Đàm phán TPP tại Hawaii không đạt được thỏa thuận cuối cùng
Đại diện 12 nước tham gia TPP đàm phán tại Hawaii (Mỹ). Ảnh: Reutes
TTXVN dẫn các nguồn tin nói ngày 31/7, các bộ trưởng thương mại của 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP đã lùi cuộc họp báo ban đầu dự kiến diễn ra vào lúc 13 giờ 30 theo giờ Hawaii (6 giờ 30 ngày 1/8 theo giờ Hà Nội) tới 16 giờ cùng ngày.
Tuy nhiên, các quan chức tham gia đàm phán cho biết nhiều khả năng sẽ không có đột phá nào vào phút chót. Một quan chức cho biết: “Sẽ rất khó để đi tới một thỏa thuận”.
Bộ trưởng Thương mại Úc Andrew Robb cho rằng bế tắc hiện nay liên quan tới 4 nền kinh tế lớn là Mỹ, Canada, Nhật Bản và Mexico. Trong khi đó, New Zealand tuyên bố nước này sẽ không ủng hộ một thỏa thuận nếu nó không mở cửa mạnh mẽ các thị trường bơ sữa, như Mỹ, Nhật Bản và Canada.
Sau 4 ngày đàm phán căng thẳng tại đảo Maui thuộc quần đảo Hawaii, bộ trưởng các nước đàm phán TPP có thể sẽ ra về mà không ấn định thời điểm tiến hành cuộc đàm phán tiếp theo, theo TTXVN.
TPP được đàm phán từ tháng 3/2010, với sự tham gia của 12 nước Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Là hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, mấu chốt của đàm phán TPP cũng như các FTA khác nằm ở việc các bên có sẵn sàng gỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng của nhau hay không.
VNE cũng có bài viết nhận định rằng, để đưa ra quyết định nói trên, đoàn đàm phán các Chính phủ các nước sẽ phải xem xét đối tác có xứng đáng nhận ưu đãi như vậy hay không và kinh tế - xã hội trong nước được gì từ những quyết định ấy. Rào cản, cũng từ đó, có thể đến từ nhiều phía và không ít lý do nằm ngoài nguyên nhân kinh tế đơn thuần.
Mới đầu tuần này, Bộ Ngoại giao Mỹ quyết định nâng đánh giá cho các nỗ lực chống buôn người của Malaysia. Việc này đã vấp phải phản đối của nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền và lao động. Họ cho rằng Mỹ đang dùng chính trị để giúp Malaysia trong TPP, bất chấp vấn đề thu nhập và nô lệ tình dục.
Các công đoàn tại Mỹ cũng đang phản đối TPP, và rất nhiều Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ cũng đe dọa rút sự ủng hộ với TPP nếu Chính quyền Tổng thống Barrack Obama nhượng bộ quá nhiều với các đại gia dược phẩm.
Canada vẫn lưỡng lự mở cửa thị trường nông nghiệp để cạnh tranh. Tháng 10 tới, nước này sẽ tổ chức bầu cử, khiến việc nhượng bộ về bảo hộ thị trường nông nghiệp trong nước trở nên rất khó khăn, khi quyền lực của Thủ tướng Stephen Harper đang lung lay.
Úc cũng đang đặc biệt thận trọng. Họ phản đối đề nghị của Mỹ về nâng thời hạn bảo hộ thuốc có bản quyền lên 12 năm. Một số nghị sĩ Úc tuần trước còn dọa rút ủng hộ với TPP nếu việc này làm tăng chi phí và hạn chế quyền tiếp cận dược phẩm của các nước thành viên. Úc cũng không thích hệ thống xử lý ngoài tòa án của Mỹ và đang gây áp lực lên nước này về ngành mía đường. Đổi lại, các công ty dược phẩm Mỹ cũng chỉ trích việc Úc từ chối công bố công thức của một số loại thuốc mới nhất.
Các nước phát triển cũng đang lo ngại về quyền lao động tại Mexico, Việt Nam và Brunei, buôn lậu người tại Malaysia, chặt phá rừng ở Peru và nhiều vấn đề khác nữa. Sức ép với các nhà đàm phán đang tăng lên, chủ yếu do Mỹ.
Theo lịch trình trong dự luật xúc tiến thương mại ông Obama đã ký, sau khi ký TPP 4 tháng, Quốc hội nước này mới có thể cân nhắc phê chuẩn. Nếu không thể đạt được trong tuần này, TPP cũng không còn cơ hội nào được trình lên Quốc hội Mỹ cho đến đầu năm sau, khi mùa bầu cử Quốc hội và Tổng thống Mỹ bắt đầu, theo VNE.
A.T tổng hợp