Đại tướng Ngô Xuân Lịch: Số doanh nghiệp quân đội còn lại sẽ thực hiện cổ phần hoá
Theo ghi nhận của báo An ninh Thủ đô, phát biểu tại hội trường Quốc hội sáng 24/11 về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi) Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch cho hay, hơn 70 năm qua, quy định quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế là thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng và cụ thể hóa Điều 68 của Hiến pháp 2013.
Ông khẳng định, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế đã, đang và luôn là chức năng quan trọng của quân đội nên cần được quy định trong luật.
Báo Vietnamnet thuật lại, Bộ trưởng Lịch thông tin, thực hiện đề án cơ cấu lại doanh nghiệp quân đội tới đây, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ giữ lại 100% vốn Nhà nước tại 17 trong 88 doanh nghiệp hiện có. Số doanh nghiệp quân đội còn lại sẽ thực hiện cổ phần hoá sau khi sắp xếp, sáp nhập.
Cũng theo báo Vietnamnet, thảo luận tại hội trường, Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Phó Chính uỷ Quân khu 7 nêu, quân đội làm kinh tế góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, cùng với những tiến bộ của công nghệ quốc phòng ngày càng hiện đại.
"Quân đội làm kinh tế chính là gánh vác nhiệm vụ chính trị xã hội", nguồn trên dẫn lời Thiếu tướng Hoàng.
Theo thuật lại của báo VnExpress, Thiếu tướng Hoàng ủng hộ việc quy định quân đội kết hợp làm kinh tế, văn hoá xã hội và cho biết, thời gian tới, theo đề án được Chính phủ phê duyệt thì quân đội sẽ tái cơ cấu các doanh nghiệp.
Báo Zing.vn dẫn lời đại biểu Nguyễn Văn Khánh (Bình Dương) - Viện trưởng VKS quân sự Trung ương cho biết, Bộ Quốc phòng đang tổ chức sắp xếp các doanh nghiệp theo hướng các doanh nghiệp quân đội không làm kinh tế đơn thuần, mà làm kinh tế quốc phòng, khoa học công nghệ để phục vụ phát triển tiềm lực quốc phòng.
Từ đó góp phần gia tăng sức mạnh quân đội và tiềm lực Quốc gia.
(Tổng hợp)
TC