền.
Skye