Đậm đà hương vị bánh rợm của đồng bào Giáy, Lào Cai
Phường Nam Cường, thành phố Lào Cai có những làng người Giáy sinh sống từ nhiều đời nay. Sau quá trình đô thị hóa, những làng người Giáy xưa được chia thành nhiều khu tái định cư nhưng hầu hết vẫn sống tập trung trên địa bàn phường. Họ vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống, trong đó có tục làm các loại bánh để dâng cúng tổ tiên và bánh rợm là một trong số đó.
Mỗi ngày bà Chao làm khoảng 35 cặp bánh rợm để mang ra chợ bản. |
Bánh rợm của người Giáy còn có tên gọi là “háu pẻng”, loại bánh thường được làm vào dịp tết Thanh minh (mùng 3 tháng 3 âm lịch) hoặc ngày xá tội vong nhân (rằm tháng 7 âm lịch) hằng năm. Tuy nhiên ngày nay, bánh rợm được nhiều gia đình người Giáy gói thường xuyên, bày bán tại các chợ và trở thành món ăn hấp dẫn được nhiều người yêu thích. Bánh được gói bằng lá chuối, bên trong có bột gạo nếp và nhân.
Bà Lương Thị Chao ở tổ 12, phường Nam Cường là một trong những người dành nhiều tâm huyết để làm các loại bánh truyền thống của người Giáy, trong đó có bánh rợm. Những năm qua, gia đình bà không chỉ có kinh tế ổn định từ nghề làm bánh truyền thống mà còn góp phần đưa ẩm thực của dân tộc mình đến với nhiều thực khách trên địa bàn thành phố.
Ngay từ nhỏ, bà Chao đã được bà, mẹ của mình dạy cách làm những chiếc bánh đặc trưng của dân tộc Giáy như bánh chưng đen, bánh rợm, bánh chít… Trước đây, bà chỉ làm các loại bánh truyền thống trong dịp lễ, tết nhưng từ năm 2010, khi chuyển về khu tái định cư tại tổ 12, phường Nam Cường, bà bắt đầu làm bánh rợm bán.
Bà Lương Thị Chao tâm sự: Từ khi chuyển đến khu tái định cư, gia đình không còn đất làm ruộng nữa nên bà chuyển sang làm bánh truyền thống của dân tộc để bán, tăng thu nhập cho gia đình. Cũng nhờ thế mà con, cháu trong nhà cũng được truyền dạy nghề làm loại bánh truyền thống này.
Các công đoạn để làm ra chiếc bánh rợm của người Giáy không đơn giản, cần chuẩn bị lá chuối khô, ngâm gạo nếp, nghiền ra làm vỏ bánh, làm nhân bánh, rồi mới đến khâu gói và hấp bánh.
Lá chuối sau khi lấy về sẽ được phơi khô, bảo quản cẩn thận ở nơi khô ráo, tránh ẩm mốc. Theo kinh nghiệm của bà Chao, muốn có được chiếc bánh rợm thơm từ lớp vỏ chuối thì bánh phải được gói bằng lá chuối rừng. Những chiếc lá chuối rừng to bản, lành lặn, sau khi được cắt xuống sẽ dóc bỏ phần cuống, lấy 2 dải lá 2 bên, lau sạch bằng khăn ướt rồi đem phơi cho úa, như vậy lá mới mềm, có độ dai, khi gói và hấp, bánh mới có mùi thơm.
Phần vỏ bánh làm từ bột gạo nếp, ngon nhất là gạo nếp nương được xay bằng cối xay đá truyền thống. Sau khi xay bột, nước bột đó được đổ vào chiếc túi may bằng vải xô treo trên một cái sào vắt ngang cho nước trong túi bột nhỏ xuống, cuối cùng còn lại lớp bột mềm và mịn. Cách làm này tuy kỳ công nhưng bột sẽ rất mềm và dẻo. Từ khi có máy xay, đồng bào Giáy không tốn nhiều công sức như trước, chỉ cần mang gạo đi nghiền ướt hoặc xay khô rồi hòa nước. Cách làm này tuy nhanh chóng, tiện lợi nhưng bánh sẽ không ngon bằng bột xay nước truyền thống.
Nhân bánh rợm của người Giáy có 2 loại: Nhân mặn và nhân ngọt. Người Giáy thường dùng hạt đỗ xanh hoặc lạc để làm nhân. Với loại nhân mặn, bà Chao thường làm bằng lạc hấp chín, giã nhuyễn rồi xào với hành mỡ thật thơm, nêm mắm, muối vừa đủ. Nếu muốn làm nhân ngọt thì cho đường vào lạc, đồng thời trộn thêm một chút vào vỏ bánh, sau đó nắm thành từng quả tròn vừa lòng bàn tay. Với loại nhân đỗ cũng làm tương tự.
Sau khi chuẩn bị xong nhân thì đến khâu gói bánh. Bột bánh được vo thành hình tròn và cho nhân vào giữa bột sau đó đặt vào mặt trái lá chuối, gói lại. Bánh gói xong được xếp vào chõ đồ cơm và mang đi hấp, chỉ khoảng 30 phút là bánh đã chín.
Cũng theo kinh nghiệm của bà Chao, bánh rợm sau khi được hấp chín cần gắp ra, xếp dàn ra mâm hoặc rổ để nhanh nguội và ráo nước, như vậy bánh mới không bị ướt, nhão, mất đi mùi vị thơm nồng của lá chuối, bột gạo nếp và nhân.
Với giá bán 10 nghìn đồng 1 cặp bánh, mỗi ngày bà Chao thường làm khoảng 35 cặp. Vào ngày lễ, Tết, số lượng bánh làm ra có thể tăng lên 50 - 60 cặp. Nhịp sống hiện đại hối hả, không còn nhiều gia đình tự làm các loại bánh đòi hỏi sự công phu, khéo léo, nhưng nhờ có những người như bà Chao, các loại bánh truyền thống của người Giáy nói chung và bánh rợm nói riêng vẫn giữ được hương vị đậm đà vốn có, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người tiêu dùng, đồng thời mang lại cho họ cuộc sống no ấm hơn.
Ăn gì khi đến Sapa - Lào Cai? Sapa điểm đến khá quen thuộc của nhiều bạn trẻ nhưng liệu bạn đã biết Ăn gì khi đến Sapa - Lào Cai? Điểm qua những món đặc sản dưới đây để không bỏ lỡ khi đến "nơi gặp gỡ đất trời" này nhé! |
Lào Cai: Độc đáo trang phục phụ nữ các dân tộc vùng cao Trang phục của người phụ nữ dân tộc Lào Cai có những vẻ đẹp độc đáo, những nét riêng mà chỉ thoáng nhìn cũng không thể nhầm lẫn với các dân tộc khác. |