Đại tá Việt Nam: Xích xe tăng - Chớ coi thường mà gặp họa, hé lộ về T-90MS
Một trong những thế mạnh của xe tăng là sức cơ động việt dã cao, nghĩa là nó có thể vượt qua được nhiều loại địa hình phức tạp từ nơi nền đất yếu tới những nơi rừng núi nhiều đèo dốc cao, từ những con đường mấp mô tới những vật cản mà xe bánh lốp không thể vượt qua được như vách đứng, hào sâu v.v...
Tất cả những thế mạnh đó ngoài sức mạnh của động cơ thì chủ yếu là nhờ vào dải xích của nó. Với diện tích tiếp xúc khá lớn, dải xích tạo ra cho chiếc xe tăng một cái "bàn đế" khá vững vàng.
Nhìn những chiếc xe tăng nặng nề đến vài chục tấn không mấy ai nghĩ nó chỉ tạo ra một áp lực lên mặt đất cỡ khoảng 0,8- 0,9 KG/cm2 mà thôi - nghĩa là chỉ như một người đi chân trần dẫm lên chính chỗ đó.
Cũng nhờ diện tích lớn cộng với cấu tạo mặt xích phù hợp chính dải xích tạo ra lực kéo bám lớn trong khi lực cản lăn lại nhỏ, đồng thời liên kết các bánh tỳ lại để cho xe có thể vượt qua vách đứng cao hàng mét, vượt hào chống tăng rộng 2,5 đến 3 mét. Sơ sơ như vậy đủ thấy không thể coi thường nó được!
Những yêu cầu cơ bản đối với xích xe tăng
Là một bộ phận mà điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, trực tiếp va đập với mặt đường và các bộ phận khác, lại chịu sự tác động của rất nhiều thứ lực và các tác nhân nên ngoài nên quá trình thiết kế, chế tạo mỗi mảnh xích cũng như cả dải xích xe tăng có những yêu cầu rất cao. Cụ thể là:
Phải đảm bảo tính cơ động, khả năng thông qua và quay vòng cao. Nghĩa là: mảnh xích có trọng lượng và hình dạng thích hợp, có lực cản chuyển động nhỏ nhưng lực kéo bám đủ lớn; yêu cầu này phụ thuộc chủ yếu vào cấu tạo mặt ngoài của mảnh xích.
Xe tăng PT-76 của bộ đội Việt Nam trong bài huấn luyện vượt sông.
Ngoài ra, các mảnh xích trong dải xích phải liên kết với nhau chắc chắn, linh hoạt và bền vững... Để đảm bảo yêu cầu này, ngoài mảnh xích thì các chốt xích - chi tiết liên kết các mảnh xích thành dải xích có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong thực tế, các chốt xích thường bị hư hỏng trước tiên.
Có độ bền và bền mòn cao, đủ sức chịu đựng những tác động từ mặt đường xấu cũng như lực kéo của động cơ. Cụ thể hóa của yêu cầu này là tuổi thọ của xích, tối thiểu phải đạt vài nghìn km và tất nhiên là càng cao càng tốt.
Là phương tiện chiến đấu nên đường cơ động của xe tăng thường là đường quân sự làm gấp, chất lượng mặt đường rất xấu, nhiều vật cản... Nếu không đủ bền xích sẽ hư hỏng thường xuyên gây khó khăn cho quá trình hoàn thành nhiệm vụ.
Chẳng hạn, trong trận đánh cứ điểm Tà Mây ngày 24.01.1968, khi 2 xe 555 và 558 xung phong vào cứ điểm thì xe 558 bị đứt xích phải nằm ngoài cửa mở, chỉ còn một mình xe 555 vào được trong cứ điểm mà thôi.
Cũng chính vì vậy, khi chuẩn bị đánh Làng Vây, Tiểu đoàn 198 đã phải rút số xe tham gia chiến đấu từ 11 xe xuống 8 xe mỗi đại đội, qua đó lấy xích tốt từ 3 xe kia thay sang cho các xe tham gia chiến đấu và nhờ vậy mà không có hiện tượng đứt xích xảy ra.
Có khả năng bảo vệ khỏi sự hủy diệt của đối phương. Là phương tiện chiến đấu việc đối mặt với hỏa lực đối phương là đương nhiên. Những loại vũ khí trực tiếp thường phá hủy dải xích là mìn chống tăng, tên lửa- súng phóng lựu chống tăng v.v...
Việc thiết kế chế tạo phải tính toán để dải xích nói riêng và cơ cấu vận hành nói chung đủ sức chịu đựng hoặc chỉ thiệt hại tối thiểu trước các vũ khí hoặc hỏa lực này.
Đảm bảo trọng lượng nhỏ, kết cấu đơn giản, thuận tiện cho sửa chữa, bảo dưỡng. Cụ thể hóa đối với yêu cầu này là tự kíp xe không cần đến sự hỗ trợ của thợ sửa chữa phải đủ khả năng bảo dưỡng, thay thế các mảnh xích khi cần thiết trong thời gian ngắn nhất, kể cả trong điều kiện đang chiến đấu khẩn trương, ác liệt.
