Đại học Harvard thay đổi tiêu chí tuyển sinh
Trường Sư phạm sau đại học của Đại học Harvard tuyên bố sẽ thay đổi tiêu chí tuyển sinh bắt đầu từ năm học tới, Business Insider cho hay. Tiêu chí mới giảm bớt ưu thế của những sinh viên có điều kiện kinh tế khá giả. Trường cũng đưa ra ba đề nghị giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho mùa tuyển sinh tiếp theo.
Thứ nhất, thí sinh nên tích cực hỗ trợ người khác, đóng góp cho các dịch vụ cộng đồng, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội.
Thứ hai, trường sẽ tiến hành tuyển chọn dựa trên yếu tố đạo đức, đóng góp của họ đối với gia đình, xã hội về vấn đề sắc tộc, văn hóa và giai cấp.
Thứ ba, Harvard định nghĩa thành tích theo cách khác, tạo sân chơi bình đẳng hơn đối với sinh viên có điều kiện kinh tế khác nhau đồng thời giảm áp lực thành tích.
Sinh viên nghèo chiếm tỷ lệ rất nhỏ tại các trường đại học danh tiếng ở Mỹ
Nhiều năm qua, các đại học ở Mỹ nỗ lực tiến hành nhiều biện pháp để đa dạng hóa thành phần sinh viên. Tuy nhiên, theo Inside Higher Ed, những thí sinh xuất thân từ gia đình nghèo vẫn chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ tại các trường danh tiếng.
Thông thường, các trường tuyển sinh dựa trên điểm thi, chương trình AP (lớp nâng cao) và IB (tú tài quốc tế) nhưng không chú trọng yếu tố bên ngoài chương trình học. Điều này khiến học sinh nghèo thiệt thòi.
Lãnh đạo Đại học Harvard cho rằng, yếu tố cộng đồng, dù đó là việc tham gia dự án dịch vụ xã hội hay đơn giản chỉ là hoạt động hỗ trợ gia đình nên được đề cao hơn trong quá trình xét tuyển.
Với tiêu chí tuyển sinh mới, trường tạo cho thí sinh cơ hội rõ ràng để trình bày đóng góp của họ đối với xã hội trong hồ sơ ứng tuyển. Nó giúp học sinh nghèo có thêm ưu thế trong hoàn cảnh họ không có tiền để tham gia các hoạt động thể thao hay du lịch nước ngoài – những điểm cộng trong mắt cán bộ tuyển sinh tại trường uy tín.
Harvard là một trong những trường tuyển sinh khắt khe nhất với tỷ lệ trúng tuyển chỉ ở mức 5,8%
Trong thông báo chính thức, Harvard cũng lưu ý, những đóng góp của học sinh cần có ý nghĩa thực sự và được duy trì thường xuyên, chứ không phải hoạt động mà họ tham gia chỉ để tăng cơ hội trúng tuyển đại học.
Harvard thừa nhận, phòng tuyển sinh của trường không có khả năng để xem xét hết tiêu chí mới trong quá trình đánh giá hồ sơ nhưng họ hy vọng nó sẽ "tạo ra sự cân bằng lành mạnh hơn trong giới trẻ, giữa việc đầu tư cho bản thân và quan tâm đến những người xung quanh cũng như thế giới".
Đại học Harvard là trường hàng đầu thế giới. Để được học tại đây, thí sinh phải trải qua quá trình sàng lọc gắt gao, vượt qua vòng tuyển chọn do 6 giáo sư phụ trách. Tỷ lệ trúng tuyển của trường chỉ ở mức 5,8% và phần lớn sinh viên có điều kiện kinh tế tốt.
Tiêu chí tuyển sinh mới không tăng tỷ lệ trúng tuyển nhưng sẽ góp phần đa dạng hóa thành phần sinh viên của trường. Đây cũng là sự hỗ trợ của Harvard dành cho những thí sinh xuất thân từ gia đình nghèo.
Theo Zing