Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Chưa có nội dung nào đột phá
Reuters dẫn tuyên bố của Nhà Trắng 24/8 cho biết, Mỹ và Trung Quốc đã kết thúc hai ngày đàm phán thương mại và thảo luận về “cách để đạt được sự công bằng, cân bằng và có đi có lại trong mối quan hệ kinh tế, bao gồm giải quyết các vấn đề cấu trúc ở Trung Quốc”.
“Chúng tôi trân trọng việc phái đoàn Trung Quốc đến Mỹ tham gia những cuộc đàm phán này. Phái đoàn Mỹ sẽ tóm tắt kết quả cuộc gặp với các lãnh đạo của mình”, người phát ngôn Nhà Trắng Lindsay Walters nói.
Không có kết quả nào đột phá
Theo Reuters, hai ngày đối thoại thương mại Mỹ - Trung kết thúc mà không có kết quả nào đột phá. Trong khi đó, xung đột thương mại leo thang với vòng trừng phạt mới của hai nước đánh thuế lên 16 tỷ USD hàng hóa của nhau chính thức có hiệu lực từ ngày 23/8.
Chương trình áp thuế 25% lên 16 tỷ USD hàng hóa có hiệu lực ngày 23/8 không ảnh hưởng đến các cuộc đối thoại do Thứ trưởng Tài chính Mỹ David Malpass và Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Wang Shouwen dẫn đầu diễn ra ở Washington. Đây là những cuộc đối thoại đầu tiên giữa Mỹ - Trung kể từ đầu tháng 6 để tìm ra giải pháp giảm căng thẳng xung đột thương mại.
Tổng thống Mỹ không đặt nhiều kỳ vọng vào vòng đàm phán với Trung Quốc. Ảnh: Reuters.
Vòng đàm phán mới về thương mại vốn bị đình trệ từ tháng 6/2018 nhằm tìm kiếm cách thức tháo gỡ những nút thắt trong quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đây là cuộc đối thoại chính thức đầu tiên giữa các đại diện Mỹ và Trung Quốc kể từ sau khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross gặp cố vấn kinh tế Trung Quốc Liu He tại thủ đô Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự kiện này được dự báo là khó có thể mang lại kết quả đột phá trong bối cảnh sự khác biệt về lập trường của Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu được thu hẹp.
Trong khi Trung Quốc hy vọng sự kiện này sẽ này diễn ra êm đẹp và sẽ mang lại kết quả tốt dựa trên cơ sở bình đẳng, hai bên tin tưởng và tương trợ lẫn nhau thì Tổng thống Mỹ Donald Trump lại cho rằng ông không kỳ vọng nhiều vào tiến triển của vòng đàm phán thương mại với Trung Quốc. T
Trả lời phỏng vấn báo chí, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông không đặt “khung thời gian” để kết thúc cuộc tranh cãi về thương mại với Trung Quốc - vốn đang dẫn tới những đòn trả đũa về thuế đối với hàng hóa giao dịch giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Nhà Trắng tự tin chiến thắng?
Theo Reuters, các quan chức Mỹ có những ý kiến khác nhau về mức độ cần gây áp lực với Bắc Kinh, nhưng Nhà Trắng dường như cho rằng họ đang chiến thắng trong xung đột thương mại khi kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại và thị trường chứng khoán suy giảm.
Nội dung đàm phán Mỹ - Trung chưa đem lại kết quả gì đột phá. Ảnh: Reuters
Các nhà kinh tế học cho biết, mỗi 100 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu bị đánh thuế sẽ làm giảm thương mại toàn cầu khoảng 0,5%. Họ dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ bị tác động trực tiếp từ 0,1 - 0,3% trong năm 2018. Con số này có phần ít hơn Mỹ, nhưng tác động sẽ trở nên lớn hơn vào năm 2019 cùng với thiệt hại khác của các nước và công ty liên quan đến chuỗi cung ứng toàn cầu của Trung Quốc.
Trước đó, các nhóm doanh nghiệp bày tỏ hy vọng cuộc gặp Mỹ - Trung sẽ đánh dấu khởi đầu đàm phán nghiêm túc về thay đổi chính sách kinh tế và thương mại Trung Quốc, như Tổng thống Trump đã yêu cầu. Dù vậy, ông Trump ngày 21/8 nói không mong đợi nhiều từ đối thoại lần này.
Bắc Kinh phủ nhận cáo buộc của Mỹ khi cho rằng Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ và nói họ tuân thủ các quy tắc của Liên Hợp Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng không tiết lộ chi tiết các cuộc đối thoại trong buổi tóm tắt tin tức hàng ngày: “Chúng tôi hy vọng Mỹ có thể gặp Trung Quốc với một thái độ thực tế, hợp lý, tận tâm để có được một kết quả tốt”.
Chương trình thuế mới nhất của Washington áp dụng lên 279 hạng mục hàng hóa bao gồm chất bán dẫn, nhựa, chất hóa học và trang bị đường sắt, được cho là sản phẩm có lợi từ kế hoạch “Made in China 2025” của Bắc Kinh nhằm khiến Trung Quốc trở nên cạnh tranh trong các ngành công nghệ cao.
Trong khi đó, danh sách của Trung Quốc gồm 333 hạng mục hàng hóa Mỹ như than, phế liệu đồng, nhiên liệu, sản phẩm thép, xe buýt và trang bị y tế.
N.H