Dẫu đơn giản nhưng liên tục được cải tiến
Thoạt kỳ thủy, xích của những thế hệ xe tăng đầu tiên có cấu tạo và kết cấu rất đơn giản, thường chỉ là một mảnh thép phẳng có hàn thêm một vấu để tăng lực bám mà thôi. Việc liên kết các mảnh xích với nhau cũng chỉ đơn thuần là các chốt kim loại hình trụ.
Tuy nhiên, trong một thế kỷ có mặt và phát triển, cấu tạo và kết cấu xích xe tăng đã liên tục được cải tiến và có những bước phát triển mạnh mẽ, đáp ứng ngày càng cao những yêu cầu đề ra đối với nó trong điều kiện chiến tranh hiện đại.
Trước hết, với những tiến bộ không ngừng của kỹ thuật luyện kim người ta đã chọn được những loại thép hợp kim tốt nhất để chế tạo mảnh xích và chốt xích, đảm bảo chúng có độ bền và độ bền mòn cao nhất.
Bên cạnh đó, người ta cũng lựa chọn được phương pháp gia công và quy trình nhiệt luyện tối ưu để các mảnh xích và chốt xích đạt được yêu cầu đã đề ra. Để chế tạo mảnh xích, trước đây tùy theo trình độ công nghệ mà người ta sử dụng một trong các phương pháp gia công sau: rèn, hàn, đúc và dập. Mỗi phương pháp này có ưu nhược điểm khác nhau.
Cho đến gần đây hai phương pháp gia công được dùng phổ biến nhất là: đúc để chế tạo mảnh xích các xe tăng hạng trung, hạng nặng và dập để chế tạo xích các xe tăng hạng nhẹ, xe tăng bơi nước. Đối với chốt xích cũng vậy, với quy trình nhiệt luyện thích hợp chúng đã bền hơn trước đây rất nhiều.
Xe chiến đấu bộ binh BMP-3 của Quân đội UAE.
Về cấu tạo các mảnh xích cũng liên tục được cải tiến, trong đó chủ yếu là đối với mặt tiếp xúc với mặt đường. Nhìn chung, các vấu, gờ trên mặt mảnh xích được tính toán sao cho lực cản lăn là nhỏ nhất và lực bám lại lớn nhất. Có như vậy mới đạt được tốc độ cao khi chạy và bám tốt khi leo dốc hoặc vượt qua các vật cản.
Riêng xích của một số loại xe bơi bằng xích (M-113, BMP-1, BMP-2, thiết giáp BMP-3,...) phải có hình dáng khác biệt có thể tạo thành guồng nước khi bơi. Vài thập kỷ trở lại đây, một số nước - chủ yếu là những nước theo trường phái phương Tây đã thực hiện việc ốp thêm lớp lót cao su vào mặt xích.
Giải pháp này cho phép giảm bớt va đập với mặt đường, giảm lực cản lăn song có bất lợi khi đi trên đường trơn trượt hoặc leo dốc, đi dốc nghiêng vì lực bám kém.
Riêng đối với đời xe tăng T-90MS của Nga, người ta đã lựa chọn giải pháp là sản xuất thêm "guốc" bê tông АХБ đi kèm bằng vật liệu polyuretan. Khi đi trên đường cứng, đường bê tông thì người ta lắp vào, còn các địa hình khác thì tháo ra được.
Tuổi thọ các "guốc" dành cho xe tăng T-90MS này không dưới 1.000 km.
Xe tăng T-90MS do Nga chế tạo.
Như đã nói trên, chốt xích là chi tiết bị ảnh hưởng lớn nhất, dễ hư hỏng nhất, có tuổi thọ thấp nhất... nên nó cũng được ưu tiên cải tiến thường xuyên nhất.
Từ chỗ đơn thuần là khớp kim loại hở - nghĩa là một chốt kim loại hình trụ xuyên qua các lỗ tròn ở tai các mảnh xích, không chỉ là cọ xát giữa kim loại với kim loại mà còn bị cát sỏi chui vào làm tăng thêm độ mài mòn tiến lên khớp kim loại kín, khớp kim loại - cao su, khớp có ổ bi kim...
Đối với xe tăng hiện đại, loại khớp được sử dụng phổ biến nhất hiện nay là khớp kim loại- cao su. Trong trường hợp này, chốt xích thường có hình lục lăng, giữa chốt xích với lỗ ở tai xích có một lớp lót bằng cao su chất lượng cao.
Nhờ vậy tránh được sự mài mòn trực tiếp giữa kim loại với kim loại. Mặt khác, lớp lót này cũng ngăn không cho cát bụi chui vào khe hở giữa chốt xích với tai xích nên đỡ bị mài mòn do tác nhân này.
Nhờ những cải tiến đồng bộ trên, tuổi thọ dải xích của các xe tăng hiện đại có thể kéo dài đến 10.000 km.
Nhưng nói gì thì nói, như các cụ ta đã tổng kết: "của bền tại người"! Xích hay bất cứ bộ phận nào của trang bị vũ khí đều có thể được kéo dài tuổi thọ nếu chúng được chăm sóc, kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên.
Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt