Đại biểu Quốc hội tranh luận gay gắt về dự án Sào Khê đội vốn 36 lần
Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) được Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) Hồ Đức Phớc trình bày tại Quốc hội chiều 21/5 nhấn mạnh tình trạng điều chỉnh dự án với giá trị lớn, trong đó có Dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ đồng). Con số trên ngay lập tức nhận được sự quan tâm của dư luận cũng như của đại biểu Quốc hội.
Đại biểu tỉnh Ninh Bình: Không phải dự án nào cũng mờ ám
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thanh, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình cho biết, dự án ban đầu quy mô nhỏ nhưng khi làm vướng khu cố đô nên yêu cầu phải mở rộng, phải giải phóng mặt bằng, lo tái định cư nên dẫn đến đội vốn. Nguyên nhân chính là do khảo sát không kỹ.
Tại phiên thảo luận trên Hội trường chiều 28/5, ông Bùi Văn Phương, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình đã giơ biển tranh luận và dành toàn bộ 3 phút để nói rõ thêm về dự án này.
Đại biểu Bùi Văn Phương - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình
Theo vị đại biểu này, trước khi có Luật Đầu tư công thì các dự án đầu tư rồi có sự điều chỉnh là một hiện thực, nhưng không phải tất cả dự án điều chỉnh đầu tư đều sai hay đều có gì đó không đúng và mờ ám. Nếu chỉ nhìn con số ròng từ 72 tỷ đồng lên 2.595 tỷ thì người dân và cử tri băn khoăn trong công tác quản lý nhà nước, điều hành đầu tư xây dựng thế nào mà để xảy ra như thế!
Ông Bùi Văn Phương thông tin thêm, dự án bắt đầu từ 2001, ban đầu mục tiêu dự án là nạo vét sông để phục vụ thuỷ lợi tưới tiêu. Nhưng dòng sông Sào Khê chạy qua khu vực cố đô Hoa Lư nên nhân dịp 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Nhà nước cho đầu tư tôn tạo cố đô Hoa Lư – trong đó sông Sào Khê chạy qua lõi di sản thế giới Trang An.
Dự án điều chỉnh lại từ cho mục tiêu chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp sang thêm mục tiêu tôn tạo cố đô, tạo nền tảng một bước để Tràng An được công nhận là di sản; phục vụ giao thông thuỷ và các công trình phục vụ du lịch.
Cũng theo Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình, về nguồn vốn, ngân sách chiếm 1.400 tỷ đồng, còn lại là vốn của DN và các nguồn vốn khác.
“Ninh Bình hôm nay, có cố đô, có di sản Tràng An được thế giới biết tới trong đó có đóng góp của dự án này” – ông Phương nhấn mạnh.
Thanh tra là rõ đúng - sai
Sau ý kiến của đại biểu Bùi Văn Phương, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) lập tức giơ biển tranh luận. Vị đại biểu đoàn TPHCM dẫn số liệu cho thấy, ngoài câu chuyện dự án Sào Khê đội vốn 36 lần thì Ninh Bình là nơi có số nợ đọng cao.
“Trên thế giới thì một dự án đầu tư mà tăng vốn như thế thì không thể giải thích, vì vấn đề của dự án là chất lượng và hiệu quả”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh và cho rằng khi dự án đội vốn và kéo dài thì không hiệu quả, từ đó tác động ngược tới nền kinh tế, tạo gánh nặng.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: VOV
Theo vị đại biểu này, tốt nhất thanh tra nên vào cuộc và kết luận đâu là nguyên nhân khách quan, đâu là nguyên nhân chủ quan. Cái gì khách quan và làm tốt thì khen thưởng, còn vấn đề gì cần sửa chữa, rút kinh nghiệm cũng cần phải làm.
“Có hiện tượng như thế thì nên thanh tra để các đồng chí ở tỉnh Ninh Bình không băn khoăn, thắc mắc và cử tri cũng thấy rõ ràng”, ông Nghĩa nêu quan điểm.
Cũng giơ biển tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đồng tình với đại biểu Trương Trọng Nghĩa về hiện tượng “đầu chuột đuôi voi” rất phổ biến khi đầu tư nhiều dự án.
“Xin dự án “be bé” rồi sau nợ dần, thử hỏi hàng năm Quốc hội thông qua vốn đầu tư rồi thì làm sao bù vào? Nói rằng chỉ có 1.400 tỷ đồng là từ ngân sách, vậy số tiền đó không nhiều hay sao?”, ông Nguyễn Anh Trí đặt vấn đề và dẫn hàng loạt vùng còn khó khăn cần một con đường, có địa phương cần số tiền đó để phát huy thế mạnh nhưng chưa chắc đã có, hay hàng triệu người mang gen bệnh mà chỉ cần 1000 tỷ đồng thôi thì có thể giảm tình trạng này nhưng không dám xin mà xin cũng chưa chắc đã được.
Theo VOV